Trồng cây trong điều kiện khắc nghiệt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với những đợt nắng nóng tàn phá mùa màng ở Libya và Jordan, nông dân và người tị nạn đang tìm thấy hy vọng vào kỹ thuật canh tác thủy canh.

Chỉ 2% đất ở Libya có đủ mưa để hỗ trợ nền nông nghiệp truyền thống, khiến việc canh tác thủy canh trở thành một giải pháp thay thế lý tưởng.
Chỉ 2% đất ở Libya có đủ mưa để hỗ trợ nền nông nghiệp truyền thống, khiến việc canh tác thủy canh trở thành một giải pháp thay thế lý tưởng.

Với những đợt nắng nóng tàn phá mùa màng ở Libya và Jordan, nông dân và người tị nạn đang tìm thấy hy vọng vào kỹ thuật canh tác thủy canh. Phương pháp này giúp cây trồng phát triển tốt bất chấp thời tiết khắc nghiệt, trở thành phao cứu sinh cho nhiều người trong bối cảnh thiếu nước trầm trọng và diện tích đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp.

Trồng ở nơi khắc nghiệt

Ubari, một thị trấn ốc đảo cách thủ đô Tripoli của Libya hàng nghìn km về phía Nam, cái nóng mùa Hè có thể gây chết người. Nhiệt độ hiện nay thường xuyên lên tới 50 độ C - nóng đến mức các trường học và văn phòng phải đóng cửa để đảm bảo an toàn.

Đối với người nông dân 35 tuổi Khalifa Muhammad nắng nóng cực độ là vấn đề sống còn đối với trái cây và rau quả của anh. Muhammad cho biết, trong 5 năm qua, nhiệt độ cao đã ảnh hưởng xấu đến thu hoạch của người dân.

Libya là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Quốc gia Bắc Phi này đã phải hứng chịu hạn hán kéo dài, bão cát gia tăng, tốc độ bốc hơi cao hơn và tình trạng sa mạc hóa ngày càng trầm trọng. Những thái cực này cùng nhau gây ra tình trạng mất mùa chưa từng có, làm suy yếu an ninh lương thực của đất nước.

Để trồng lương thực trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, những người nông dân Libya như Muhammad đang chuyển sang canh tác thủy canh, phương pháp trồng trọt trực tiếp trong nước bên trong các lều được kiểm soát nhiệt độ. Anh rất vui mừng vì đã có những loại rau vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.

Cách đó không xa, tại thủ đô Amman của Jordan, bà Najwa al-Qadi, 48 tuổi, tự hào về cà chua và rau diếp đỏ mà bà trồng trên sân thượng nhà mình. Bà cho biết: “Những cây trồng trong lều thủy canh giúp tôi trang trải chi phí cho việc học đại học của con tôi”. Mỗi tháng bà kiếm được khoảng 137 USD từ cây trồng của mình.

Giống như Libya, Jordan là một trong 15 quốc gia ở Trung Đông nằm trong số 25 điểm căng thẳng về nước nhất trên thế giới. Dân số ở những quốc gia này sử dụng hết toàn bộ nguồn cung cấp nước sẵn có và nông nghiệp là một lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng khan hiếm nước.

Trong bối cảnh sa mạc như vậy, thủy canh rất có ý nghĩa. Theo nhà tư vấn nông nghiệp Alaa Obeidat có trụ sở tại Amman, việc tưới tiêu có chủ đích trong phương pháp canh tác này sử dụng lượng nước ít hơn từ 28 đến 60 lần so với canh tác truyền thống vì nước được thu giữ và tái sử dụng.

Ông Abdallah Tawfic, người đồng sáng lập Urban Greens Egypt có trụ sở tại Cairo (Ai Cập) cho biết nhu cầu về nước giảm nên canh tác thủy canh không cần đất có lợi thế. Cây được nâng lên khỏi mặt đất và trồng trong chất nền đặc biệt, đồng thời nhận được chất dinh dưỡng ở dạng lỏng.

