Trung Á dần chấp nhận sự điều hành của Taliban

GD&TĐ -Các quốc gia Trung Á đã ngừng coi Taliban là lực lượng khủng bố, điều này có ý nghĩa gì?

Lợi thế địa lý của Afghanistan mang lại cơ hội chứng minh quyền lực cho Taliban ở Trung Á.
Lợi thế địa lý của Afghanistan mang lại cơ hội chứng minh quyền lực cho Taliban ở Trung Á.

Trong một phỏng vấn với Sputnik mới đây, Giáo sư Rustam Burnashev tại Đại học Đức-Kazakhstan đã nhắc đến việc một số quốc gia Trung Á ngừng coi Taliban là một tổ chức khủng bố.

Ông nhận định rằng, điều này là minh chứng rõ ràng là các quốc gia này muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Afghanistan bất kể chính phủ nào hiện đang cai trị ở Kabul.

“Chính các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ kinh tế và vận tải-hậu cần là phương tiện để bình thường hóa tình hình ở Afghanistan và xóa bỏ các mối đe dọa liên quan đến Afghanistan vốn tập trung ở Trung Á” - Giáo sư Rustam Burnashev nhận định.

Theo vị chuyên gia về các vấn đề an ninh Trung Á, với Kazakhstan, họ chỉ muốn mọi thứ ở Afghanistan trở nên “bình thường” và nền kinh tế đóng vai trò là “công cụ chính của quá trình bình thường hóa này”.

Ông Burnashev cho rằng, với lợi thế địa lý của Afghanistan, Taliban hoàn toàn có thể hướng tới 3 nhánh hợp tác với các quốc gia Trung Á: Xuất khẩu hàng hóa, Vận tải và hậu cần, Dự án năng lượng.

Các hợp tác kinh tế mà Taliban đã có với Trung Á

Kể từ khi cầm quyền vào tháng 8 năm 2021, Taliban đã đạt được nhiều tiến bộ trong ngoại giao khu vực, đặc biệt là ở Trung Á. Dù ban đầu bị nghi ngờ và thận trọng, Taliban đã có những bước tiến quan trọng ở khu vực thông qua ngoại giao chiến lược, các mối quan hệ kinh tế và dự án cơ sở hạ tầng. Sự chuyển hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích chung về thịnh vượng kinh tế, kết nối và ổn định.

Các quốc gia Trung Á chia sẻ biên giới dài 2.387 km với Afghanistan, đã nhận ra rằng việc áp đặt trừng phạt chỉ làm gia tăng xung đột.

Uzbekistan là một trong những quốc gia đầu tiên ở Trung Á thiết lập quan hệ trực tiếp với Taliban. Minh chứng là sự gia tăng ổn định trong thương mại giữa hai nước, đạt hơn 461,4 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Hai bên cũng đang thảo luận về việc thực hiện quy chế Quốc gia được ưu đãi nhất.

Vào tháng 5 năm 2024, hai bên đã cam kết hoàn thành dự án Đường sắt xuyên Afghanistan trị giá 4,8 tỷ USD, kết nối Uzbekistan với Pakistan qua Afghanistan. Tashkent cũng quan tâm đến việc đầu tư vào điện và đường sắt của Taliban, đồng thời đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo quan trọng cho Kabul với 1.000 tấn hàng hóa thiết yếu.

Kazakhstan, một cường quốc địa chính trị khác ở Trung Á, đã gỡ tên Taliban khỏi danh sách các tổ chức bị cấm, biện minh cho quyết định này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác thương mại và kinh tế với nước láng giềng và công nhận chính quyền Taliban là ‘một yếu tố lâu dài’.

Vào tháng 4 năm 2024, một phái đoàn cấp cao của Kazakhstan đã thăm Kabul để tham dự Diễn đàn Kinh doanh Kazakhstan-Afghanistan lần thứ ba, nhằm thắt chặt quan hệ thương mại. Phái đoàn đề xuất đa dạng hóa hợp tác với Afghanistan trong ngành công nghiệp hóa chất, khai thác mỏ và luyện kim thông qua các dự án chung.

Số liệu thương mại giữa Kazakhstan và Afghanistan đã đạt mức kỷ lục 987,9 triệu USD và có thể sớm vượt qua 3 tỷ USD. Astana không ngừng nỗ lực phát triển quan hệ tốt với nước láng giềng. Kazakhstan cũng đã cử đại sứ đến Kabul và chào đón các đại sứ được Taliban bổ nhiệm tại Astana.

af.png
Một phái đoàn Kazakhstan gặp gỡ đại diện Afghanistan tại Kabul, Afghanistan vào tháng 4 năm 2023.

Turkmenistan đã giữ chính sách trung lập với Taliban từ năm 1990. Hồi tháng 4 năm 2024, một cuộc họp ba bên không được công bố giữa Afghanistan, Kazakhstan và Turkmenistan đã diễn ra để thảo luận về một tuyến đường logistics mới, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của kết nối khu vực. Sau đó, Afghanistan và Turkmenistan đã ký 10 hợp đồng trị giá hơn 200 triệu USD để mở rộng thương mại, kết nối và quan hệ kinh tế, đồng thời hỗ trợ tái hội nhập nền kinh tế Afghanistan vào các nền kinh tế khu vực.

Đến 15/7, Đại sứ Turkmenistan đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Taliban để thảo luận về các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm đường ống TAPI (Turkmenistan -Afghanistan -Pakistan -Ấn Độ). Hai bên cũng đã khám phá việc mở rộng kết nối giao thông và chuyển tiếp và một dự án điện chung tại trạm biến áp Nurul Jihad ở tỉnh Herat.

Một dự án quan trọng khác đang được xem xét là dự án truyền tải điện TAP (Turkmenistan -Afghanistan -Pakistan), nhằm truyền tải điện từ Turkmenistan đến Pakistan. Tổng chi phí của dự án này ước tính vượt quá 1,6 tỷ USD, mang lại lợi ích đáng kể cho Afghanistan như cung cấp điện, tạo việc làm và quyền lợi chuyển tiếp hàng năm trị giá 100 triệu USD.

Với Kyrgyzstan, Taliban đã đảm bảo sự bình thường hóa quan hệ. Vào tháng 1 năm 2024, Bộ trưởng Thương mại Kyrgyzstan đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao IEA để thảo luận về cơ hội tăng cường thương mại, một tuyến đường chuyển tiếp cho các thương gia Afghanistan sang Trung Quốc qua Kyrgyzstan và hỗ trợ cho dự án điện CASA-1000. Dự án cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo này sẽ mang 1.300 megawatt điện dư thừa từ Trung Á, bao gồm Kyrgyzstan và Tajikistan, đến các thị trường điện cao nhu cầu ở Nam Á.

Giới phân tích nhận định, Taliban hiện đang là một thực thể lâu dài, được củng cố bởi các mối quan hệ duy trì với Trung Quốc, Iran, Nga và các quốc gia Trung Á, khiến các quốc gia khác phải chấp nhận thực tế mới này. Việc phái đoàn Taliban đại diện duy nhất cho Afghanistan tại hội nghị quốc tế do Liên hợp quốc dẫn đầu về Afghanistan ở Doha minh chứng cho sự chuyển mình này.

Mặc dù việc công nhận chính thức chính quyền Taliban có thể vẫn chưa xảy ra, chính quyền này hiện đang hoạt động như một chính phủ được công nhận ở các quốc gia láng giềng và các diễn đàn quốc tế, nhấn mạnh sự thay đổi sâu sắc trong vị thế toàn cầu của Afghanistan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.