Phụ nữ Afghanistan: Mạo hiểm mạng sống để làm đẹp

GD&TĐ - Từ khi Taliban cấm các cơ sở làm đẹp trên toàn quốc, phụ nữ Afghanistan vẫn luôn tìm cách để phát triển ngành dịch vụ này.

Các tiệm làm đẹp đóng cửa từ tháng 7/2023.
Các tiệm làm đẹp đóng cửa từ tháng 7/2023.

Đó vừa là kế sinh nhai, vừa là cộng đồng an toàn cho nữ giới.

Công việc âm thầm

Trong một căn hộ nhỏ ở thủ đô Kabul, Breshna, 24 tuổi, di chuyển một cách nhẹ nhàng, tránh tạo ra tiếng động mạnh. Tay đẫm mồ hôi và không ngừng run rẩy nhưng Breshna tự trấn an mình phải giữ thật bình tĩnh vì cô đang cắt tóc cho một phụ nữ khác. Công việc cắt tóc diễn ra trong bí mật suốt hơn một năm nay.

Như nhìn thấu tâm trạng lo lắng của Breshna, vị khách hàng trấn an: “Một tuần nữa cháu gái tôi sẽ kết hôn. Đây là sự kiện trọng đại nên cô hãy cố gắng hết sức”. Một tay cầm lược, một tay cầm kéo, Breshna dồn toàn bộ tập trung cho người khách trước mặt. Cô lặp lại những động tác đã thực hiện hàng trăm lần. Cắt tóc là chuyên môn của Breshna nhưng đồng thời là sinh kế duy nhất. Cô không được phép mắc sai lầm.

Tiếng máy sấy tóc vừa khiến Bresha an tâm nhưng cũng làm cô sợ. “Nếu Taliban nghe thấy chúng ta thì sao? Tôi sợ tiếng chuông cửa vang lên. Có thể là bọn họ. Họ có thể ập đến bất cứ lúc nào”, cô thầm thì trước khi đưa gương cho khách hàng.

Khuôn mặt của khách hàng sáng bừng lên vì hạnh phúc khi cô nhìn thấy mái tóc mới của mình. Đây là lần đầu tiên vị khách này tìm đến một tiệm làm đẹp bí mật. Dù sợ hãi nhưng cô không hối hận khi đến đây. Cô rời đi và hứa chắc chắn sẽ quay lại tiệm làm đẹp bí mật của Breshna.

Cách đó không xa là một tiệm làm đẹp “chui” dưới tầng hầm với những tấm gương mạ vàng và những kệ chất đầy mỹ phẩm. Trong tiệm làm đẹp tạm bợ rộng khoảng 20 m2, hai nhân viên đang tất bật làm việc.

Được trang trí bằng rèm cửa màu đỏ thẫm, không khí trong tiệm làm đẹp bí mật này rất ấm áp và dễ chịu. Hôm nay, ba khách hàng đến chăm sóc sắc đẹp trong khi con cái họ chơi trên thảm. Thi thoảng một vài tiếng cười và tiếng cọ chạm vào bảng trang điểm vang lên.

Một khách hàng sử dụng dịch vụ làm đẹp “chui” chia sẻ: “Tôi muốn cảm thấy mình như một người phụ nữ một lần nữa”.

phu nu Afghanistan mao hiem mang song de lam dep (1).jpg
Các cơ sở làm đẹp mọc 'chui' tại Afghanistan.

Giấc mơ tan vỡ

Đầu tháng 7/2023, Taliban tuyên bố đóng cửa tất cả các tiệm làm đẹp trên cả nước vì lý do tôn giáo dù nhiều quốc gia Hồi giáo khác trên thế giới không cấm các tiệm làm đẹp như cắt tóc, làm móng, trang điểm... Ở một quốc gia có hơn 12 nghìn tiệm làm đẹp phát triển mạnh, lệnh cấm đã gây ra tác động kinh tế mạnh mẽ lên 60 nghìn phụ nữ vừa là nhân công vừa là khách hàng trong lĩnh vực này.

Trước khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, các tiệm làm đẹp trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Họ không chỉ làm thuê cho các cửa hàng cắt tóc, spa mà còn có thể tự mở cửa hàng kinh doanh và làm chủ nguồn tài chính cá nhân, không phụ thuộc vào nam giới. Phụ nữ cũng đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế của Afghanistan.

Ngoài ra, các tiệm làm đẹp tạo dựng một cộng đồng an toàn, cần thiết cho phụ nữ Afghanistan. Một cựu chủ doanh nghiệp làm đẹp chia sẻ: “Đó là một không gian an toàn, chỉ dành cho phụ nữ. Chúng tôi có thể gặp nhau bên ngoài nhà mà không cần người giám hộ là nam giới đi kèm”.

