Cảm thụ văn học

Trong trẻo những vần thơ về ngày khai trường

GD&TĐ - Đã qua rồi mùa nắng chói chang, những cơn gió làm tiết trời mát dịu, đất trời đã vào thu, năm học mới cũng bắt đầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng đầu thu trong xanh

Em mặc quần áo mới

Đi đón ngày khai trường

Vui như là đi hội.

(Nguyễn Bùi Vợi)

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã mở đầu bài thơ Ngày khai trường bằng những vần thơ hồn nhiên trong trẻo và đáng yêu vô ngần. Bốn câu thơ đã diễn tả niềm vui sướng hân hoan của tuổi thơ ngày đầu đến trường, đến lớp. Không vui sao được khi tuổi học trò xúng xính dễ thương trong sắc màu áo mới tung tăng trên những con đường đi học sau ba tháng hè xa thầy, xa bạn.

Lúc này trong tâm trạng của những chú chim non đan xen nhiều cảm xúc, niềm vui khó tả: Hồi hộp, lo lắng, náo nức, say mê… Niềm vui lên lớp mới; niềm vui hội ngộ bạn bè; niềm vui trường lớp mới…

Có lẽ ai đã đi qua lứa tuổi học trò mộng mơ, tinh nghịch sẽ chẳng bao giờ quên được kỉ niệm của một thời thương nhớ. Nhà văn Thanh Tịnh đưa bạn đọc trở về suối nguồn cảm xúc trong trẻo ấy bằng những lời văn thủ thỉ, đượm chất thơ: Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên sao được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Như một phép nhiệm màu, sắc màu mùa Thu tươi tắn quyện hòa trong mùi thơm giấy mới với âm vang tiếng trống tựu trường… tất cả dệt nên bức tranh thơ mộng. Sự gặp gỡ kì diệu ấy khơi nguồn cho biết bao cảm xúc thi nhân. Có lẽ vì thế, không lạ gì, mùa tựu trường đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của thi ca.

Gói trong vòng tay kỉ niệm đó, các nhà thơ dù ở độ tuổi nào, khi viết về khung trời áo trắng sân trường bao giờ hồn thơ vẫn cứ đi về trong nỗi nhớ, như suối nguồn trong vắt, một màu lung linh, hồn nhiên, man mác:

Cứ mỗi độ thu sang,

Hoa cúc lại nở vàng,

Ngoài vườn hương thơm ngát,

Ong, bướm bay rộn ràng.

Em cắp sách tới trường,

Nắng tươi trải trên đường,

Trời cao, xanh, gió mát.

Đẹp thay lúc thu sang!

(Mùa thu đẹp)

Thể thơ năm chữ, giai điệu tươi vui… nhà thơ vẽ lên không gian bình yên, thơ mộng. Em cắp sách đến trường giữa trời thu có gió mát, có hương thơm, có sắc màu của hoa, của bầu trời thoáng đãng…

Sân trường lặng im, tiếng trống bao ngày buồn yên nghỉ… giờ đây, dưới nắng thu vàng, tất cả trở nên rạng rỡ, vạn vật như bừng lên rộn rã.

Cái trống trường em

Mùa hè cũng nghỉ

Suốt ba tháng liền

Trống nằm ngẫm nghĩ

Buồn không hả trống

Trong những ngày hè

Bọn mình đi vắng

Chỉ còn tiếng ve?

Giờ đây:

Kìa trống đang gọi

Tùng! Tùng! Tùng! Tùng...

Vào năm học mới

Rộn vang tưng bừng.

(Cái trống trường em)

Còn gì vui hơn khi ngày đầu tựu trường, tựu lớp. Biết bao câu chuyện, biết bao điều muốn tâm sự, sẻ chia:

Gặp bạn, cười hớn hở

Đứa tay bắt mặt mừng

Đứa ôm vai bá cổ

Cặp sách đùa trên lưng

Nhìn các thầy, các cô

Ai cũng như trẻ lại

Sân trường vàng nắng mới

Lá cờ bay như reo

Từng nhóm đứng đo nhau

Thấy bạn nào cũng lớn

Năm xưa bé tí teo

Giờ lớp ba, lớp bốn

(Ngày khai trường)

Như thấy mình trẻ lại, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trở về ngày xưa để viết lên những câu thơ hết sức tự nhiên, chân thực. Sân trường hôm nay tưng bừng theo bước chân đi vội vã, tiếng nói cười xôn xao; trong cái vòng tay lễ phép cúi đầu chào thầy cô và cả trong dáng điệu tay bắt, mặt mừng, quàng vai, bá cổ.

Với các em lớp một, cái ngày đầu tiên đến trường sao mà thiêng liêng quá! Nhà văn Thanh Tịnh đã ghi lại những cảm giác lạ lùng này để bao lần đọc lại vẫn cứ như ngày hôm qua: Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ.

Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học. Trở về thời đi học, nhà thơ Minh Chính giữ mãi chất ngọc nguyên khai chưa vướng chút bụi của đời để hòa vào dòng suối mát trong mà nâng niu một tình yêu vĩnh cửu bằng những vần thơ trong sáng, thiết tha trong bài thơ Đi học: Hương rừng thơm đồi vắng/ Nước suối trong thì thầm/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi.

