Phút 38, trọng tài Faghani Alireza cắt còi sau pha tranh chấp giữa Hùng Dũng với Salem Al Ajalin. Lúc đó, tưởng như Việt Nam sẽ phải chịu một quả phạt đền vì phạm vi phạm lỗi diễn ra trong vòng cấm của Đặng Văn Lâm. Tuy nhiên, trọng tài người Iran bất ngờ chỉ cho Jordan hưởng quả phạt gián tiếp.
Nhận xét về quyết định này, trưởng Ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền nói với VnExpress: "Faghani Alireza xử lý đúng. Theo quy định trong luật 13 của FIFA, chơi bóng có hành vi nguy hiểm sẽ phạt gián tiếp. Hùng Dũng đã cao chân khi tranh chấp, và đó là lý do để trọng tài thổi phạt dù tình huống đó không gây nguy hại cho cầu thủ Jordan".
Từ tình huống đá phạt, Baha Abdel Rahman sút tung lưới Văn Lâm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ông Alireza đã sai khi công nhận bàn thắng cho Jordan, bởi bóng chưa lăn đủ vòng sau khi đồng đội Baha Abdel Rahman đẩy sang cho anh dứt điểm. Trọng tài Võ Quang Vinh nhận xét: "Ông Alireza đã sai khi công nhận bàn thắng của Jordan. Bởi bóng chưa hề lăn trong pha đá phạt này. Theo luật, không chỉ có quả đá phạt gián tiếp mà tất cả các quả đá phạt, bóng phải được chơi và lăn một cách rõ ràng thì mới là trong cuộc".
Ông Dương Văn Hiền thì khẳng định: "Theo quy định, ở cú đá phạt gián tiếp, bóng không cần lăn đủ vòng nhưng phải có dịch chuyển rõ ràng. Chúng ta cần phải xem lại thật kỹ băng hình coi cầu thủ của Jordan đã đẩy bóng đi rõ ràng trước khi Baha Abdel Rahman dứt điểm hay chưa. Cá nhân tôi thấy là chưa".
Băng quay chậm cho thấy dường như Việt Nam chịu bàn thua oan. Cầu thủ Jordan chỉ khẽ chạm chân, và trái bóng chưa di chuyển rõ ràng trước khi Baha Abdel Rahman sút tung lưới Văn Lâm. Một cựu trọng tài V-League nhấn mạnh: "Trong tình huống này, trọng tài đáng ra phải từ chối bàn thắng của Jordan, và cho Việt Nam hưởng quả phát bóng".
Sau khi để thủng lưới, Việt Nam đã vùng lên, tấn công dồn dập. Đội gỡ hòa 1-1 ở phút 51 nhờ pha dứt điểm của Công Phượng và sau đó đánh bại Jordan 4-2 trong loạt sút luân lưu.
Việt Nam sẽ đá tứ kết Asian Cup vào ngày 24/1, gặp đội thắng trong cặp đấu giữa Nhật Bản và Ả Rập Xê-út.