Trọng điểm không… trọng lực ở cử tạ Việt Nam

GD&TĐ - Đội tuyển cử tạ Việt Nam đã vượt chỉ tiêu tại SEA Games 32 và đạt được những kết quả khả quan ở giải vô địch châu Á 2023.

Vận động viên Phạm Thị Hồng Thanh. Ảnh: INT.
Vận động viên Phạm Thị Hồng Thanh. Ảnh: INT.

Tuy nhiên, cuộc đua giành suất tham dự Olympic 2024 với các đô cử Việt Nam vẫn rất gian nan.

Mong manh cơ hội

Khép lại SEA Games 32, đội tuyển cử tạ Việt Nam xếp thứ nhì toàn đoàn với 4 Huy chương Vàng: Nguyễn Quốc Toàn (89 kg nam), Trần Đình Thắng (trên 89 kg nam), Lại Gia Thành (hạng 55 kg nam) và Trần Minh Trí (67 kg nam); 1 Huy chương Bạc: Đinh Thị Thu Uyên (64 kg nữ); 3 Huy chương Đồng: Hoàng Thị Duyên (59 kg nữ), Bùi Kỹ Sư (73 kg nam), Siro Phan (71 kg nữ).

Kết quả này nằm ngoài mong đợi bởi cùng thời điểm đó, rất nhiều gương mặt sáng giá của cử tạ Việt Nam được đăng ký tham dự giải vô địch châu Á 2023 tại Hàn Quốc, giải tính điểm trong cuộc đua đến Olympic Paris 2024.

Tại giải đấu châu lục, Đỗ Tú Tùng bất ngờ giành chức vô địch hạng 55 kg nam. Trong đó, ở nội dung cử đẩy, đô cử Việt Nam đạt mức tạ tốt nhất là 147 kg, qua đó đạt tổng cử 263 kg (116 kg cử giật) để giành cú đúp Huy chương Vàng.

Ngô Sơn Đỉnh (hạng 55 kg) giành 3 Huy chương Bạc khi lần lượt đạt 117 kg cử giật, 143 kg cử đẩy và tổng cử 260 kg. Hồng Thanh giành Huy chương Đồng nội dung cử giật với thành tích 103 kg. Quỳnh Như giành Huy chương Đồng tổng cử, Huy chương Bạc cử giật ở hạng 55 kg.

Đỗ Tú Tùng sinh năm 2004, được đánh giá là tương lai của cử tạ Việt Nam. Năm 2020, anh từng giành 6 Huy chương Vàng hạng cân 55 kg nam và phá một kỷ lục thế giới nội dung cử giật tại giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á, diễn ra ở Uzbekistan.

Trong khi đó, Ngô Sơn Đỉnh sinh năm 2001, từng giành Huy chương Bạc và Huy chương Đồng tại giải cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á 2017 tại Nepal. Năm 2018, anh giành Huy chương Vàng Olympic trẻ ở Argentina. Cả Tùng và Đỉnh đều là những vận động viên được đầu tư trọng điểm của đội tuyển cử tạ Việt Nam.

Mặc dù vậy, cử tạ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc đua ở tầm cao hơn, như ASIAD 19 và đặc biệt là vòng loại Olympic Paris 2024. Sau SEA Games 32, các đô cử Việt Nam gần như “tập chay” và phải đến tháng 9 tới mới tranh tài tại một giải đấu nằm trong hệ thống tính điểm vòng loại Olympic 2024.

Ông Nguyễn Huy Hùng, phụ trách bộ môn cử tạ Cục TDTT cho biết: Dự kiến cử tạ Việt Nam sẽ tham dự World Championship 2023 ở Saudi Arabia vào tháng 9, và World Grand Prix II ở Doha, Qatar vào đầu tháng 12.

Hoàng Thị Duyên thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: INT.

Hoàng Thị Duyên thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: INT.

