Các cường quốc châu Âu cạnh tranh ảnh hưởng tại Afghanistan

GD&TĐ - Theo Bloomberg, một số nước châu Âu có thể mở lại đại sứ quán của họ tại Afghanistan, điều này có nghĩa là công nhận Taliban.

Đoàn ngoại giao Taliban trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Doha hồi năm 2020.
Đoàn ngoại giao Taliban trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Doha hồi năm 2020.

Cạnh tranh ảnh hưởng

Nguồn tin cho biết, các cơ quan tình báo Ý được cho là đã tiến hành một "nhiệm vụ do thám" ở Kabul trong vài tuần qua.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ý Antonio Tajani nói rằng đại sứ của Rome hiện đang được cử đến Doha, Qatar và đã đến thăm Kabul.

Trong khi Pháp, Đức và Anh phủ nhận có kế hoạch mở lại đại sứ quán tại Kabul sau khi vội vã rút quân khỏi quốc gia Trung Á này vào năm 2021.

"Sau cuộc rút lui kiểu trốn chạy của Mỹ, một số lợi ích nhất định của châu Âu đối với Afghanistan đã được tái sinh, lợi ích hiện chủ yếu hướng đến việc tái thiết đất nước.

Rome và Madrid mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong động lực quốc tế", Tiberio Graziani, chủ tịch của tổ chức tư vấn Vision and Global Trends có trụ sở tại Rome cho biết.

"Đặc biệt, Rome thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến Trung Á. Afghanistan giáp với ba quốc gia ở khu vực Trung Á: Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan", Bộ trưởng Tajani nói.

"Do đó, Ý có mọi lợi ích trong việc thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia này và Afghanistan, vì lý do an ninh cũng như kinh tế. Hơn nữa, kể từ khi Mỹ rời khỏi đây, Ý đã hành động, mặc dù gặp khó khăn, nhằm duy trì sự cởi mở với Kabul", Chủ tịch Graziani nói thêm.

Cũng theo Graziani, sự xích lại gần nhau giữa Kabul và các thủ đô châu Âu là có thể, với lý do châu Âu muốn đưa Afghanistan ra khỏi tầm ngắm của Nga và Trung Quốc.

Vào tháng 5 năm 2024, Moscow đã ra tín hiệu rằng họ đang cân nhắc việc đưa Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, mở đường cho việc công nhận chính phủ mới của Afghanistan và tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với nước này.

Phong trào Taliban duy trì "quyền lực thực sự" ở Afghanistan và việc thừa nhận thực tế đó phản ánh thực tế trên thực địa, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố vào thời điểm đó.

Đầu năm 2024, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên công nhận một viên chức do Taliban đề cử làm Đại sứ Afghanistan tại Bắc Kinh.

Các nhà quan sát quốc tế lưu ý rằng động thái này vẫn chưa đạt được sự công nhận ngoại giao chính thức, nhưng cho thấy xu hướng tăng cường sự gắn kết giữa Kabul và Bắc Kinh.

Trong khi EU được cho là đang cân nhắc việc quay trở lại Afghanistan thì theo Graziani, Mỹ khó có thể thực hiện bất kỳ động thái nào theo hướng này trước cuộc bầu cử tháng 11.

"Chúng ta sẽ phải đợi đến những tháng đầu năm sau, sau khi tổng thống mới của Mỹ, người sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, xác định nhóm cố vấn của mình và bổ nhiệm các giám đốc chính của các cơ quan khác nhau", vị giám đốc này kết luận.

Khác biệt

Kirill Semenov, nhà phân tích chính trị và chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga chuyên về Trung Đông cho biết, dù Taliban bị phương Tây miêu tả là những kẻ cực đoan tương tự như Al-Qaeda và IS, nhưng kể từ khi thành lập, phong trào này đã là một nhóm địa phương của Afghanistan khác với các tổ chức thánh chiến quốc tế.

"Phong trào Taliban nên tách khỏi các tổ chức khủng bố như IS hay al-Qaeda, những tổ chức ủng hộ thánh chiến toàn cầu, đồng thời tuyên truyền thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới", học giả Semenov, nói.

Taliban, còn được gọi là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, là một phong trào chính trị Hồi giáo và một tổ chức quân sự duy trì quyền lực trên hầu hết đất nước từ năm 1996 đến năm 2001.

Sau cuộc chiến dịch quân sự do Mỹ lãnh đạo vào Afghanistan năm 2001, Taliban tiếp tục kiểm soát một số tỉnh trong nước trong nhiều thập kỷ và đặt mục tiêu giải phóng dân tộc trong khi từ chối công nhận chính quyền Kabul trước đó.

Phong trào đã thiết lập một bộ luật và quy định Hồi giáo riêng cho cư dân sống trong lãnh thổ mà họ kiểm soát.

Trở lại nắm quyền vào tháng 8 năm 2021 sau khi Mỹ thất bại và vội vàng rút quân, Taliban đã thành lập chính phủ lâm thời và nội các gồm các bộ trưởng để lãnh đạo đất nước.

Tiểu vương Taliban, Sheikh Haibatullah Akhundzada, tái khẳng định địa vị của mình với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Afghanistan, trong khi Mohammad Hasan Akhund được bổ nhiệm làm quyền thủ tướng.

"Họ đang cố gắng theo đuổi các chính sách định hướng xã hội. Họ không thực hiện bất kỳ bước nào để làm xấu đi mối quan hệ với các nước láng giềng mà chỉ cố gắng bình thường hóa quan hệ và ngược lại, đưa quan hệ lên một tầm cao mới.

Họ cũng cố gắng phát triển công nghiệp và nền kinh tế, mặc dù nguồn lực rất hạn chế", học giả Semenov cho biết.

Chuyên gia này cũng thu hút sự chú ý đến sự tiến bộ của Taliban trong việc ngăn chặn các tổ chức Hồi giáo cực đoan, bao gồm al-Qaeda và IS trên lãnh thổ Afghanistan.

"Hoạt động của IS đã giảm bớt nhờ những nỗ lực của Taliban. Chắc chắn số vụ tấn công và tấn công khủng bố đã giảm đi 8 hoặc 5 lần.

Ngoài ra, IS đã mất tất cả các vùng lãnh thổ mà chúng cố gắng chiếm giữ, lợi dụng thời gian tạm dừng trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Vì vậy, Taliban đã cố gắng kiểm soát tình hình", ông Semenov nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.