Trung Quốc: Báo động sinh viên sát hại bạn học

Trung Quốc: Báo động sinh viên sát hại bạn học

(GD&TĐ) - Sau những vụ phạm tội gây chấn động ngay trong các trường đại học, các chuyên gia giáo dục Trung Quốc đang kêu gọi xã hội quan tâm hơn tới vấn đề sức khỏe tinh thần của sinh viên đại học.

Vào ngày 16/4/2013, trong khi thế giới đổ dồn sự quan tâm tới vụ đánh bom khủng bố giải chạy Marathon ở Boston, Mỹ - có một sự kiện khác gây chấn động dư luận Trung Quốc và là đề tài nóng nhất của truyền thông Trung Quốc. Hoàng Dương, một sinh viên đại học khoa Y tại Trường ĐH Fudan danh tiếng ở Thượng Hải, bị đầu độc chết – kẻ tình nghi số 1 là bạn cùng phòng.

Vụ phạm tội tàn ác này gợi nhớ kí ức về những thảm kịch tương tự ngay trong khuôn viên các trường đại học Trung Quốc. Năm 1994, Zhu Ling, nữ sinh viên năm thứ hai chuyên ngành Vật lí, Đại học Thanh Hoa, có học lực xuất sắc, đã bị đầu độc bằng chất thallium, một loại độc tố cao. Nhờ chẩn đoán chính xác và có thuốc giải độc kịp thời, Zhu đã giữ được mạng sống nhưng cuộc đời của cô gái trẻ coi như đã chấm dứt. Zhu liệt toàn thân và đầu óc ngô nghê. Bạn cùng phòng của Zhu là nhân vật tình nghi duy nhất, nhưng mặc dù cuộc điều tra tiến hành suốt 19 năm vẫn không tìm ra thủ phạm và điều tra rơi vào bế tắc. Các vụ đầu độc bằng thallium cũng đã xảy ra sau đó năm 1997 và 2007 tại Đại học Bắc Kinh, Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc, nạn nhân và kẻ thủ ác đều là bạn cùng lớp và sống chung dưới một mái nhà.

Trung Quốc: Báo động sinh viên sát hại bạn học ảnh 1
Thí sinh trong phòng thi Đại học Công nghệ Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, TQ

Đầu độc không phải là cách thức duy nhất các sinh viên làm hại nhau. Năm 2004, Majue, một sinh viên xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng đầy triển vọng tại Đại học Vân Nam, đã dùng dao đâm chết 4 bạn cùng lớp.

Tấm bằng đại học vẫn được tin là con đường chính bước lên những nấc thang xã hội Trung Quốc và sinh viên đại học nói chung được coi là tương lai đất nước. Vì thế những vụ phạm tội tàn ác lẫn nhau của sinh viên những trường đại học hàng đầu mang lại đến sự ớn lạnh cho xã hội TQ.

Những vụ sát nhân trong trường đại học thu hút sự quan tâm lớn của xã hội và câu hỏi luôn được đặt ra là làm sao ngăn chặn được sự suy thoái đạo đức ở lớp công dân trí thức cao nhất đất nước. 

Trung Quốc là một trong số ít nước có chương trình giảng dạy bắt buộc về đạo đức trong chương trình giáo dục phổ thông 12 năm. Tuy nhiên những khóa học này bị coi là nặng tính lí thuyết giáo điều mà thiếu hướng dẫn thực tiễn cho học sinh và cả các nhà giáo dục trong bối cảnh xã hội đang có những thay đổi nhanh chóng kể từ khi TQ mở cửa nền kinh tế từ năm 1979. Trong nhiều thập kỉ, giáo dục phổ thông TQ chạy theo cái gọi là “giáo dục chất lượng” thường chỉ coi nặng thành tích thi cử văn hóa mà lơ là giáo dục thể chất và đạo đức…

Thậm chí dạy dỗ đạo đức trong gia đình, vốn được coi là gốc rễ nền tảng đạo đức truyền thống tại Trung Quốc cũng đã bị suy giảm nhiều do hệ quả của chính sách một con. Đứa con duy nhất lớn lên trong sự chiều chuộng của nhiều người thân thường trở nên ích kỉ, thiếu chia sẻ, nhường nhịn…

Bảo Chi (Tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