World Championship 2023 và World Cup Cử tạ diễn ra vào đầu tháng 4 năm sau ở Thái Lan là “2 giải đấu bắt buộc tham dự” nếu vận động viên muốn xét thành tích dự Olympic Paris 2024. Như thế, sự ganh đua ở giải đấu tầm cỡ thế giới sẽ rất khốc liệt khi hội tụ đầy đủ những đô cử xuất sắc nhất.

Nhìn từ kỳ Olympic Tokyo 2020, những hạng cân khả dĩ nhất để cử tạ Việt Nam tập trung giành suất đến Olympic 2024 vẫn là hạng 59 kg nữ, 61 kg nam và 71 kg nữ. Nhưng những gương mặt được nhắm cho mục tiêu này đều cho thấy nhiều vấn đề sau thành tích tại giải vô địch châu Á 2023.

Ở hạng 59 kg của nữ, đô cử Hoàng Thị Duyên vẫn chưa lấy lại phong độ và sự tự tin sau thời gian dài chấn thương. Người thay thế là Quàng Thị Tâm thể hiện không tốt ở giải châu Á tháng trước. Thành tích của Tâm chỉ dừng ở mức 201 kg và đang xếp vị trí thứ… 24 trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic.

Thông số 201 kg của Tâm còn kém xa thành tích tốt nhất trong thi đấu của Hoàng Thị Duyên là 216 kg (đạt được tại giải châu Á 2020). Mà ngay cả thành tích 216 kg của Duyên hiện nay cũng chỉ ngấp nghé ở top 10 bảng xếp hạng vòng loại Olympic, những vị trí sẽ đến Paris vào năm tới.

Bên cạnh đó, việc phải đôn 7 kg lên thi đấu ở hạng cân 71 kg do Olympic 2024 sẽ không có hạng 64 kg khiến Hồng Thanh đối mặt nhiều thách thức hơn. Tín hiệu khả quan là ở giải châu Á tháng trước nữ đô cử Việt Nam đạt tổng cử 230 kg, tạm xếp thứ 11 trên bảng xếp hạng vòng loại, có mức tổng cử đúng bằng đối thủ xếp ngay trên và vận động viên hiện xếp thứ 8 cũng chỉ có tổng cử hơn 3 kg.

Với hạng 61 kg nam, Thạch Kim Tuấn “rơi tự do” từ Olympic Tokyo. Gương mặt sinh năm 1998 Nguyễn Trần Anh Tuấn gánh trên vai sự kỳ vọng sau khi giành Huy chương Bạc tổng cử (295 kg) và Huy chương Vàng cử đẩy (161 kg), Huy chương Bạc cử giật (134 kg) ở giải vô địch châu Á 2022.

Hiện trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic 2024 hạng 61 kg Nguyễn Trần Anh Tuấn xếp thứ 9 với mức tổng cử 288 kg đạt được ở giải vô địch thế giới 2022. Tuy nhiên, Anh Tuấn đã thi đấu không thành công tại SEA Games 32. Và khi bảng xếp hạng cập nhật tới đây vị trí của đô cử 25 tuổi này chắc chắn sẽ nằm ngoài top 10.

Cũng ở hạng 61 kg, Trịnh Văn Vinh hứa hẹn trở thành gương mặt “bất ngờ” của cử tạ Việt Nam. Đô cử sinh năm 1993 tái xuất sau 4 năm bị treo giò vì doping đã bỏ SEA Games 32 để tập trung cho giải cử tạ châu Á 2023.

Tuy vậy, Vinh không thể tạo nên bất ngờ khi anh thất bại cả 3 lần ở nội dung cử giật, với mức đăng ký 128 kg. Ở nội dung cử đẩy, anh chỉ nâng thành công mức 163kg (đăng ký cao nhất là 167 kg) và xếp hạng 7 chung cuộc. Thất bại ở giải châu Á khiến cho cơ hội đến Pháp của đô cử này không còn nhiều.

“Phú quý giật lùi”?

