Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chủ trì Hội nghị “Choose Europe for Science”, Đại học Sorbonne, Pháp. Đây là động thái cho thấy châu Âu quyết tâm biến mình thành một “nơi trú ẩn khoa học” giữa cơn bão chính trị của Mỹ.
Một loạt chính sách gần đây của Mỹ đã làm dấy lên làn sóng lo lắng trong giới học thuật. Chính quyền Trump không chỉ cắt giảm hàng tỷ USD tài trợ liên bang cho các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, mà còn thúc đẩy các trường xử lý những người ủng hộ Palestine.
Chính quyền đồng thời loại bỏ các chương trình đa dạng và hòa nhập, vốn được xem là nền tảng trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục công bằng. Thậm chí, một số sinh viên nước ngoài đã bị bắt và trục xuất không qua đầy đủ quy trình pháp lý chỉ vì tham gia biểu tình ôn hòa.
Không chỉ dừng lại ở sinh viên, các trường đại học hàng đầu cũng trở thành mục tiêu của chính sách quản lý nghiêm ngặt. Đại học Harvard bị đóng băng 2,3 tỷ USD tài trợ liên bang. Đại học Columbia và Đại học Cornell cũng bị đình chỉ nhiều dự án nghiên cứu. Tổng thống Trump cũng đe dọa dừng miễn thuế của các trường đại học, một đòn đánh vào nền tảng tài chính của các đơn vị.
Trong bối cảnh trên, Hội nghị “Choose Europe for Science” (tạm dịch: Chọn châu Âu vì Khoa học) đã diễn ra. Hội nghị không chỉ thảo luận về tương lai của nghiên cứu khoa học ở châu Âu, mà còn gửi đi lời mời đến các học giả và nhà khoa học Mỹ.
Khu vực này sẽ công bố một gói ưu đãi trị giá nửa tỷ euro để hỗ trợ việc tái định cư và phát triển nghiên cứu của các học giả quốc tế, trong đó ưu tiên những người cảm thấy môi trường học thuật của họ bị đe dọa tại Mỹ.
Một loạt sáng kiến cấp quốc gia đã nhanh chóng được triển khai. Pháp khởi động chương trình “không gian an toàn cho khoa học” trị giá 15 triệu euro. Anh triển khai chương trình tài trợ 50 triệu bảng để hỗ trợ chi phí tái định cư và nghiên cứu. Đức cũng tuyên bố sẽ tìm cách thu hút ít nhất một nghìn nhà khoa học Mỹ thông qua các chương trình định hướng mới.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ. Mức tài trợ cho nghiên cứu ở EU hiện chỉ bằng khoảng một nửa của Mỹ. Ngân sách nghiên cứu và phát triển của toàn khối châu Âu vào năm 2023 là 381 tỷ euro, trong khi con số này ở Mỹ lên đến 940 tỷ USD. Sự chênh lệch trong mức lương, quỹ tài trợ và các rào cản ngôn ngữ, pháp lý cũng là trở ngại đáng kể.
Tuy vậy, châu Âu hy vọng có thể thuyết phục giới học thuật bằng những lợi thế khác, bao gồm hệ thống y tế công, chi phí sinh hoạt thấp hơn và các phúc lợi xã hội toàn diện. Tại hội nghị ở Paris, các nhà lãnh đạo châu Âu lập luận rằng dù mức lương có thể thấp hơn, nhưng chất lượng cuộc sống và sự ổn định chính trị sẽ giúp thu hút những nhà nghiên cứu đang cảm thấy môi trường tại Mỹ ngày càng bất ổn.
Văn phòng Tổng thống Macron, Pháp, nhấn mạnh EU chào đón các chuyên gia trong các lĩnh vực trọng yếu như y tế, khí hậu, trí tuệ nhân tạo và không gian. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cũng bày tỏ kỳ vọng các quốc gia thành viên sẽ tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển lên 3% GDP vào năm 2030.