Tuy nhiên, hiện nay, các tiệm làm đẹp đã bị đóng cửa hoàn toàn. Dù vậy, một số phụ nữ vẫn tiếp tục điều hành các cơ sở làm đẹp bí mật trên cả nước hoặc mở các dịch vụ làm đẹp tại nhà. Trong số đó có nhiều nữ sinh không được đi học kể từ khi Taliban cấm các trường trung học giảng dạy cho trẻ em gái vào tháng 9/2021. Họ bước vào thị trường làm đẹp ngầm xuất phát từ nhu cầu nuôi sống gia đình và tìm vị trí của bản thân giữa xã hội.

Một chuyên viên trang điểm tiết lộ: “Nếu Taliban bắt được tôi, họ sẽ đưa tôi đến một văn phòng đặc biệt mà không ai biết chuyện gì xảy ra ở đó. Họ có thể phạt tôi hơn 700 USD, cảnh cáo hoặc trừng phạt người giám hộ nam của tôi. Nếu bị bắt lần thứ hai, tôi sẽ bị tống vào tù”.

Breshna là một trong số nhiều phụ nữ trẻ Afghanistan làm việc trong ngành làm đẹp sau khi Taliban lên nắm quyền. Đã gần 3 năm kể từ lần cuối cô bước chân vào lớp học.

Là người phụ nữ đầu tiên trong gia đình đi học đại học, cô mơ ước trở thành một nhà ngoại giao ở tuổi 22 nhưng giờ đây, tham vọng đã tan vỡ. Ba tháng sau khi các trường trung học đóng cửa với trẻ em gái, đến lượt các nữ sinh không được học đại học. “Tôi cảm thấy bản thân bị mắc kẹt. Tương lai của tôi trở nên vô nghĩa. Tôi nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ quay lại trường đại học nữa”.

phu nu Afghanistan mao hiem mang song de lam dep (1).jpeg
Phụ nữ Afghanistan bị cấm đến trường.
phu nu Afghanistan mao hiem mang song de lam dep (3).jpg
Làm đẹp là lĩnh vực kinh tế trao quyền cho phụ nữ.

Vượt lên nghịch cảnh

Vài tuần sau khi các trường đại học đóng cửa đối với phụ nữ, Breshna tìm được công việc lương thấp tại một tiệm làm đẹp. Công việc này khác xa với giấc mơ ban đầu của cô nhưng nó mang lại thức ăn cho gia đình và giúp Breshna không bị cô lập.

Vì cha và anh trai bị bệnh nặng, cô là trụ cột duy nhất trong gia đình. Với mức lương hàng tháng tại tiệm làm đẹp là 197 USD, Breshna phải vật lộn để trang trải mọi chi phí trong gia đình.

Ban đầu, Breshna rất vụng về nhưng khách hàng tại tiệm làm đẹp lại thích sự lúng túng của cô. Cùng là phụ nữ, họ thông cảm với việc cô phải làm công việc không như mong muốn và không thể đi học trở lại.

Breshna dành gần 2 năm để học các kỹ thuật tạo kiểu tóc. Sau khó khăn ban đầu, cô dần có đam mê với nghề cắt tóc và trở thành một trong những nhân viên được khách hàng yêu quý nhất trong tiệm. Công việc mới, những con người mới và niềm đam mê mới đã kéo Breshna ra khỏi cơn trầm cảm do nghỉ học đột ngột.

Thế nhưng, vào một buổi sáng đầu tháng 7/2023, khi đang lướt mạng xã hội Facebook, Breshna nhận được tin rằng tất cả các thẩm mỹ viện đều phải đóng cửa.

“Sau các trường đại học là đến lượt của các tiệm làm đẹp. ‘Hòn đảo tự do’ duy nhất còn lại đã sụp đổ trước mặt tôi. Tôi đã rất đau khổ. Chúng tôi chỉ có chưa đầy một tháng để thu dọn đồ đạc và đóng cửa hàng. Vào ngày làm việc cuối cùng, khách hàng của chúng tôi, những người thường rất vui vẻ, đều khóc”, Breshna cố kiềm nước mắt cho biết và sau đó quyết định bí mật mở tiệm cắt tóc.

