Trưng bày tài liệu lưu trữ ‘Hà Nội và những Cửa ô’

GD&TĐ - Trưng bày ‘Hà Nội và những Cửa ô’ nhằm giới thiệu những bước thay đổi, phát triển của Thủ đô ở nhiều giai đoạn lịch sử, từ thế kỷ 19 đến nay.

Ô Quan Chưởng - một dấu tích của Hà Nội xưa.
Ô Quan Chưởng - một dấu tích của Hà Nội xưa.

Dự kiến, trưng bày sẽ được bắt đầu từ ngày 9/10, tại không gian ngoài trời thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (số 19C Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND về việc tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ năm 2024 với chủ đề “Hà Nội và những Cửa ô”.

Việc trưng bày tài liệu lưu trữ nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Thông qua câu chuyện lịch sử của các Cửa ô Thăng Long - Hà Nội, triển lãm giới thiệu những bước thay đổi, phát triển của Thủ đô Hà Nội với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, từ thế kỷ 19 đến nay.

Triển lãm giới thiệu tài liệu, hình ảnh về việc ký kết và quá trình đấu tranh chống phá thi hành hiệp định Geneva, công tác tiếp quản Thủ đô năm 1954 nhằm tuyên truyền, giới thiệu về chiến công hào hùng của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội để công chúng hiểu rõ hơn về sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, khoa học của Trung ương Đảng, quân và dân Thủ đô trong việc đấu tranh yêu cầu thực dân Pháp thi hành Hiệp định Geneva; phản ánh thành quả tiếp quản Hà Nội đã làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai của một Thủ đô đổ nát, hoang tàn và kiệt quệ.

Từ những dấu tích của các Cửa ô xưa chứng kiến những sự đổi mới, phát triển của Thủ đô Hà Nội theo những dấu mốc thời gian từ sau khi tiếp quản năm 1954 đến nay xứng tầm với vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hội nhập quốc tế.

Việc tổ chức trưng bày trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực, đạt hiệu quả về mặt nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Nội dung tài liệu, hiện vật đưa ra triển lãm phải đảm bảo tính xác thực, có đầy đủ nguồn gốc và có giá trị nổi bật; Khai thác hiệu quả các nguồn tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố và các cơ quan có liên quan khác liên quan đến nội dung Trưng bày. Về mặt mỹ thuật, trưng bày tạo ấn tượng về nội dung, trang trọng, hiện đại, dễ hiểu; phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và các đơn vị phối hợp.

Tài liệu lưu trữ về “Hà Nội và những Cửa ô” được trưng bày bao gồm Nghị định, Quyết định, Báo cáo, hình ảnh đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Thông tấn xã Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