Hội chứng lạ thời kỹ thuật số: Nhắn tin khi đang ngủ

Nghiên cứu mới cho thấy hội chứng nhắn tin văn bản khi đang ngủ hoặc lúc đang mơ mơ màng màng hiện nay đang gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ. Tại sao nó lại xảy ra và cách đối phó, xử lý thế nào?.

Hội chứng lạ thời kỹ thuật số: Nhắn tin khi đang ngủ

Có bao giờ tỉnh giấc sau một giấc ngủ, bất ngờ nhìn vào smartphone, bạn phát giác ra mình đã gửi đi một tin nhắn trong khi chẳng nhớ chút nào về hành động đó. Nếu thực sự dính tình huống kỳ lạ ấy, bạn đừng hoảng bởi không phải chỉ có một mình bạn đâu, nhiều người đang rơi vào kiểu nhắn tin vô thức ấy.

Ở đây chúng ta không đề cập sâu vào rủi ro có thể xảy đến cho chù nhân khi nhắn tin trong khi đang ngủ, mà chỉ tìm hiểu điều gì đã thúc đẩy người ta làm được như vậy. Nghiên cứu mới của đại học Villanova, Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ, đánh giá hiện tượng gửi tin nhắn khi đang ngủ hoặc lúc mơ mơ màng màng ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ.

Họ đã khảo sát 372 sinh viên đại học về thói quen sử dụng điện thoại và phát hiện có đến 25,6% người dùng cho biết mình đã từng nhắn tin khi đang ngủ. Trong số các sinh viên ấy, 72% cho biết họ không nhớ hành động ấy, 25% có thể nhớ những gì mình đã nhắn gửi đi.

Về cơ bản, thực tế có một số trong chúng ta đã gửi tin nhắn khi đang ngủ một cách vô thức rồi hoàn toàn quên hẳn chuyện ấy. Hành vi này xảy ra ngay trước khi ta thực sự rơi vào giấc ngủ, lúc đang mơ mơ màng màng không còn ý thức. Nghiên cứu cũng nhận thấy hầu hết các nội dung tin nhắn ấy đều vô nghĩa.

Nữ tiến sĩ Elizabeth B. Dowdell dẫn đầu công trình nghiên cứu lý giải: “Phần lớn các tin nhắn khi đang ngủ mà các sinh viên thực hiện đều không được nhớ lại, cả chuyện nhắn cho ai và nhắn những gì. Việc không nhớ được hành vi của mình ấy không có gì lạ, bởi các nghiên cứu về giấc ngủ đều cho rằng, ngay sau khi thức giấc ta  thường không thể nhớ lại được những gì xảy ra trong những phút sau cùng trước khi ngủ vùi”.

Thực tế này có khi khiến nhiếu người lâm cảnh khó xử. Cứ thử tưởng tượng bạn trải qua một cuộc hẹn hò thật lãng mạn với ai đó có hàng giờ tâm tình ngọt ngào. Thế rồi khi về nhà chìm trong giấc ngủ, bạn lại gửi đi một tin nhắn với lời lẽ ngược hẳn với những gì bạn từng thốt ra trước đó.

Rồi tình hình thực sự sẽ bẽ mặt thế nào khi bạn thức giấc với một tin nhắn không thể thu hồi? Bạn bất mãn với sếp nhưng khi tỉnh còn giữ mồm giữ miệng được. Thế mà trong giấc ngủ, bạn lại gửi cho ông ấy một tin nhắn đầy lời lẽ gây sốc!

Điều đáng sợ của tình huống nhắn tin khi đang ngủ nằm ở chỗ chúng ta không kiểm soát được cả hành vi lẫn nội dung viết ra, rất dễ dẫn đến cái kết là phải hối hận, day dứt. Nhiều lúc do tin nhắn ấy không được phản hồi nên sáng hôm sau thức giấc ta chẳng thể nghĩ là mình đã từng làm vậy.   

Tại sao việc nhắn tin khi đang ngủ lại xảy ra, và ta có thể làm gì để ngăn chặn nó? Angela Crouch, một chuyên gia về giấc ngủ phân tích: “Đây là một dạng trục trặc tâm thần có liên quan đến một số rối loạn giấc ngủ bao gồm mộng du (đi dạo khi ngủ), ăn khi ngủ... xảy ra trong giai đoạn REM (ngủ sâu và mơ).

Ở giai đoạn này, những phần khác nhau của não là có thức, có ngủ. Nghĩa là khi ấy một số hành động như nhắn tin hầu như hoàn toàn được điều khiển tự động. Như vậy, nhất là với những mẫu người lúc nào cũng dán mắt vào màn hình điện thoại để nhắn tin và sốt ruột chờ tin gửi đến, càng dễ sa vào trường hợp nhắn tin lúc ngủ.

Tuy vậy, bà Angela cũng trấn an những ai có thói quen vô thức ấy khi cho rằng hầu hết nội dung tin kiểu này đều vô nghĩa, nên chủ nhân không phải quá lo chuyện rò rỉ những câu chuyện bí mật qua các dòng tin nhắn vô kiểm soát.   

Tuy nhiên, để “cẩn tắc vô áy náy”, khỏi sa vào các tình huống quê, bẽ mặt vì những tin nhắn gửi đi không mong muốn, các chuyên gia giấc ngủ có một số lời khuyên như sau: Giảm tối đa thời gian nhìn vào màn hình smartphone trước khi ngủ, tốt nhất đừng mang điện thoại vào giường, nhất là những ai hay mắc chứng mộng du, nói mớ.

Nghiên cứu cho thấy chỉ riêng chuyện có các thiết bị kỹ thuật trong phòng ngủ, cho dù không dùng đến chúng, cũng đã làm hỏng giấc ngủ. Sinh viên nào có 4 thứ đồ công nghệ trở lên trong phòng mình ngủ sẽ khó nhắm mắt ngon giấc hơn những ai chỉ có 3 thiết bị trở xuống.

Theo khảo sát, người Anh trung bình nhắn tin trên giường không tới 3 giờ mỗi tuần, nhưng việc tiếp xúc với ánh sáng xanh của màn hình khiến người ta cứ bị cám dỗ khó tắt máy đi ngủ.

Thế nên để tránh nhắn tin vô thức trong giấc ngủ, hay nhất là đừng đưa điện thoại vào phòng ngủ, ngay cả để cạnh bàn ngủ hay nhét dưới gối cũng không nên. Thà không lướt được facebook còn hơn phải bẽ mặt xấu hổ vì một tin nhắn “phản chủ” ngoài ý muốn.

Theo Thegioitiepthi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.