Trời lạnh, bệnh nhân đột quỵ tăng hơn 10 lần tại Bệnh viện Bạch Mai

Trong những ngày rét đậm vừa qua, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận gần 40 trường hợp bị đột quỵ, tăng hơn 10 lần so với bình thường.

Trời lạnh, bệnh nhân đột quỵ tăng hơn 10 lần tại Bệnh viện Bạch Mai

Bình thường, mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai chỉ tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân đột quỵ, nhưng trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch chìm trong rét đậm vừa qua, số bệnh nhân đến cấp cứu do đột quỵ đã tăng lên gần 40 trường hợp/1 ngày.

Trong đó, có nhiều bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ khi đi tập thể dục lúc sáng sớm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. 

ret dam ret hai khien benh nhan dot quy tang hon 10 lan tai benh vien bach mai hinh 1

Trời rét đậm, người già có nguy cơ đột quy cao hơn bình thường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Các đợt rét đậm, số bệnh nhân đột quỵ thường có xu hướng tăng. Trời lạnh gây ra co thắt mạch, có thể gây ra tăng huyết áp, đột quỵ chảy máu. Nếu việc ăn uống không đảm bảo đủ năng lượng, mà máu dễ bị cô đặc thì dễ gây ra tắc mạch, đột quỵ do thiếu máu não…”

Thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 6 giờ đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu sớm trong khung giờ này chỉ chiếm gần 7%. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ, Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân nhập viện muộn do những suy nghĩ sai lầm.

“Rất nhiều người nhà bệnh nhân khi được hỏi vì sao giờ này mới đưa bệnh nhân đột quỵ đến nhập viện thì họ bảo nghe nói đột quỵ phải nằm yên một chỗ nên không đưa đi ngay. Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Theo nguyên lý không để bệnh nhân vận động là áp dụng đối với bệnh nhân có thể đi được, vì nếu vận động bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng. Còn với bệnh nhân đột quỵ nói chung thì phải đặt bệnh nhân lên cáng hoặc đưa lên ô tô cấp cứu. Lúc đó, xe ô tô hoạt động, chứ bệnh nhân có hoạt động đâu?!”, bác sĩ Nguyễn Văn Chi khuyến cáo.

Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ là người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch. Các dấu hiệu của bệnh thường là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể 1 tay, 1 chân, vận động  khó khăn, các biểu hiện chóng mặt bất thường, đau đầu giữ dội. Cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống viên an cung nhằm tránh nghẹt đường thở.

Từ năm 2018, Bệnh viện Bạch Mai đã mở rộng được thời gian cấp cứu bệnh nhân trong 24 giờ nếu bệnh nhân phù hợp với chỉ định lấy huyết khối cơ học, tức là dùng dụng cụ luồn vào động mạch để hút máu ứ đọng trong não ra.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.