Trung Đông nóng bỏng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bước leo thang mới về bạo lực và căng thẳng chính trị tại Trung Đông xảy ra ngày 1/4 khi Đại sứ quán Iran tại Syria bị các máy bay chiến đấu không kích.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Khu vực Trung Đông vốn như một chảo lửa chính trị vì cuộc chiến tại Dải Gaza, sự lộng hành của phiến quân Houthi trên Biển Đỏ nay lại đang đứng trước nguy cơ chiến tranh lan rộng vì vụ tấn công sứ quán Iran.

Bước leo thang mới về bạo lực và căng thẳng chính trị tại Trung Đông xảy ra ngày 1/4 khi Đại sứ quán Iran tại Syria bị các máy bay chiến đấu không kích, khiến 7 cố vấn quân sự Iran gồm 3 chỉ huy cao cấp thiệt mạng. Ngay lập tức, mọi sự cáo buộc đổ dồn vào quân đội Israel đứng sau vụ tập kích này.

Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Israel không phủ nhận hay thừa nhận lực lượng Do Thái đứng sau vụ không kích tại Syria. Quan chức Israel tuyên bố không bình luận về các thông tin trên truyền thông nước ngoài, trong khi tờ New York Times của Mỹ dẫn lời 4 quan chức Israel giấu tên cho biết chính quân đội Do Thái đã thực hiện vụ oanh kích đầy nhạy cảm tại Syria.

Ngay lập tức, bầu không khí chính trị vốn đã nóng bỏng lại dậy sóng sau vụ tấn công được cho là có bàn tay của quân đội Israel vốn là kẻ thù của khối Hồi giáo mà đứng đầu là Iran. Từ lâu Israel đã không giấu giếm ý định nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Iran tại Syria cũng như nhóm vũ trang Hezbollah ở Li-băng do Iran hậu thuẫn.

Đây cũng là lực lượng luôn có hành động tấn công vào lãnh thổ Israel trong suốt thời gian qua nhằm ủng hộ lực lượng Hamas đang đối đầu với quân đội Israel tại Dải Gaza. Do đó, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công tại Syria khiến các quan chức cấp cao của Iran thiệt mạng, viễn cảnh nổ ra cuộc chiến tranh trực tiếp giữa hai đối thủ không đội trời chung trong khu vực là Iran và Israel lại hiện ra rõ ràng.

Nguy cơ chiến tranh càng hiện hữu hơn khi vào ngày 2/4, một ngày sau vụ tấn công, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã nêu quan điểm cứng rắn chính thức của nước này. Ông khẳng định Iran sẽ trả đũa cuộc không kích mà Tehran cáo buộc do Israel thực hiện ở Damascus, Syria. Tổng thống Iran cho rằng Israel đã sử dụng lại chiến thuật ám sát sau khi thất bại trong việc dập tắt các lực lượng chống lại mình ở bên ngoài lãnh thổ.

Trong số những người thiệt mạng vì vụ oanh kích còn có thành viên của lực lượng vũ trang Hồi giáo Hezbollah đóng ở Li-băng. Cũng giống như Iran, lực lượng Hezbollah tuyên bố sẽ trả đũa quân đội Do Thái, lực lượng mà họ đối đầu suốt những tháng qua ở khu vực biên giới phía Nam Li-băng.

Ngoài Iran và Hezbollah, một loạt nước Hồi giáo trong khu vực và trên thế giới như Iraq, Jordan, Oman, Pakistan, Qatar, Ả-rập Xê-út, UAE và Nga cũng chỉ trích Israel sau vụ oanh kích.

Đồng minh thân cận nhất của Israel là Mỹ thì lên tiếng bày tỏ quan ngại về hậu quả của vụ tấn công ở Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington lo ngại về bất cứ diễn biến nào có thể gây leo thang xung đột trong khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan cho rằng sự kiện nói trên sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về giải thoát con tin Israel do Hamas đang giam giữ.

Trong bối cảnh thế giới đang cùng lúc hứng chịu nhiều bất ổn từ cuộc chiến Nga – Ukraine, xung đột tại Dải Gaza, căng thẳng trên Biển Đỏ và bão suy thoái lạm phát trên toàn cầu, thêm một mối căng thẳng phát sinh như vụ tấn công tại Syria lại đặt cả khu vực Trung Đông và nền địa chính trị quốc tế trước một thách thức mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