Trung Quốc bật đèn xanh cho phương pháp dạy học mới

GD&TĐ - Thoạt nhìn, lớp học tại trường công lập ở Nghi Tân (thành phố có khoảng 1 triệu dân thuộc tỉnh Tứ Xuyên phía Tây Nam Trung Quốc) giống như một lớp tập gym (thể dục, thể hình). 

Trung Quốc bật đèn xanh cho phương pháp dạy học mới

Nhưng để ý kĩ mới thấy trên lưng áo các em có dán tờ giấy in các chất hoá học như “nitrate”, “sulfate”, “phosphate”. Trong trò chơi, các em đuổi bắt các bạn có gắn tên hoá chất cần thiết tạo ra phản ứng hoá học.

Khơi dậy óc tìm tòi

Đây là một tiết học phối hợp nội dung thể dục và hoá học tại Trường THCS Cold Water Well (Giếng nước lạnh). Ở một tiết học khác, phối hợp nội dung lịch sử và toán, học sinh sử dụng số liệu vẽ đồ thị sự thăng trầm của các quốc gia…

Cách thức giảng dạy này là sản phẩm tinh thần của cựu nhà báo Zhang Liang. “Điều chúng tôi hướng tới là giúp bọn trẻ tự tạo ra động cơ học tập khi nhận ra thế giới này kì diệu như thế nào” - Zhang giải thích.

Cách dạy “khác người” kiểu như Zhang đã không còn là hiện tượng hiếm hoi trong xã hội Trung Quốc. Từ loại hình giáo dục tại gia tới các phương pháp giáo dục nước ngoài như Waldorf và Montessori - đang nở rộ tại Trung Quốc. Các chuyên gia giáo dục hy vọng rằng những phương pháp giảng dạy mới sẽ có lợi cho cả trường công và trường tư; tạo nên thế hệ trẻ ham tìm tòi, chủ động và tư duy độc lập.

Một khi sự tò mò được khơi dậy, Zhang hy vọng học sinh có thể tự tìm ra cách học riêng, hướng tới mục tiêu riêng và theo quy chuẩn riêng. Điều này đã thành hiện thực tại một trường THPT tư nhân ở thành phố láng giềng Trùng Khánh.

Giờ thì những đứa trẻ tại Cold Water Well chưa sẵn sàng cho điều đó. Những học sinh ở đây bé hơn - từ lớp 6 đến lớp 9 - và trong khoảng 600 học sinh, hơn một nửa là con lao động nhập cư đã tới thành phố khác kiếm việc. Nhưng phương pháp và triết lí giảng dạy mới đã mang tới sự thay đổi lớn - theo Hiệu phó Wu Ge. “Khi những đứa trẻ bắt đầu vào trường, chúng xếp hạng bét trong quận về điểm số” - Wu cho biết - “3 năm sau, chúng tốt nghiệp và đang xếp hạng nhất”.

Áp lực thay đổi

Chỉ 1 thập kỉ trước, hệ thống giáo dục Trung Quốc vẫn khá bảo thủ với phương pháp giáo dục truyền thống, nặng về học vẹt. Nhưng trong 2, 3 năm qua, chính quyền địa phương đã nới lỏng cho phép trường học thử nghiệm những phương pháp giáo dục mới. Mặc dù, chương trình và kế hoạch giảng dạy vẫn bị kiểm soát, Zhang cho biết đã ngầm được phép thử nghiệm phương pháp mới, ít nhất thì cũng không bị can thiệp cản trở.

Cũng theo Zhang thì sự vận động thay đổi của nhà trường trong thời gian tới còn mang ý nghĩa sống còn tới sự tồn tại của nhà trường, đặc biệt là trường tư. Dân số Trung Quốc đang già hoá. Các trường học phải cạnh tranh số lượng học sinh ngày càng giảm - và giải pháp số 1 là đổi mới phương pháp để hấp dẫn học sinh. Giáo dục trung học đã trở thành thị trường mà người mua quyết định, Zhang phân tích, phụ huynh với con học ở cả trường công và trường tư đang ngày càng nhận thức rõ về quyền của khách hàng.

“Các hiệu trưởng cho biết họ ngày càng cảm thấy áp lực hơn từ phụ huynh” - Zhang nói - “Phụ huynh đã bắt đầu can thiệp khi họ cảm thấy trường đối xử với con họ như những cỗ máy nhồi nhét kiến thức và thi cử”.

Zeng Liang, một học sinh lớp 8 tại Cold Water Well, nhớ lại đã cảm thấy rất sợ khi có câu trả lời sai trong lớp tới mức mà tay thường run lên. Nhưng ở đây cô bé không còn lo về điều đó. Thay vì nghe giáo viên giảng, học sinh chia thành các nhóm sử dụng máy tính bảng nghiên cứu, thảo luận và tranh cãi về kết quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