Tuy nhiên, họ vẫn nhen nhóm ý tưởng du học trong một giai đoạn sau Covid-19.
Yang Lifei, sống tại thành phố Thượng Hải, cho biết gia đình quyết định để con gái 13 tuổi du học Vương quốc Anh sau khi cô bé tốt nghiệp tiểu học hơn một năm trước. Bà mẹ nhận xét 14 tuổi là độ tuổi thích hợp để con gái bắt đầu cuộc sống tự lập ở nước ngoài.
Hiện, Lifei phải cân nhắc lại kế hoạch này. Thay vì du học Anh năm 2020, con gái Lifei sẽ học trung học tại Thượng Hải và du học sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, quốc gia để du học đang được gia đình cân nhắc.
Bà mẹ nhận xét trong tình hình quốc tế như hiện nay, thái độ phân biệt đối xử với người Trung Quốc tại nước ngoài gia tăng, việc vắc-xin có thể chấm dứt Covid-19 hay không là không chắc chắn.
“Vợ chồng tôi may mắn vì con gái còn nhỏ nên gia đình có thể thay đổi kế hoạch của mình. Đối với gia đình có con tốt nghiệp THPT vào năm nay, việc lựa chọn con đường học tập ngoài du học là rất khó”, Lifei cho biết.
Bà mẹ nói thêm rằng hầu hết gia đình phải tạm dừng kế hoạch du học trong thời gian này, trừ những người phải chuyển ra nước ngoài làm việc hoặc quyết định định cư lâu dài. Trước đây, gaokao (kỳ thi tuyển sinh vào đại học tại Trung Quốc) được ví như hàng nghìn thí sinh cùng tranh nhau đi trên một cây cầu mỏng. Tuy nhiên, Lifei cho rằng “cuộc đua trên cầu” đã mở rộng sang các trường đại học tại Vương quốc Anh và Mỹ.
Trong tương lai, Lifei vẫn đặt mục tiêu cho con gái đi du học vì tin rằng việc học tập ở nước ngoài, nơi khuyến khích tính đa dạng, sẽ giúp con thành công. “Con gái tôi là người hướng ngoại, có tính kỷ luật. Kể từ năm lớp 3, cháu đã tham gia các trại hè quốc tế hai lần một năm với trẻ em từ khắp nơi trên thế giới”, bà mẹ cho biết.
Giống với gia đình Lifei, Zhou Yijia, 16 tuổi, đang phải thay đổi kế hoạch du học của mình. Nữ sinh du học Đức từ tháng 11/2018. Giữa tháng 3 năm nay, Yijia trở về Trung Quốc khi Covid-19 bùng phát, đăng ký vào một trường quốc tế Đức tại Thượng Hải.
Ban đầu, nữ sinh dự định trở về quê hương vài tháng để tránh đợt dịch bùng phát cao điểm tại Đức. Khi Đức dỡ bỏ quy định hạn chế biên giới, các trường đã kêu gọi học sinh, sinh viên quốc tế trở lại học vào tháng 6. Tuy nhiên, Zhou đánh giá rất tốn kém nếu phải cách ly 28 ngày ở hai quốc gia, Trung Quốc và Đức, nên em chuyển hướng ở lại trong nước học tập trong thời gian ngắn.
Vì vẫn ấp ủ ước mơ du học, Zhou cân nhắc nộp đơn ứng tuyển tới các nước tại châu Á khác như Singapore, Nhật Bản. Nữ sinh giải thích các quốc gia này có nền ẩm thực phù hợp với người Trung Quốc và chặng bay không quá 12 giờ.
Các chuyên gia giáo dục đánh giá cha mẹ Trung Quốc vẫn sẽ “nung nấu” ý tưởng cho con cái đi du học trong thời gian tới. Bởi lẽ, họ cảm thấy trải nghiệm cuộc sống ở đất nước khác giúp con cái phát huy, vận dụng tiềm năng cá nhân và thành công.
Tuy nhiên, họ sẽ tìm kiếm cơ hội học tập cho con cái tại các nước châu Âu không nói tiếng Anh thay Mỹ hoặc Anh. Điều này phù hợp với xu hướng nhiều ngoại ngữ ngoài tiếng Anh đang được dạy tại các trường THCS công lập và tư thục ở các thành phố lớn của Trung Quốc.
“Tôi chắc chắn sẽ cân nhắc các trường ở Thụy Sĩ, Áo, những nước có nguồn lực giảng dạy chất lượng và mối quan hệ tốt với Trung Quốc”, Lifei cho biết.