Đầu máy tự lực số hiệu 141-179, một trong rất ít đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước mang dấu ấn “Made in Viet Nam” còn sót lại, sắp được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
“Đầu máy tự lực” dấu ấn Việt Nam
Ngày 5/9, TS Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, trong 2 ngày 27 - 28/8 đã di chuyển thành công đầu tàu hơi nước tại Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm về bảo tàng để chuẩn bị trưng bày sau thời gian dài tiếp cận, nghiên cứu, sưu tầm, lựa chọn giải pháp trưng bày.
Theo Bảo tàng Hà Nội, hành trình sưu tập đầu máy hơi nước bắt đầu từ cuối tháng 10/2017, cán bộ bảo tàng tìm đến Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội để tìm hiểu những toa xe hết thời hạn sử dụng, sẽ thanh lý. Trong đó có một số toa xe được sử dụng từ những năm 1955, 1958. Đây là những toa xe chứa đựng ký ức lịch sử về quá trình xây dựng và phát triển của ngành đường sắt Hà Nội.
Tại Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm - nơi lưu giữ đầu máy 141-179, một trong số rất ít đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước rất đặc biệt, mang dấu ấn “Made in Viet Nam” còn sót lại ở Việt Nam hiện nay.
Để có nội dung xác thực giới thiệu đến công chúng về đầu tàu 141-179, cán bộ bảo tàng đã gặp rất nhiều nhân chứng, là những người từng vận hành đầu máy hơi nước: Lái tàu, phụ tàu, công nhân, kỹ sư thiết kế… Trong đó, có cụ Phan Sỹ Liên (82 tuổi) từng là Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội.
Theo cụ Liên, những năm 1960 nhà máy xe lửa Gia Lâm muốn sản xuất một số đầu máy mang dấu ấn Việt Nam. Các kỹ sư đã lên phương án thiết kế, dựa theo kiểu dáng, công nghệ và thương hiệu đầu máy Mikado 141 của Pháp (gồm 1 bánh dẫn đường, 4 bánh chịu lực, 1 bánh theo sau). Nhà máy đã đóng mới được 3 chiếc đầu máy hơi nước theo mô hình này nên từ đó có tên “đầu máy tự lực”.
3 chiếc đầu máy tự lực được sản xuất vào năm 1964 mang số hiệu 141-121 (còn được gọi là đầu máy anh hùng Nguyễn Văn Trỗi), 141-122 (Việt - Trung), 141-123 (đường sắt XHCN). Tuy nhiên sau đó thì việc sản xuất phải tạm dừng do chiến tranh và thiếu nguyên liệu. Do nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng lớn để phục vụ chiến tranh và xây dựng đất nước, Trung Quốc đã viện trợ chế tạo khoảng 50 đầu máy đều dựa theo mô hình đầu máy tự lực của Việt Nam.
“Đầu máy 141-179 là một trong những đầu máy hơi nước, đốt than được sản xuất năm 1966. Các con số 179, 186, 232 là số thứ tự ra đời các đầu máy. Từ số thứ tự 1 - 150 là các đầu máy do Pháp để lại và một số do ta sản xuất. Từ số 150 trở đi là đầu máy hơi nước do Trung Quốc viện trợ sản xuất giúp chúng ta”, cụ Phan Sỹ Liên cho hay.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các đầu máy này được sử dụng chủ yếu để vận chuyển hàng hóa khu vực phía Bắc, miền Trung. Trục đường chính: Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Yên Viên - Hải Phòng; Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh. Sau năm 1975 chạy thêm tuyến: Hà Nội - Yên Bái. Từ Yên Bái - Lào Cai do đường nhỏ và cong không sử dụng đầu máy này mà thay vào đó là đầu máy 131.
Theo tư liệu, những đầu máy hơi nước được Việt Nam sử dụng đến cuối năm 80, đầu những năm 90 thì không dùng nữa do bị xuống cấp, không có phụ tùng thay thế, thiếu nguồn nhiên liệu.
Cả Việt Nam chỉ còn 3 đầu máy tự lực
Theo lời kể của cụ Phan Sỹ Liên, trong chiến tranh việc khó khăn là cấp nước cho đầu máy. Đầu máy phải dùng nước sạch và phải dùng hóa chất xử lý cặn nước để không lắng thành cặn cứng như lớp xốp bám vào các chi tiết động cơ. Khó khăn thứ 2 là nguồn nguyên liệu than để đốt lò cũng phải là loại than tốt, sử dụng than Hồng Gai (than luyện) một loại than đá nhỏ (than cám), màu vàng, khi đốt không có khói, ngọn lửa thấp.
“Từ thời Pháp đã sử dụng loại than này, dùng nhựa đường trộn với than cám đóng thành các bánh. Khi đổ than vào trong lò đầu máy, nhân viên kỹ thuật phải đập ra thành các viên nhỏ, nhựa đường có tác dụng làm chất xúc tác làm cho than cháy, khi cháy than bám chắc vào nhau sẽ không bị thổi bay. Để vận hành đầu máy hơi nước một cách an toàn và trơn tru, đòi hỏi cường độ lao động rất vất vả”, cụ Liên cho hay.
Trên đầu máy bao giờ cũng cần có 3 người: 2 người phủ lò và 1 tài xế, phải phối hợp chặt chẽ với nhau, bởi nếu 2 người đốt lò đốt không tốt thì không cấp đủ hơi nước cho đầu máy. Nếu đốt than, không cháy hoặc cháy không tốt thì hơi nước không đủ, tài xế không thể vận hành. Ngược lại, tài xế phải vận hành tốt, đúng kỹ thuật thì lò mới cháy êm, chỉ cần mở máy lớn hoặc nhỏ hơn một chút thì hơi nước sẽ tăng vọt, thông gió lớn đẩy hết tầng than lên.
Theo nghiên cứu và khảo sát của Bảo tàng Hà Nội, đến nay, các đầu máy hơi nước sử dụng từ thời Pháp rất hiếm, chỉ còn một vài hiện vật sản xuất sau những năm 1960 trưng bày ở một số ga tàu của Việt Nam như đầu máy xe lửa tự lực 141-158 tại TPHCM, số hiệu 131-428 tại Đà Lạt và số hiệu 141-179 tại Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm mà Bảo tàng Hà Nội vừa sưu tầm.
Trong thời gian từ 2017 đến 2020, Bảo tàng Hà Nội đã nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan. Kết quả, tháng 8/2020 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định đóng góp hiện vật để trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Ngoài đầu máy 141-179, còn nhiều hiện vật của ngành đường sắt sẽ được trưng bày: Toa tàu, ray, tà vẹt, đèn báo hiệu, ghi gác chắn, ghi tàu, đèn - cờ hướng dẫn tàu vào ga…
Bảo tàng Hà Nội dự kiến sẽ trưng bày hiện vật đầu tàu hơi nước 141-179 nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Đây là nội dung trưng bày điểm nhấn khu vực sân vườn, nhằm đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm đặc biệt gợi nhớ ký ức xưa. Trưng bày cũng nhằm lan tỏa đến người trẻ giá trị lịch sử, giá trị di sản mà cha ông để lại.