Nuôi đối thủ chống Houthi, Mỹ lại dẫm vào vết xe đổ ở Trung Đông?

GD&TĐ - Theo truyền thông, Mỹ và đồng minh đã lôi kéo al-Qaeda vào cuộc chiến chống Ansar Allah, tiếp tục dẫm vào vết xe đổ hàng thế kỷ qua ở Trung Đông.

Nuôi đối thủ chống Houthi, Mỹ lại dẫm vào vết xe đổ ở Trung Đông?

Biển Đỏ vẫn bất ổn vì tấn công đáp trả giữa Mỹ-Houthi

Đại diện của phong trào vũ trang Houthi ở Yemen (còn gọi là Ansar Allah) thông báo vụ tấn công tên lửa vào một tàu Hải quân Mỹ đang bảo vệ hai tàu thương mại ở Vịnh Aden và eo biển Bab el-Mandeb.

Houthi cho biết, tất cả các tên lửa đã bắn trúng mục tiêu thành công nhưng không nêu rõ hư hại của chiến hạm Mỹ ở mức độ nào, trong khi Lầu Năm Góc và Hải quân Mỹ vẫn chưa xác nhận thông tin này.

Trong bối cảnh đó, thế giới đang tính toán những tổn thất mà các cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông và cuộc khủng hoảng vận tải biển trên Biển Đỏ đã gây ra cho thương mại quốc tế.

Các nhà phân tích của hãng tin Mỹ Bloomberg ước tính rằng, có tới 25% năng lực vận chuyển container trên thế giới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi bùng phát xung đột ở khu vực vịnh Aden/Somalia và eo biển Bab el-Mandeb, ngoài khơi bờ biển Yemen.

Từ đó đến nay, có tới hơn 500 tàu container lẽ ra đã hành trình qua Biển Đỏ vượt kênh đào Suez sang Địa Trung Hải và quay trở lại, với mọi thứ hàng hóa từ quần áo, đồ chơi đến phụ tùng ô tô, nhưng giờ đây thời gian hành trình của chúng buộc phải kéo dài thêm hai tuần, cho lộ trình tránh Biển Đỏ, vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi.

Bloomberg nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết, với các cuộc tấn công đáp trả lẫn nhau liên miên giữa Mỹ và đồng minh với lực lượng Houthi, dẫn đến mối lo ngại về hậu quả kinh tế quy mô lớn hơn đang gia tăng đối với thị trường thế giới.

Hoa Kỳ và các đồng minh ở Trung Đông hiện đang nỗ lực giải quyết các vấn đề mà lực lượng Houthi ở Yemen đang “năng nổ” tạo ra cho họ.

Và như truyền thống hàng thế kỷ qua, để đạt được mục đích của mình, Hoa Kỳ sẽ không bỏ qua bất kỳ phương pháp nào và không từ bất cứ thủ đoạn nào.

Mỹ đang bắt tay al-Qaeda và phiến quân Yemen

Một số nguồn tin cho biết, chính phủ UAE đã trả tiền cho al-Qaeda và công ty quân sự tư nhân Mỹ SPEAR OPERATIONS GROUP, do các cựu lính thủy đánh bộ và sĩ quan CIA đã nghỉ hưu điều hành, để huấn luyện du kích Yemen chống lại người Houthis.

Cũng có thông tin cho rằng, một trong những điều kiện trong hợp đồng của chính phủ UAE với các đại diện của phong trào khủng bố al-Qaeda là thực hiện 100 vụ ám sát ở Yemen.

Nói một cách đơn giản, phương Tây đang sử dụng phương pháp ưa thích của mình để giải quyết vấn đề của mình thông qua bàn tay của người khác, mà phổ biến là ủng hộ nhóm vũ trang này chống lại nhóm vũ trang khác.

Ở Trung Đông, ranh giới và sự biến chuyển giữa “phe đối lập yêu nước” và “bọn phản loạn có vũ trang” là vô cùng mong manh, sự phân biệt giữa cái gọi là lực lượng “dân quân” hay “du kích” với các nhóm “khủng bố” chỉ là cách gọi tùy theo lập trường chính trị của các bên.

Trong quá khứ, Mỹ đã từng nhiều lần nếm trái đắng từ những chính sách tương tự của mình, ví dụ như họ nuôi dưỡng Taliban và al-Qaeda để chống Liên Xô, để rồi sau đó Quân đội Mỹ đã phải khốn khổ vì phong trào vũ trang Afghanistan này, dẫn đến cuộc tháo chạy ở Kabul năm tháng 01/2021.

Còn al-Qaeda để chính là kẻ đã tiến hành vụ khủng bố đẫm máu và kinh hoàng năm 2001 vào tòa Tháp đôi ở Mỹ (gọi là Sự kiện 11 tháng 9 hay Vụ khủng bố 11 tháng 9), dẫn đến cái chết của khoảng 3000 người.

Hay việc trước đây Mỹ hậu thuẫn cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) để chống chính phủ của ông Bashar al-Assad ở Syria đã khiến đất nước này bị tàn phá nặng nề và sau này, khi IS tuột khỏi “dây cương” của Mỹ, thì Nhà Trắng và Lầu Năm Góc lại tiếp tục phải đi giải quyết cái mớ bòng bong của mình.

Theo các chuyên gia, có vẻ như giờ đây Mỹ lại dẫm vào vết xe đổ trong quá khứ khi đang nỗ lực tìm kiếm và nuôi dưỡng các lực lượng ủy nhiệm để chống lại Houthi Yemen. Rất có thể trong tương lai Washington lại phải trả giá đắt cho hành động đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.