Trừng phạt Nga ảnh hưởng đến nghiên cứu nóng lên toàn cầu

GD&TĐ -Theo tờ New York Times, các vấn đề nghiên cứu về sự nóng lên toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây.

Nhà khoa học Mỹ và châu Âu lên tiếng, nghiên cứu ở Bắc Cực bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các lệnh trừng phạt Nga.
Nhà khoa học Mỹ và châu Âu lên tiếng, nghiên cứu ở Bắc Cực bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các lệnh trừng phạt Nga.

Tờ báo Mỹ New York Times dẫn lời các nhà khoa học Mỹ và châu Âu đang nghiên cứu các khu vực bên ngoài Vòng Bắc Cực cho biết, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã ảnh hưởng đến các nghiên cứu của họ.

Các nghiên cứu quan trọng về biến đổi khí hậu đã bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt khi Nga là quốc gia nắm giữ dữ liệu quan trọng về Bắc Cực.

Động thái này khiến các nhà khoa học phương Tây phải vội vã tìm kiếm dữ liệu quan trọng vì Nga chiếm hơn một nửa Bắc Cực về mặt bờ biển và diện tích đất liền, theo New York Times.

Việc theo dõi nhiệt độ trong khu vực đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và mô hình hóa biến đổi khí hậu, vì băng tan góp phần làm mực nước biển dâng cao, cũng như thay đổi nhiệt độ và lượng mưa.

Tờ báo trích lời nhà khoa học nghiên cứu về băng vĩnh cửu người Ý Alessandro Longhi cho biết: "Có lẽ không thể hiểu được Bắc Cực đang thay đổi như thế nào nếu không có Nga".

Theo Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, việc loại trừ Nga có nghĩa là "một nửa bộ dữ liệu về khí hậu Bắc Cực hiện đang bị thiếu".

Hầu hết các thành viên EU và NATO quyết định đình chỉ mọi dự án nghiên cứu liên quan đến các tổ chức của Nga hoặc đang diễn ra tại Nga ngay sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Các trạm thực địa của Nga đã bị xóa khỏi Mạng lưới quốc tế về nghiên cứu và giám sát trên cạn ở Bắc Cực, một mạng lưới toàn cầu gồm 60 trạm thực địa ở các vĩ độ phía bắc. Điều này dẫn đến việc mất dữ liệu "đáng kể" được sử dụng để giám sát những thay đổi trong hệ sinh thái, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature của Anh vào đầu năm nay đã lưu ý.

Thay vào đó, phía Nga đã tích cực hợp tác với các quốc gia khác. Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga cho biết vào đầu năm nay, mối quan hệ khoa học ở Bắc Cực đang phát triển với các quan hệ đối tác mới đang được thúc đẩy, cụ thể là với Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo báo cáo trước đây trên tờ báo Nezavisimaya Gazeta của Nga, các quốc gia BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cũng như các quốc gia ở Mỹ Latinh, Trung Đông và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã bày tỏ sự quan tâm đến Bắc Cực.

Ấn phẩm này lưu ý rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã chuyển từ vai trò quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn liên chính phủ thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia Bắc Cực, sang tích cực tham gia vào các dự án nghiên cứu về Bắc Cực.

Hồi tháng 4 năm nay, Tập đoàn vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos tuyên bố tạo ra hệ thống không gian để giám sát liên tục cả ngày lẫn đêm ở khu vực Bắc Cực thông qua tàu vũ trụ Arktika-M số 2.

Roscosmos khẳng định đây là "hệ thống không gian khí tượng thủy văn đầu tiên trên thế giới". Hệ thống sẽ cung cấp khả năng giám sát suốt ngày đêm về bề mặt Trái Đất và lớp mây che phủ ở khu vực Bắc Cực và các vùng lãnh thổ lân cận, cũng như trao đổi thông tin khí tượng liên tục và đáng tin cậy.

Ngoài ra, thiết bị của họ còn được sử dụng để xác định vị trí của tàu, máy bay và các vật thể di động khác gặp nạn như một phần của hệ thống tìm kiếm và cứu hộ vệ tinh quốc tế "COSPAS-SARSAT".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