Ưu tiên hàng đầu ở Bắc Cực

GD&TĐ -Trợ lý Điện Kremlin khẳng định tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội phương Bắc là ưu tiên hàng đầu ở Bắc Cực.

Trợ lý Điện Kremlin khẳng định nhiệm vụ Hạm đội phương Bắc trong tình hình mới.
Trợ lý Điện Kremlin khẳng định nhiệm vụ Hạm đội phương Bắc trong tình hình mới.

Trợ lý Tổng thống Nga Nikolai Patrushev cho biết hôm thứ Hai rằng việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội phương Bắc trong bối cảnh phương Tây ngày càng gia tăng sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực là một trong những ưu tiên nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Nga tại khu vực này.

"Việc tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, bao gồm cả việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội phương Bắc... là một trong những ưu tiên đảm bảo lợi ích quốc gia ở Bắc Cực" - ông Patrushev nhấn mạnh.

Trợ lý Tổng thống Nga khẳng định Mỹ và các đồng minh đã ngăn chặn việc Nga giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực, cơ quan đã cố gắng đẩy lùi mọi lợi ích của Nga trong khu vực.

Vị quan chức này cho biết Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng với các nước Bắc Cực trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nước này.

"Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng nối lại đối thoại và tương tác, hợp tác mang tính xây dựng với các quốc gia Bắc Cực vì lợi ích phát triển hòa bình của Bắc Cực dựa trên sự tôn trọng lợi ích quốc gia của chúng tôi" - ông nói thêm.

Trong hai thập kỷ qua, khi nhiệt độ ở Bắc Cực dần ấm lên, sự quan tâm của nhà nước Nga đối với khu vực này cũng ngày càng gia tăng. Trước bối cảnh đó, Nga đã ưu tiên phát triển Tuyến đường biển phía Bắc và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có mà trước đây không thể tiếp cận. Để bảo vệ và khai thác hiệu quả khu vực này, Hạm đội phương Bắc đã được trang bị những tàu chiến và tàu ngầm hiện đại nhất của Nga.

Trong khi đó, áp lực gia tăng ở Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển đã tăng hơn 250%, thúc đẩy các chủ hàng phương Tây tìm đến tuyến hàng hải phương Bắc của Nga.

Tạp chí tin tức Mỹ Foreign Policy (FP) cho biết, trong bối cảnh Mỹ và Anh vẫn chưa thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi vào tàu hàng và tàu quân sự của các quốc gia ủng hộ Israel tại Biển Đỏ và Biển Arab, nhiều chủ hàng thương mại ngày càng xem Tuyến đường biển phía Bắc của Nga như một giải pháp thay thế tiềm năng và hấp dẫn.

Theo bài báo, “chi phí leo thang và nỗi lo bị máy bay không người lái và tên lửa của Houthi tấn công đã khiến một số chủ hàng cân nhắc tuyến đường phía Bắc, đặc biệt khi băng đang tan."

Bài viết cũng nêu rõ, Tuyến đường biển phía Bắc dài khoảng 5.600 km là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, có thể rút ngắn đến 8.000 km và tiết kiệm từ 40-60% tổng thời gian di chuyển so với các tuyến đường truyền thống Âu-Á qua các vùng biển đầy thách thức ở Trung Đông.

“Việc cắt giảm 8.000 km khỏi hành trình của một con tàu có nghĩa là thời gian di chuyển sẽ nhanh hơn nhiều,” FP giải thích.

Tuy nhiên, tạp chí cũng chỉ ra nhược điểm của tuyến đường này là 70% Bắc Cực, bao gồm gần như toàn bộ chiều dài phần Bắc Cực của tuyến đường, nằm trong vùng biển thuộc Nga.

Các tàu muốn sử dụng tuyến đường này phải được Nga cấp phép và trả phí quá cảnh. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa nhiều nước phương Tây và Nga đang căng thẳng do cuộc chiến ở Ukraine, điều này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với Nga.

Về phía Mỹ, các chính quyền đương nhiệm và trước đây đều tìm cách quốc tế hóa tuyến đường này, coi đó là sản phẩm quốc tế và được phép sử dụng mà không phải trả phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.