Rồi những ngày đầu tiên e ấp, bỡ ngỡ cũng qua đi. Dưới mái trường mến yêu, hình ảnh Cô giáo em/ Hiền như cô Tấm/ Giọng cô đầm ấm/ Như lời mẹ ru đã đem đến cho em cả một bầu trời tình thương ấm áp, ngọt ngào. Chính nụ cười thật tươi kèm theo cử chỉ âu yếm, dịu dàng, ánh mắt trìu mến của cô đã tiếp thêm động lực, niềm tin để các cô cậu học trò sớm hòa nhập trong môi trường mới khi rời xa vòng tay bố mẹ.

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp

trong treo nhung van tho ve ngay khai truong2.png
Ảnh minh họa.

Nghĩa là từ đây, bên cạnh gia đình, các em có thêm gia đình thứ hai, ở đó đầy ắp tiếng cười, tình bạn bè, thầy cô và cả thế giới tuổi thơ với những trò chơi hồn nhiên, vô tư, trong sáng.

Sự bỡ ngỡ, thẹn thùng cộng với chút lo âu, sợ hãi nhường chỗ cho niềm vui sướng, hân hoan khi ở bên thầy cô, bè bạn: Em bước vào lớp vừa bỡ ngỡ, vừa thấy quen thân. Tường vôi trắng, cánh cửa xanh, bàn ghế gỗ xoan đào nổi vân như lụa. Em thấy tất cả đều sáng lên và thơm trong nắng mùa thu (Ngôi trường mới - theo Ngô Quân Miện). Nhớ ngày hôm qua còn khóc nhè, níu tay mẹ, mà hôm nay đã cất cao bài ca mái trường với niềm vui, tình yêu mới:

Nào là:

Trường của em be bé

Nằm lặng giữa rừng cây

Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay

(Đi học)

Nào là:

Trường em ngói mới đỏ hồng

Mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh

Gió về đồng lúa reo quanh

Vẫy chào những bước chân nhanh tới trường

(Trường em)

Từ bản làng xa xôi, nơi rẻo cao đất nước cho đến các miền quê hay phố thị đều tưng bừng ngày hội đến trường. Giữa đất trời mùa Thu trong nắng mới, tuổi thơ hạnh phúc cắp sách đến trường, dẫu con đường đến trường còn lắm khó khăn. Ở đó, có những cô giáo cắm bản sẵn sàng Trèo non cõng chữ âm thầm/ Bám trường cắm bản mùa Xuân đang về. Lặng lẽ say mê, các cô giáo vùng xuôi đến với em thơ để mang mùa Xuân về cho núi rừng hẻo lánh, thắp lên trang sách cho ngày mai tươi sáng:

Tây Bắc thẳm xa, núi trập trùng biên ải

Vẫn vang bước chân người gieo hạt ban mai

Để mùa chữ chín vàng trên trang vở

Trống trường ngân náo nức ở lưng trời.

(Người gieo hạt ban mai - Nguyễn Đình Minh)

Thương các em thơ, thương biết mấy cô giáo vùng cao. Ngôi trường đơn sơ giữa núi đồi, tiếng đọc bài ê a hòa trong nắng mùa Thu lịch sử. Từ lời giảng ấm áp, các em lớn khôn để mai đây xây dựng quê hương bản làng giàu đẹp.

Rời xa phố thị xôn xao

Em làm cô giáo vùng cao núi đồi

Mầm non nẩy lộc đâm chồi

Bàn tay chăm sóc vào đời bé thơ

(Cô giáo vùng cao - Hoa Huệ)

Tuổi học trò gắn liền màu áo trắng, màu trắng tinh khôi, trắng trong, tinh khiết. Tất cả đều mới mẻ trong cái nhìn hồn nhiên của tuổi thần tiên:

Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ

Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ

Tim run run trăm tình cảm rụt rè

Tuổi mười lăm gấp sách lại đứng nghe

Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp

(Tựu trường - Huy Cận)

Bằng giọng thơ ấm áp, chân thật, bài thơ Trưa vắng của nhà thơ Hồ Dzếnh đưa ta trở về những tháng năm đong đầy kỉ niệm. Bài thơ mở đầu bằng lời chia sẻ:

Hồn tôi đấy: căn trường nho nhỏ,

Nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non

Lâu rồi, còn thoảng mùi thơm

Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ.

Câu chuyện của “hồn tôi” được kể lại một cách dung dị đến nao lòng. Thế giới kì diệu ăm ắp nhớ thương ấy có ngôi trường “nho nhỏ” mà tác giả từng gắn bó những ngày ấu thơ. Ngôi trường đó thơm mùi vôi mới, mùi cỏ tươi non, rộn vang bước chân, tiếng cười. Ngôi trường bé nhỏ, xinh xinh vẫn cứ lung linh trong tâm tưởng dù đã đi qua bao tháng bao năm của tuổi học trò. Thế giới tâm hồn thi sĩ đang trở về ngày trước mà ngỡ như ngày hôm qua. Tất cả hiện lên sống động, sáng trong và dịu dàng biết mấy!

