Trung Quốc: Bùng phát tình trạng thạc sĩ làm nghề shipper

GD&TĐ - Hiện nay, tại Trung Quốc, hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ đã chọn nghề giao hàng (shipper) thay vì vào làm việc trong các nhà máy sản xuất, dù mức thu nhập của họ không chênh lệch nhiều.

Ngày càng có nhiều thạc sĩ làm shipper ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Ngày càng có nhiều thạc sĩ làm shipper ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Công việc có sẵn, lại “tiền tươi, thóc thật”

Theo thống kê của tờ South China Morning Post, có khoảng 60.000 thạc sĩ Trung Quốc hiện đang làm nhân viên giao hàng cho Meituan (nền tảng mua bán và giao đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc). 

Trong khi đó, báo cáo của nền tảng Meituan chỉ ra rằng, trong nửa đầu năm 2021, ít nhất 65.000 thạc sĩ và 170.000 cử nhân Trung Quốc đã trở thành nhân viên giao hàng. Ước tính 24,7% trong tổng số 2,95 triệu tài xế giao hàng sở hữu ít nhất một bằng đại học, tăng 6,7% so với năm 2020.

Năm ngoái, theo thống kê, có khoảng 16% nhân viên giao hàng làm việc bán thời gian tại Meituan là sinh viên năm nhất. Con số này đối với sinh viên năm 2 và 3 lần lượt là 47% và 28%. Sinh viên năm cuối chiếm 8%, còn lại là trình độ thạc sĩ trở lên.

Hiện nay, tình trạng thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên đang trở nên đáng báo động tại Trung Quốc. Theo CNBC, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 tại nước này lên đến 13,1% trong tháng 2 năm 2022. Điều đáng nói là con số này cao bằng quý I/2021.

Nhân viên giao hàng của Meituan. Ảnh: Getty Images.

Nhân viên giao hàng của Meituan. Ảnh: Getty Images.

Câu chuyện của Zhao Yinzhou là một ví dụ. Theo tờ South China Morning Post, Zhao là cử nhân ngành Quản trị nhân sự, có kinh nghiệm làm việc tại một công ty tuyển dụng và đào tạo ở Hàng Châu. Tuy nhiên, do gia đình gặp biến cố, Zhao đành từ bỏ công việc vào đầu năm 2021.

Sau đó, chàng trai quê Hà Bắc quyết định lên Bắc Kinh để làm việc cho Ele.me, ứng dụng giao đồ ăn lớn thứ 2 tại Trung Quốc. Thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn diễn ra hết sức phức tạp tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Zhao cho biết mỗi tháng anh kiếm được khoảng 8.000 NDT (1.200 USD) bằng việc giao đồ ăn, nhiều hơn khoản lương 5.000 NDT từ công việc văn phòng, không có phúc lợi gì.

Zhao không phải là trường hợp duy nhất phải bỏ công việc ổn định để tìm đến nghề giao hàng. Áp lực lớn trong môi trường cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt tại Trung Quốc đã khiến nhiều thanh niên như Zhao tìm đến nghề giao hàng như một cách để kiếm tiền nhanh chóng.
Nghề giao hàng luôn sẵn có, lại không đòi hỏi kỹ năng đặc biệt, chỉ cần có sức khỏe, chăm chỉ, ai cũng có thể làm việc này bất kỳ khoảng thời gian nào và có thu nhập ngay.

Dù là giao hàng hay giao đồ ăn, những nghề này đều có đặc điểm chung là: thu nhập công khai và tỷ lệ thuận với giá đơn hàng thanh toán. Điều này mang đến cảm giác công bằng và minh bạch, khi những gì người lao động bỏ ra luôn được đền đáp xứng đáng.

Chọn làm shipper vì cảm giác tự do

Nhiều người cảm thấy khó hiểu khi ngày càng có nhiều người trẻ chọn làm nhân viên giao hàng thay vì vào làm cho một nhà máy với mức lương tương đương.

Theo phân tích của tờ The Paper, điều mà nhóm việc làm linh hoạt trong đó có nghề giao hàng mang lại cho giới trẻ không chỉ là chuyện tiền lương mà còn là cảm giác tự do.

Ngành sản xuất ổn định hơn và có sự phát triển kỹ năng. Từ công nhân nhỏ lên kỹ sư hay quản lý có một lộ trình rõ ràng, tuy nhiên thường thiếu tự do, thiếu bất ngờ và tính khám phá.

Theo thống kê của tờ South China Morning Post, có khoảng 60.000 thạc sĩ Trung Quốc hiện đang làm nhân viên giao hàng cho Meituan. Ảnh: SCMP.

Theo thống kê của tờ South China Morning Post, có khoảng 60.000 thạc sĩ Trung Quốc hiện đang làm nhân viên giao hàng cho Meituan. Ảnh: SCMP.

Giao hàng hay giao đồ ăn từ lâu đã phát triển thành ngành "chỉ cần có nhu cầu". Không thể thúc đẩy người trẻ chuyển từ nghề shipper vào làm nhà máy thông qua hạn chế thương mại điện tử và bán đồ ăn mang đi.

Ở góc độ khác, ngành công nghiệp sản xuất cần tạo ra những thay đổi. Bên cạnh tăng lương, các lãnh đạo cũng nên quan tâm đến "thu nhập tinh thần" của ngành này. Cần tìm giải pháp giúp người trẻ thoát khỏi cảm giác nhàm chán, sợ hãi với dây chuyền lắp ráp, để họ thấy được thành tựu và nhu cầu vươn lên trong công việc.

Doanh nghiệp, chính phủ và xã hội cần hiểu tâm lý của người trẻ trong nền văn hóa mới: họ cần tự do, tự chủ và được khẳng định bản thân. Giới trẻ có nhiều lựa chọn hơn chính là minh chứng cho sự tiến bộ xã hội dù ai cũng hiểu nguyên tắc cơ bản là đi làm là để kiếm tiền, nuôi sống bản thân. 

Theo South China Morning Post, The Paper

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.