Mursal, 22 tuổi, cũng đang bí mật duy trì công việc làm đẹp. Giống như nhiều phụ nữ trẻ khác, cô không thể đối mặt với tình cảnh ngồi không sau khi bị cấm học đại học. Cô đi làm toàn thời gian và tiếp tục làm việc bí mật khi các thẩm mỹ viện phải đóng cửa. “Mặc dù đó là quyết định nguy hiểm nhưng tôi không hề do dự một giây nào. Nỗi sợ hãi sẽ không nuôi sống gia đình tôi hay đưa tôi trở lại trường đại học”, Mursal nói.

Lali, một chuyên viên trang điểm từng hy vọng trở thành bác sĩ, cho biết: “Trước đây, tôi làm việc để trả tiền học phí. Bây giờ, tôi làm việc để sống sót”. Đối với cô, cọ trang điểm đã thay thế dao mổ. Dù có công việc riêng, Lali chia sẻ cô cảm thấy suy sụp mỗi ngày. “Tôi ước mình không còn tồn tại nữa. Tôi nên cứu mạng người trong bệnh viện chứ không phải mạo hiểm mạng sống để trang điểm cho phụ nữ”, cô nói.

Khi mới bước vào thế giới làm đẹp “chui”, Breshna chỉ có một vài khách hàng đáng tin cậy. Những lời truyền miệng nhanh chóng lan khắp cả khu phố. Hiện tại, cô có hơn 15 khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ nên cần cẩn trọng hơn.

Giờ làm việc của cô không bao giờ giống nhau và cô rất cẩn thận khi di chuyển trong nhà lẫn ngoài phố. “Tôi luôn chuẩn bị kĩ đồ dùng và nếu ra đường thì tránh xa camera. Thời điểm nguy hiểm nhất là khi tôi đi mua đồ trang điểm nên tôi không bao giờ mua quá nhiều ở một nơi để tránh bị chú ý”, Breshna nói.

Những người làm đẹp bí mật đều có nguy cơ bị hàng xóm, nhà cung cấp sản phẩm, thậm chí là khách hàng giả mạo báo cáo với Taliban. Khi cần đến nhà khách hàng, Breshna sẽ giấu máy duỗi tóc, máy sấy dưới lớp burqa, khăn trùm của phụ nữ Hồi giáo, hoặc trong túi mua sắm để mọi người nghĩ rằng cô vừa từ cửa hàng tạp hoá về.

Bên cạnh những tiệm làm đẹp “chui”, phụ nữ và trẻ em gái đã cố gắng ngầm thực hiện nhiều hoạt động như đi học, ca hát. Ở một trường học bí mật tại Kabul, cô trò đã cố gắng xây dựng lớp học đúng nghĩa với những dãy bàn màu xanh pha trắng cùng một tấm bảng nhỏ.

Lớp học chứa khoảng 10 nữ sinh. Các em chỉ đến lớp 1 hoặc 2 tiếng mỗi ngày, học các môn Toán, Sinh học, Hóa học và Vật lý. Giáo viên phụ trách cho biết có nhiều nữ sinh khác muốn theo học nhưng trường không có đủ không gian và nguồn lực.

Nữ giáo viên duy nhất của lớp cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ những mối đe dọa và cũng rất lo lắng về điều đó. Chúng tôi cố gắng hết sức để dạy học trong bí mật nhưng ngay cả khi bị phát hiện, bị đánh đập, tôi vẫn cảm thấy xứng đáng”.

Còn trong lĩnh vực âm nhạc, hai chị em mặc burkas, trang phục trùm kín từ đầu đến chân của phụ nữ Hồi giáo, đã đăng tải những bài hát lên mạng xã hội Facbeook và WhatsApp. Cặp đôi nhận được nhiều ủng hộ của cộng đồng mạng. “Tiếng nói của chúng tôi sẽ không im lặng. Chúng tôi không mệt mỏi. Đây chỉ là khởi đầu cho cuộc chiến của chúng tôi”, cặp đôi nói.

Theo báo cáo vào đầu năm 2024 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), 69% dân số Afghanistan phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn các dịch vụ cần thiết như chăm sóc sức khoẻ, cơ hội việc làm, nhu yếu phẩm... Tình hình trở nên khó khăn hơn kể từ khi Taliban lãnh đạo đất nước vào năm 2021. Ước tính, cứ 10 người ở Afghanistan thì có 7 người không thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản về cuộc sống và đang phải vật lộn với bất ổn kinh tế. Còn theo dữ liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), khoảng 80% những người bị ảnh hưởng là phụ nữ và trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sách giáo khoa Ngữ văn từ năm 1995 - 2024. Ảnh: Văn Lự

Lại bàn thêm về môn Ngữ văn

GD&TĐ - Đề kiểm tra Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa báo hiệu quan niệm học để thi, học thuộc nhớ nhiều đã kết thúc.