Theo ông Đỗ Đình Kháng - Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam, kế hoạch tăng cường chuyên gia tâm lý cho đội tuyển cử tạ tại các giải đấu lớn đã được đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề này không tìm được tiếng nói chung của những người trong cuộc, bởi nhiều ý kiến cho rằng chỉ có huấn luyện viên trực tiếp mới hiểu rõ học trò của mình. Rất có thể xảy ra những “va chạm” không đáng có giữa người thầy làm công tác chuyên môn và chuyên gia tâm lý. Nếu thuê chuyên gia nước ngoài thì cử tạ Việt Nam không đủ kinh phí. Sự thiếu hụt này phần nào khiến thành tích của môn thể thao mũi nhọn như cử tạ thất thường, chưa được như kỳ vọng.

Nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân giành Huy chương Bạc Olympic Sydney 2000, tấm huy chương Thế vận hội đầu tiên của thể thao Việt Nam. Cho đến nay, sau 2 thập kỷ, thể thao Việt Nam chỉ giành thêm được 4 huy chương Olympic.

Trong đó, Huy chương Vàng và Huy chương Bạc môn bắn súng của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Brazil 2016 giống như câu chuyện thần kỳ. Bởi nhà vô địch thế vận hội Hoàng Xuân Vinh 1 năm sau đã trắng tay ở giải thể thao khu vực, SEA Games 2017.

2 huy chương còn lại thuộc về cử tạ. Hoàng Anh Tuấn hạng 56 kg tại Bắc Kinh 2008 (với tổng khối lượng là 290 kg, kém vận động viên đoạt Huy chương Vàng đúng 2 kg) và Huy chương Đồng của Trần Lê Quốc Toàn cùng hạng cân tại London 2012 (với tổng khối lượng 284 kg, kém vận động viên đoạt Huy chương Vàng 9 kg, vận động viên đoạt Huy chương Bạc 5 kg).

Thành tích ở 2 kỳ Olympic liên tiếp cho thấy rõ ràng tiềm năng của cử tạ Việt Nam, đặc biệt là hạng 56 kg sở trường. Tuy nhiên, đến Olympic 2016, Quốc Toàn không bảo vệ được tấm Huy chương Đồng khi chỉ nâng được 275 kg, kém 9 kg so với chính anh 4 năm trước.

Trong khi đó, Long Qingquan của Trung Quốc nâng được 307 kg để đoạt Huy chương Vàng. Điều khiến cử tạ Việt Nam phải nhìn lại chiến lược phát triển của mình ở chỗ, tại Bắc Kinh, Long Qingquan chỉ nâng được 292 kg.

Nhưng sau 8 năm, đô cử Trung Quốc nâng cao thành tích thêm 15 kg. Tấm Huy chương Đồng năm 2016 thuộc về đô cử Sinphet Kruaithong (Thái Lan), với thành tích 289 kg, hơn 5 kg so với Quốc Toàn năm 2012.

Đến Olympic 2020, diễn ra vào năm 2021 do Covid-19, Ủy ban Olympic quốc tế bỏ hạng cân 56 kg nam và quyết định, 61 kg là mức thấp nhất dành cho các nam vận động viên.

Gương mặt triển vọng nhất của cử tạ Việt Nam thời điểm đó – Thạch Kim Tuấn chỉ thành công mức 126 kg cử giật và thất bại ở mức 150 kg cử đẩy. Theo kết quả thi đấu, nếu Tuấn có thành công thì 276 kg tổng cử vẫn chưa thể tiến gần đến vị trí thứ 3.

Ở hạng cân này, Li Fabin (Trung Quốc) vô địch với thành tích 313 kg, ngôi Á quân là lực sĩ Eko Yuli Irawan (Indonesia) với tổng cử 302 kg và Igor Son của Kazakhstan giành Huy chương Đồng, với thành tích 294 kg.