Điều này làm cho phương pháp trồng trọt như vậy trở nên lý tưởng đối với Libya, nơi có khoảng 95% diện tích đất nước là sa mạc và chưa đến 2% đất đai có đủ mưa để hỗ trợ nền nông nghiệp truyền thống. Không có sông tự nhiên, gần như toàn bộ nước ngọt ở đây dùng cho tưới tiêu đều có nguồn gốc từ tầng ngậm nước ngầm.

Năm 2020 và 2021, Libya trải qua những đợt nắng nóng kéo dài và lượng mưa thấp hơn bình thường. Điều này đã làm cạn kiệt hoàn toàn con đập Wadi Kaam có dung tích 30 triệu mét khối, một trong những con đập lớn nhất ở Libya.

Một số con đập khác trên khắp miền Nam và miền Tây Libya cũng chịu điều tương tự. Năm 2021, UNICEF cảnh báo hơn 4 triệu người Libya (trong số khoảng 7 triệu dân) sắp phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.

Người tị nạn Palestine Mohammad Syam đã học cách trồng thủy canh và phổ biến cho người khác.

Người tị nạn Palestine Mohammad Syam đã học cách trồng thủy canh và phổ biến cho người khác.

Phao cứu sinh cho người tị nạn

Ở Jordan, nông dân cũng gặp khó khăn hơn trong việc duy trì cuộc sống khi phải vật lộn với tình trạng thiếu nước trầm trọng và đất canh tác ngày càng bị thu hẹp. Theo Ngân hàng Thế giới, bình quân đầu người mỗi năm ở đây chỉ có 97 m3 nước, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng khan hiếm nước tuyệt đối là bình quân 500 m3/người/năm. Nguồn cung cấp nước ít ỏi này đã bị cạn kiệt trong thập kỷ qua do sự gia tăng dân số và làn sóng người tị nạn.

Đối với nhiều người tị nạn (chiếm 1/3 dân số khoảng 11 triệu người của Jordan) nông nghiệp vẫn là lựa chọn duy nhất để có thu nhập. Sống tại một trong những trại tị nạn nghèo khổ và chật chội nhất ở Jordan, Mohammad Syam đã học cách trồng thủy canh từ một cư dân khác trong trại.

Từ khi ra mắt năm 2020, Green Paradise đã đào tạo hơn 120 nông dân ở Libya về thủy canh.

Từ khi ra mắt năm 2020, Green Paradise đã đào tạo hơn 120 nông dân ở Libya về thủy canh.

Tự học qua các video trên YouTube, năm 2020, anh thành lập công ty đào tạo người tị nạn về phương pháp canh tác thủy canh. Anh và các cộng sự đã lắp đặt 164 hệ thống trên mái nhà. Hầu hết trong số đó nằm trong các trại tị nạn đông đúc, nơi các phương pháp canh tác truyền thống là không thể thực hiện được.

Mặc dù vậy, những người nông dân lưu ý rằng chi phí ban đầu cao là thách thức chính khi tham gia vào hình thức canh tác này. Để xây dựng một chiếc lều nhựa như của Muhammad, chi phí khoảng 7.000 dinar Libya (khoảng 1.344 euro). Đó là vì nhiều bộ phận được nhập khẩu và lều cần chất làm lạnh để giữ cho cây và nước đủ mát để phát triển.

Do chi phí tương đối cao nên các hệ thống này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Chương trình Lương thực Thế giới và các tổ chức khác. Nhưng bất chấp những khó khăn như vậy, phương pháp thủy canh vẫn đang trở nên phổ biến trong khu vực.

Để giúp người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề của Libya trồng trọt trong môi trường khắc nghiệt, năm 2020, tổ chức phi chính phủ Green Paradise được thành lập để đào tạo nông dân về kỹ thuật thủy canh và trang bị cho họ hệ thống tiết kiệm nước. Tổ chức phi chính phủ này đã đào tạo những người nông dân như Muhammed, giúp họ xây dựng các trang trại thích ứng với khí hậu khắc nghiệt.

Theo Euronews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.