Viện Dinh Dưỡng xuất hiện trên quảng cáo sữa Nestlé Milo

GD&TĐ - Trên sản phẩm sữa Milo, hình ảnh các em nhỏ nhảy múa vui vẻ bên ly sữa cùng khẩu hiệu "được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh Dưỡng”…

Viện Dinh Dưỡng xuất hiện trên quảng cáo sữa Nestlé Milo

soát hoạt động quảng cáo

Vụ sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả vừa được Bộ Công an triệt phá đang gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Bên cạnh hậu quả mà nó gây ra, dư luận còn chú ý tới việc một số bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng thậm chí là người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm.

Ngay sau đó, Bộ Y tế nhanh chóng lên tiếng khẳng định, các chuyên gia y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Nhiều đơn vị thuộc Bộ Y tế cũng nằm trong danh sách không được sử dụng tên để quảng cáo.

Ngày 17/4/2025, Bộ Y tế có công văn số 2310/BYT-ATTP về việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm và báo cáo về Bộ Y tế (qua Cục An toàn thực phẩm).

Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các viện trực thuộc Bộ Y tế; các trường đại học, cao đẳng y, dược trực thuộc Bộ Y tế; các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động của đơn vị đã nghỉ công tác) về tình trạng trên.

Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng đã lần lượt lên tiếng xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, phóng đại công dụng hoặc liên quan đến những thương hiệu bị điều tra, xử lý. Những lời xin lỗi nối tiếp nhau phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng.

Đáng lưu ý, không chỉ “bắt tay” với người nổi tiếng để thổi phồng sự thật, việc nhiều thương hiệu lớn hợp tác hoặc gắn những thông tin một cơ quan chuyên môn để quảng cáo, in nội dung “thần thánh” trên bao bì sản phẩm của mình với những lời lẽ mỹ miều cũng rất dễ khiến cho khách hàng, người tiêu dùng và đặc biệt là phụ huynh học sinh - những người đang ngày đêm tìm kiếm sản phẩm an toàn cho con em mình lầm tưởng về sản phẩm đã có sự đảm bảo của một cơ quan chuyên môn đó.

Thử nghiệm trên hàng trăm học sinh tiểu học

Điển hình như sản phẩm sữa Milo đóng hộp uống liền của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nestlé Việt Nam). Chỉ cần tìm kiếm từ khoá “Milo, sữa Milo…” không khó để bắt gặp hình ảnh một ly sữa Milo được quảng cáo trên mạng xã hội hay các clip trực tuyến, miêu tả như “nguồn năng lượng siêu phàm” – giúp trẻ em học giỏi, chơi khỏe, chạy nhanh, đá bóng giỏi, thậm chí trở thành người hùng trên sân cỏ.

Hình ảnh các em nhỏ mặc đồng phục thể thao, nhảy múa vui vẻ bên ly sữa cùng khẩu hiệu “Chứng minh khoa học”; “được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh Dưỡng”… Tuy nhiên, khi lật lại mặt sau của những lời có cánh, nhiều chuyên gia y tế nhìn nhận, đây là một dạng "thần thánh hóa" sản phẩm – đánh vào cảm xúc và sự kỳ vọng hơn là dựa trên bằng chứng khoa học rõ ràng.

Nhiều phụ huynh học sinh đặt câu hỏi, việc sản phẩm sữa Milo của Nestlé Việt Nam lấy Viện Dinh dưỡng đưa vào quảng cáo có đảm bảo quy định pháp luật về quảng cáo? Bên cạnh đó, Viện Dinh dưỡng có những căn cứ khoa học ra sao về kiểm nghiệm lâm sàng đối với sản phẩm này?

Thông tin tới báo chí, TS. BS. Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, năm 2022-2023, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”.

Đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 6/2022 – 3/2023 thuộc nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình (300 nhóm trẻ ở nhóm can thiệp, 276 ở trẻ nhóm chứng”. Thiết kế nghiên cứu là thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng nhằm đánh giá hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm…

Đề tài nghiên cứu này đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở và có kết luận: Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu.

Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh tiểu học sau 3 tháng.

Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng trí lực cho học sinh tiểu học sau 3 tháng nghiên cứu.

Trước đó, ngày 21/4/2025, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản yêu cầu Nestlé Việt Nam rà soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong truyền thông”.

Đáng chú ý, Viện Dinh dưỡng cũng nêu rõ yêu cầu: “Công ty kiểm tra, rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm, nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định nêu trên, đề nghị gỡ bỏ ngay nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cho cộng đồng”...

Căn cứ theo Điều 7, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, mọi nội dung quảng cáo thực phẩm phải trung thực, chính xác, không gây hiểu nhầm, đặc biệt không được sử dụng tên, hình ảnh, uy tín của cơ sở y tế, cán bộ y tế để quảng cáo sản phẩm nếu không được phép.

Việc sữa Milo sử dụng tên "Viện Dinh Dưỡng" – một cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Y tế trong các nội dung quảng cáo là hành vi vi phạm rõ ràng, làm lệch lạc nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh vốn rất tin tưởng vào các tổ chức y tế Nhà nước.

Không dừng lại ở việc gắn mác “khuyến nghị bởi cơ quan chức năng”, sản phẩm Milo còn gây tranh cãi khi triển khai một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em tiểu học (một nhóm đối tượng đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương).

Việc phối hợp với Viện Dinh Dưỡng để tiến hành nghiên cứu này đặt ra câu hỏi lớn về tính đạo đức và quyền lợi, sự an toàn của trẻ nhỏ có được đảm bảo? Phụ huynh học sinh có thực sự nắm được thông tin đầy đủ và đồng thuận tự nguyện? Kết quả nghiên cứu đó có đang bị sử dụng như một công cụ tiếp thị trá hình?

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục có thông tin về việc sử dụng học sinh để nghiên cứu khoa học có hợp pháp hay không? Cơ quan quản lý nào cho phép? Có phù hợp với đạo đức xã hội?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