Trung Quốc: Các cụ bà chung tay nuôi dưỡng thế hệ tương lai

GD&TĐ - Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, học sinh tại Trường Tiểu học Yangshilu, thành phố Trung Khánh, Trung Quốc, được các cụ bà, tình nguyện viên trong khu vực chăm sóc, kèm học để cha mẹ yên tâm làm việc.

Một cụ bà hướng dẫn em nhỏ làm đồ thủ công.
Một cụ bà hướng dẫn em nhỏ làm đồ thủ công.

Từ tháng 4/2021, Trung tâm Dịch vụ Công tác Xã hội thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, đã tổ chức dự án người cao tuổi hỗ trợ gia đình trẻ chăm sóc con nhỏ. Thành viên dự án là những người phụ nữ đã nghỉ hưu, độ tuổi 66 - 74 và hầu hết không có tổ ấm. Họ đã giúp đỡ các gia đình bận bịu công việc chăm sóc trẻ nhỏ ngoài giờ lên lớp.

Ông Cao Yidan, Chủ tịch Trung tâm Dịch vụ Công tác Xã hội thành phố Trùng Khánh, cho biết, ý tưởng xây dựng dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế của các gia đình trẻ trong khu vực.

Tại Trường Tiểu học Yangshilu, học sinh thường tan học lúc 5 giờ 30 phút chiều. Tuy nhiên, vào thứ Hai, các em ra về vào 3 giờ 30 phút, sớm hơn thường lệ nên phụ huynh, người thân không thể sắp xếp thời gian đưa đón.

Qua dự án, những cụ bà thay phụ huynh chăm sóc trẻ nhỏ, cùng chơi, cùng học với các em tại phòng sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm. Hoạt động trên đã cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong hỗ trợ trẻ em.

Ngoài người hưu trí, Trung tâm Dịch vụ Công tác Xã hội thành phố Trùng Khánh chiêu mộ các tình nguyện viên trẻ tuổi để kèm học sinh làm bài tập. Song song với đó là các hoạt động giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống.

Đơn cử, để chào mừng Lễ hội Thuyền rồng, một trong những ngày lễ lớn của địa phương, các cụ bà sẽ hướng dẫn trẻ nhỏ làm món ăn truyền thống. Vào dịp nghỉ lễ, gia đình học sinh đến thăm, tặng quà người cao tuổi. Từ đó, trẻ nhỏ được thực hành bày tỏ lòng yêu thương, chia sẻ, biết ơn và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Hoạt động chăm sóc trẻ em được tổ chức xuyên suốt kỳ nghỉ hè, khi học sinh được nghỉ học nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm.

Bà Deng Lihong, 66 tuổi, cho biết: “Tôi cảm thấy như được trẻ lại khi ở bên các cháu nhỏ. Cuộc sống của tôi khi về hưu đã thêm phần ý nghĩa khi tôi tham gia hoạt động này. Dự án này đã mang lại lợi ích cho các gia đình trẻ và những người cao tuổi như chúng tôi”.

Khi biết đến mô hình chăm sóc trẻ em của người cao tuổi, chị Cui Jingqin, 40 tuổi, đã cho con trai 10 tuổi tham gia do gia đình không có người chăm sóc em. Sau một thời gian, chị Jingqin bày tỏ hào hứng: “Môi trường chăm sóc tại trung tâm rất tốt, tiện nghi. Trong học kỳ này, con trai tôi đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt ở môn Toán nhờ sự giúp đỡ của mọi người”.

Dù mới hoạt động nửa năm, dự án đã thu hút nhiều phản hồi tích cực. Trên mạng xã hội Sina, cộng đồng bày tỏ thích thú và ủng hộ hoạt động.

“Mô hình thực sự rất tuyệt vời. Tôi hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ở những tỉnh, thành khác trên cả nước”, một người dùng mạng xã hội bình luận.

Ông Yidan cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ mở rộng các hoạt động dành cho người cao tuổi.

Cụ thể, trung tâm sẽ phối hợp với trường tiểu học nâng thời gian triển khai mô hình từ chiều thứ Hai hàng tuần sang tất cả các chiều trong tuần. Người cao tuổi có thể thay cha mẹ đưa trẻ đến trường, hỗ trợ các khóa học kỹ năng sống, các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

“Chúng tôi muốn kết nối tất cả người dân trong khu vực để tạo ra mô hình tương tác chặt chẽ, bền bỉ giữa thế hệ đi trước và các thế hệ sau”, ông Yidan bày tỏ.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