Trở thành “bạn” tin cậy để cùng con bước qua các kỳ thi

GD&TĐ - Nhà văn Bùi Ngọc Phúc – đồng tác giả cuốn sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” được công chúng đón nhận tích cực bởi đã “chạm” đến mối quan tâm, lo lắng của đông đảo cha mẹ có con chuẩn bị bước vào các kỳ thi.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Nhà văn Bùi Ngọc Phúc

Báo GD&TĐ đã trao đổi cùng nhà văn Bùi Ngọc Phúc xung quanh vấn đề cùng con vượt qua các kỳ thi, tránh áp lực để lại hậu quả đáng tiếc mùa thi.

+ Mỗi mùa thi đến lại chứng kiến một số trường hợp đau lòng khi học sinh hành động tiêu cực với bản thân. Theo ông hiện tượng này xuất phát từ áp lực thi cử; sự kỳ vọng quá lớn của gia đình cha mẹ; hay các em đang thiếu kĩ năng, bản lĩnh vượt áp lực?

Để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, trước hết phải kể đến áp lực vốn dĩ của học hành thi cử.

Trước hết, việc học hành liên tục từ sáng tới khuya, các lớp ôn luyện… đã bào mòn sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của nhiều học sinh. Thậm chí vì quá lo lắng, nhiều em bị mất ngủ thường xuyên, nếu không phát hiện kịp thời, bệnh trầm cảm sẽ không tránh khỏi.

Bên cạnh đó, chính sự kỳ vọng của gia đình cũng là một gánh nặng đối với con em mình. Không ít cha mẹ mong muốn con luôn ở trong tốp đầu của lớp sẽ khiến con không còn thấy hứng thú với việc học vì quá stress.

Sự can thiệp thái quá của phụ huynh trong các mối quan hệ cá nhân cũng là một nguyên nhân. Nhiều bố mẹ vì muốn con tập trung vào học, tránh các quan hệ khác giới nên đã can thiệp thô bạo khiến con bị sang chấn tâm lý và dẫn đến trầm cảm.

Đặc biệt, việc gia đình lục đục, bố mẹ ly hôn cũng khiến trẻ bị sang chấn tâm lý dẫn đến trầm cảm.

+ Là người đã từng viết, in sách xung quanh vấn đề “Cùng con bước qua các kỳ thi”, và cũng là người cha đã từng có con đi thi, theo ông phụ huynh hiện nay đã thể hiện được vai trò này đúng nghĩa chưa? Để đồng hành với con các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức, kĩ năng gì?

“Nghề” làm cha mẹ đã khó, làm bạn với con khó hơn rất nhiều. Bởi khi có đủ thông tin, bố mẹ mới có thể cùng con bàn bạc và lựa chọn ngôi trường, ngành nghề phù hợp trước mỗi kì thi. Việc này sẽ đảm bảo sự thành công trong học tập của con, như một câu danh ngôn đã nói “Thành công không phụ thuộc vào kiến thức mà vào cách áp dụng kiến thức”.

Hiện nay có một số phụ huynh chưa hiểu rõ năng khiếu, năng lực, yêu thích… của con mình, do vậy đã vô tình tạo áp lực không cần thiết cho con trước mỗi kì thi theo chủ quan của mình. Nói một cách dễ hiểu, đó là hội chứng “con nhà người ta”.  

Bản thân tôi đã từng viết sách về vai trò của cha mẹ trong 12 năm đồng hành cùng con, ở mỗi giai đoạn, phụ huynh cần nắm bắt và theo kịp những biến đổi về tâm sinh lý cũng như môi trường học tập ra sao.

Tôi thấy rằng, không ai khác, bố mẹ chính là người thầy tốt nhất của con mình, từ việc chọn trường, chọn lớp cũng như định hướng. Muốn được như vậy, ngoài việc đồng hành cùng con, giúp con học tập, bố mẹ cần liên tục cập nhập thông tin, kiến thức để trở thành nguồn tham khảo, người bạn đáng tin cậy và có thể bàn bạc, trao đổi của con trước mỗi quyết định, mỗi kỳ thi.

+ Ông có nhắn nhủ gì đối với các bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào những kỳ thi quan trọng?

Với những kì thi mang tính quyết định, sự lo lắng của các con và phụ huynh là điều dễ hiểu, tuy nhiên ngoài kiến thức đã học thì sự vững vàng về tâm lý sẽ giúp ích cho con.

Bởi vậy, hơn ai hết trong giai đoạn này, phụ huynh phải là chỗ dựa vững chắc cho con. Nhiều khi chỉ một lời động viên kịp thời và đúng lúc cũng có thể giúp con hơn gấp nhiều lần những buổi học thêm miệt mài sáng, tối…

+ Làm sao để những mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ với con cái trong vấn đề học tập có thể truyền tải tự nhiên, đúng cách và không gây áp lực?

Học chậm nhưng học đâu chắc đó. Học thêm ít nhưng phải chọn đúng địa chỉ học có uy tín, thầy cô tâm huyết. Sự đồng hành với con của phụ huynh ở giai đoạn này vô cùng quan trọng để tạo cho con nền tảng vững chắc ở những năm học sau. Không ai hiểu và có thể làm “bạn” cùng con tốt bằng những bậc làm cha, làm mẹ.

Kì vọng của cha mẹ là điều tự nhiên, bởi ai cũng muốn con em mình được học tập trong môi trường tốt, đạt kết quả xứng đáng với thành quả bỏ ra. Tuy nhiên sự mong muốn đó không thể đến từ một phía, cha mẹ cần có những buổi trao đổi vui vẻ, thẳng thắng cùng con. Sự điều chỉnh đến từ hai phía sẽ tạo hiệu ứng tích cực, thay vì mong muốn của cha mẹ khiến con cảm thấy như là mệnh lệnh phải làm theo.

+ Ông có thể chia sẻ những cách giúp con vượt qua áp lực thi cử?

Việc thi đỗ hay trượt nguyện vọng vào ngôi trường mơ ước, chắc chắn phụ huynh cần chuẩn bị những phương án dự phòng, có như vậy lúc kết quả được công bố, cả phụ huynh lẫn con không bị sốc, nhiều khi dẫn đến những sự việc khó lường.

Dù bài thi có dễ hay khó, tỷ lệ chọi vào các trường cao hay thấp, phụ huynh hãy nhắc con một điều, tất cả kiến thức đều có trong sách giáo khoa, việc học chắc kiến thức cơ bản sẽ khiến con cảm thấy bình tĩnh hơn.

Nếu con đã có sự quyết tâm và định hướng rõ ràng, bên cạnh đó chính sự động viên cũng như các phương án dự phòng của gia đình sẽ giúp con trải qua kì thi một cách nhẹ nhàng.

Người đi học là các con. Bởi vậy không ai khác, chính các con phải có sự quyết tâm cao. Nhưng phụ huynh cần là người giúp con có thêm động lực, truyền cảm hứng thông qua nhiều cách. Có thể là những buổi cùng con đi dự tọa đàm, đi dã ngoại hoặc đơn giản chỉ là cùng con xem một bộ phim. Những liều “thuốc” bổ tinh thần do bố mẹ cung cấp, hỗ trợ sẽ giúp con vượt qua áp lực thi cử…

+ Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.