Không chỉ sa sút trầm trọng về thành tích so với chính mình, các đô cử hàng đầu Việt Nam bước ra sân chơi Olympic được cho là có vấn đề về tâm lý. Đơn cử như Thạch Kim Tuấn bộc lộ rõ trạng thái lo lắng, thiếu tự tin nên dẫn đến hệ quả hỏng cả 3 lần cử đẩy.

Đô cử Thạch Kim Tuấn. Ảnh: INT.

Đô cử Thạch Kim Tuấn. Ảnh: INT.

Thế nhưng, tại SEA Games 2019, Tuấn đạt tổng cử lên đến 304 kg, thành tích quá đủ để đạt Huy chương Đồng Olympic 2020. Hay ở hạng cân 59 kg nữ, Hoàng Thị Duyên chỉ dừng ở con số 208 kg, trong khi mới 3 tháng trước tại giải vô địch châu Á, nữ đô cử Việt Nam đạt thành tích 216 kg. Nếu lặp lại thông số này trên đất Nhật Bản, nhiều khả năng Hoàng Thị Duyên có huy chương.

Ngoài ra, nhìn tương quan lực lượng của cử tạ trong khu vực Đông Nam Á, chiến lược đầu tư của thể thao Việt Nam cho cử tạ dường như đang mất phương hướng.

Vẫn biết việc Ủy ban Olympic quốc tế bỏ hạng 56 kg là thiệt thòi với các đô cử Việt Nam nhưng thành công của các quốc gia trong khu vực ở sân chơi Olympic buộc chúng ta phải xem xét lại cách đầu tư trọng điểm của mình.

Nên nhớ, ở kỳ Olympic Tokyo vừa qua, Indonesia giành 3 huy chương cử tạ, trong đó có Huy chương Bạc hạng 61 kg vốn là thế mạnh của Việt Nam. Và theo thống kê, từ Olympic 2000 đến nay, cử tạ xứ Vạn đảo đã giành 15 huy chương thế vận hội.

Đặc biệt, sau thành tích vị trí số 1 SEA Games 32, cử tạ Indonesia đã giành 3 Huy chương Vàng World Grand Prix I, diễn ra ở La Havana (Cuba) vào trung tuần tháng 6 vừa qua.

Đây là giải đấu nằm trong hệ thống vòng loại Olympic Paris 2024. Những đô cử mang chức vô địch về cho Indonesia gồm: Rahmat Erwin (81 kg), Eko Yuli (67 kg) và Ricko Saputra (61 kg).

Đáng chú ý, trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic 2024, Rahmat Erwin đang dẫn đầu hạng cân 73 kg với thành tích tốt nhất 358 kg và gần như chắc suất đến Pháp vào năm tới. Đô cử kỳ cựu Eko Yuli đang xếp thứ 2 hạng 61 kg với thành tích tổng cử 300 kg.

Cử tạ cũng giúp thể thao Thái Lan giành đến 14 huy chương thế vận hội, trong đó có 5 tấm Huy chương Vàng. Các huy chương cử tạ của Thái Lan cũng giành từ năm 2000 đến nay và tập trung hầu hết ở các hạng cân thấp.

Philippines trước Olympic 2016 không có huy chương cử tạ nào, tức là kém hơn Việt Nam. Nhưng đến Olympic 2016, họ đã có Huy chương Bạc của Hidilyn Diaz, hạng dưới 53 kg và tại Tokyo 2020 chính Hidilyn Diaz giúp Philippines đổi màu huy chương, giành Huy chương Vàng hạng dưới 55 kg nữ.

Từ đó cho thấy thực trạng cử tạ Việt Nam giành được thứ hạng cao ở những hạng cân lẻ trong khi ở hạng cân chuẩn Olympic lại không có người tài, mà nếu có thì với nhiều lý do, các đô cử Việt Nam rơi vào tình trạng “thử kêu, đốt xịt”.

Từ chỗ có những gương mặt tiềm năng có khả năng tranh chấp huy chương Olympic, giờ đây, cử tạ Việt Nam vật lộn với bài toán tìm suất đến Thế vận hội. Một bước lùi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...