Cuộc sống luôn đổi thay, Cỏ mấy bận xanh rồi lại tạ/ Gió lùa thu trong lá bao lần…; bạn học ngày xưa mỗi người mỗi nơi. Dù thời gian cứ trôi, cuộc đời con người có thăng trầm thế nào thì dấu ấn trường xưa bạn cũ vẫn mãi không phai mờ trong dòng kí ức vẹn nguyên. Bài thơ Trưa vắng của thi sĩ lãng mạn Hồ Dzếnh khép lại bằng những vần thơ âm vang mãi trong lòng:

Hồn xưa dậy: chim cành động nắng,

Lá reo trên hồ lặng lờ trong

Trưa im, im đến não nùng

Tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang…

Tiếng trống trường năm ấy cứ sống dậy trong lòng. Nó cứ ngân vang, thúc giục. Tiếng trống gắn với dòng hoài niệm. Chính nỗi nhớ thao thiết về khung trời áo trắng đã làm nên hồn thơ nhẹ nhàng mà man mác, giản dị mà sâu sắc của thi sĩ Hồ Dzếnh. Âm vang tiếng trống vọng về trong tâm tưởng không chỉ của riêng ai. Đó là âm vang của một thời tóc xanh màu non dại được cắp sách đến trường. Những dòng cảm xúc ấy miên man chảy trong tâm hồn của biết bao thế hệ để mỗi người lại càng trân quý hơn cuộc sống hiện tại.

Lung linh theo từng giọt nắng mùa Thu, bầu trời cũng trở nên trong xanh vời vợi. Còn nhớ, tìm về một thời mộng mơ trên đất Huế, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần tâm sự: Khai trường đẹp nhất của tôi là thời học ở Huế. Đấy là những ngày Huế chớm thu, sen hai bên hồ ở cửa Thượng Tứ nở thật nhiều, hương sen và gió thu dường như vây phủ đường phố, man mác, thanh khiết.

Từ cửa Thượng Tứ, áo trắng nữ sinh từ Thành Nội túa ra đồng loạt như bươm bướm. Mùa này, Huế có loại chim bồ chao, học trò đi học trong tiếng chim ríu rít hai hàng cây bên đường. Những mùa tựu trường ở Huế là ấn tượng tuyệt đẹp không phai, nó còn mãi cho đến bây giờ.

Chao ôi, làm sao quên được tâm trạng của ngày đầu tiên đến trường, đến lớp. Bảng đen, phấn trắng, mọi thứ đều lạ lẫm. Trang sách mở ra, nắng vàng theo em vào lớp học. Những bài thơ, những câu văn cứ mãi nằm lòng, dạy em biết yêu quê hương, yêu Tổ quốc.

Những bài hát hồn nhiên, những lời văn trong sáng đầy xúc cảm cứ thế in vào tâm trí bao thế hệ học trò: Dưới mái trường mới, sao tiếng trống rung động kéo dài! Tiếng cô giáo trang nghiêm mà ấm áp. Tiếng đọc bài của em cũng vang vang đến lạ! Em nhìn ai cũng thấy thân thương. Cả đến chiếc thước kẻ, chiếc bút chì sao cũng đáng yêu đến thế! (Ngôi trường mới - theo Ngô Quân Miện).

Những bài tập đọc đầu tiên ấy, bài đọc có cánh cò quê hương, có lời ru của mẹ, có tiếng giảng bài của cô, có con đường thơm mùi lúa mới chưng cất thành nỗi nhớ và cứ thế theo ta, lớn lên trên mỗi chặng đường: Tháng chín về nghe trống giục vang xa/ Em thướt tha áo dài bay trong nắng/ Bầu trời xanh và mây trôi lặng lặng/ Đi đến trường cố gắng học hành thôi (Quách Tỉnh).

Háo hức, vui sướng khi được bước vào một thế giới mới tràn ngập màu sắc, trong lành, ấm áp. Từ không gian cửa lớp, sân trường, bao ước mơ được nuôi dưỡng. Rồi mai đây, chính các em mang những bài học ấy đi xa, bước vào đời xây đắp cuộc sống. Trong cuốn Mùi của ký ức, tác giả Nguyễn Quang Thiều có viết: Khi người ta còn nhớ đến những điều bình dị làm nên sự xao động trong tâm hồn, làm nên cảm giác bình yên và cả sự khắc khoải thì người ta còn những lý do để sống với những điều tốt đẹp và hướng về những điều tốt đẹp.

Tưng bừng, nhộn nhịp tiếng trống năm học mới vang lên; tiếng đọc bài, tiếng hát bắt đầu cất lên giữa mùa Thu tươi đẹp. Lúc này, hơn bao giờ hết, những mầm non - thế hệ tương lai của đất nước lại nhớ về lời khuyên bảo, lời căn dặn và nhắc nhở ân cần cách đây 79 mùa Thu của Bác Hồ kính yêu: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Nhìn quyển vở còn thơm mùi giấy mới, lại nhớ đến lời yêu thương của Bác: Vở này ta tặng cháu yêu ta/ Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là/ Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.