Hệ thống giáo dục Trung Quốc được chia thành: 3 năm học mẫu giáo, 6 năm học tiểu học và 3 đến 6 năm học trung học, tiếp theo đó là một số năm dành cho giáo dục bậc cao.
Trường mẫu giáo và tiểu học ở Trung Quốc chủ yếu là các trường công nhưng bên cạnh đó cũng có các trường tư. Dù ở trường nào thì học sinh cũng cần chuẩn bị cho một quá trình tuyển sinh đầy cạnh tranh, một hệ thống giáo dục đầy tham vọng và mức học phí không hề thấp.
Kể từ năm 1986, Trung Quốc đã đạt được phổ cập giáo dục 9 năm (gồm 6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở).
Giáo dục mầm non và tiểu học ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, trẻ em bắt đầu đi học khi lên 7 tuổi (hoặc 6 tuổi nếu ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố lớn) và các em học 5 ngày một tuần. Trước đó, trẻ em học mẫu giáo khoảng từ 1 đến 3 năm.
Loại hình giáo dục mầm non mà trẻ em ở đây được tiếp nhận là từ các nhà trẻ, trường mầm non theo mùa ở những vùng nông thôn kém phát triển kinh tế cho tới các trường danh tiếng ở các thành phố. Ngoài ra còn có các hoạt động ngoại khóa, các trung tâm giáo dục, giải trí… bổ sung cho giáo dục mầm non.
Khi lên 7 tuổi, trẻ em bắt đầu học tiểu học. Ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, trẻ em có thể đi học sớm hơn một năm. Tổng số 60% thời gian học tập của các em đều dành cho tiếng Trung và Toán. Ngoài ra, trẻ em được học nhạc, nghệ thuật, đạo đức, xã hội, thiên nhiên. Một số trường bắt đầu dạy ngoại ngữ ở cuối cấp tiểu học.
Giáo dục trung học
Từ 12 đến 17 tuổi, trẻ em vào học trung học. Các trường trung học quốc lập ở đây thường chia thành 2 bậc: trung học cơ sở và trung học phổ thông, mỗi bậc kéo dài 3 năm. Sau khi hoàn thành bậc trung học cơ sở, học sinh có thể chọn trường trung học phổ thông bình thường, trường dạy nghề hoặc trường trung học chuyên nghiệp.
Mục đích chính của hầu hết các trường trung học là chuẩn bị cho học sinh theo đuổi giáo dục bậc cao. Thực tế, chất lượng của một trường trung học thường được đo lường bằng số học sinh vào được đại học.
Điều này rất ý nghĩa vì để vào được đại học, học sinh phải cạnh tranh rất nhiều trong học tập. Do đó, không ngạc nhiên rằng trẻ em ở đây phải chịu rất nhiều áp lực. Ngoài việc học tập bình thường, các em phải chuẩn bị cho kỳ thi đại học thường được biết đến với cái tên Gaokao.
9 tiếng làm bài thi Gaokao rất khó khăn và chỉ có 40% học sinh vượt qua. Kỳ thi này kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh ở môn tiếng Trung, toán, ngoại ngữ và một vài một tự chọn khác.
Tùy theo số điểm đạt được, các em sẽ được vào các trường có mức độ danh tiếng khác nhau. Trường phổ thông nào càng có nhiều học sinh vào được trường đại học tốt thì trường đó càng nổi tiếng. Việc tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng gần như sẽ đảm bảo cho sinh viên tìm được việc làm và có một sự nghiệp phát triển.
Các trường nông thôn Trung Quốc thường bị thiếu giáo viên |
Điểm tích cực và tiêu cực của hệ thống giáo dục
Trung Quốc là một quốc gia phát triển nhanh về kinh tế và có hệ thống giáo dục tạo nhiều cơ hội phát triển cho trẻ em trong tương lai. Học sinh Thượng Hải đứng đầu trong kỳ thi PISA đánh giá các kỹ năng đọc, làm toán và khoa học dành cho học sinh 15 tuổi của OECD (tổ chức hợp tác phát triển kinh tế) vào năm 2012.
Tuy nhiên, chỉ có kết quả của Thượng Hải được công bố. Các trường nông thôn Trung Quốc thường bị thiếu giáo viên trầm trọng, môi trường học tập và cơ hội của học sinh cũng khác hẳn so với các trường ở thành phố. Một vấn đề nữa là áp lực thi đại học ở Trung Quốc bị xem là quá nặng nề, khiến cho học sinh phải lo lắng rất nhiều.