Trò chơi dân gian: Nuôi dưỡng ước mơ con trẻ

GD&TĐ - Mùa hè là dịp cha mẹ có thể cho con trải nghiệm những trò chơi dân gian. Đây không chỉ là một hình thức vui chơi mà thông qua đó giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

Trò chơi dân gian: Nuôi dưỡng ước mơ con trẻ

Trải nghiệm trò chơi dân gian giữa lòng Thủ đô

Tại Hà Nội, có một điểm đến thú vị ngày hè mà các phụ huynh thường đưa con đến để trải nghiệm với các trò chơi dân gian là Bảo tàng Dân tộc học - đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Đến đây, trẻ em được đắm chìm trong không gian của nhiên thiên với những trò chơi mà trẻ em nhiều thế hệ vẫn thường say mê có lúc đến quên ăn, quên ngủ như: Nu na nu nống, trồng nụ trồng hoa, chơi bi, chơi chuyền, đánh đáo, chơi khăng, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột, pháo nổ pháo nang, kéo co…

Đồ chơi cũng gắn với thiên nhiên như thanh tre được vót nhỏ làm que chuyền; quả bưởi nhỏ, những viên sỏi nhỏ... Các trò chơi dân gian đều góp phần rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, thói quen làm việc theo nhóm, tính đoàn kết, hỗ trợ nhau, sự sáng tạo...

Cuối tuần, tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm, con trẻ lại có cơ hội nhìn thấy và trải nghiệm những trò chơi dân gian như ô ăn quan, những quầy bán tò he, mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao... Trò chơi dân gian trở thành một phần “linh hồn” của phố đi bộ, giúp khách đến đây tham quan có thêm nơi thư giãn, hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.

Nuôi dưỡng ước mơ con trẻ

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện đại là sự xuất hiện ngày càng nhiều trò chơi mang tính bạo lực. Những trò chơi dân gian mang đậm tính nhân văn và truyền thống dân tộc vì thế đang ngày càng bị mai một dần.

Cô Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội) cho biết: “Trò chơi dân gian có tác dụng rất tốt cho trẻ. Nó giúp cho trẻ nhà bạn có thể có khả năng tiếp thu và trau dồi ngôn ngữ một cách tốt hơn. Vì vậy, bậc làm cha mẹ nên cho trẻ tham gia những trò chơi dân gian để phần nào đó giúp trẻ có được tư duy cũng như các phản xạ được tốt hơn.

Ngoài những mặt lợi về thể chất và tinh thần mà trò chơi dân gian mang lại, các bé khi lớn lên cũng có thể phần nào hiểu thêm về những nét văn hoá dân tộc qua các trò dân gian. Đây có thể được xem như hành trang tuổi thơ quý giá và tài sản kỷ niệm đáng nhớ của cả gia đình trong ký ức đang dần thành hình của trẻ. Sau này, khi nhớ về tuổi thơ với những trò chơi dân gian, được chơi đùa cùng lũ bạn chung xóm, chúng ta mới thấy được tuổi thơ là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời”.

Cô giáo Trần Thị Yến, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, hiện nay, không chỉ ở các khu đô thị mà ngay cả nông thôn dù có sẵn không gian cũng đang thiếu nghiêm trọng những sân chơi bổ ích cho con trẻ, nhất là vào dịp nghỉ hè. Các khu vui chơi công cộng như cung thiếu nhi, nhà văn hóa quận, huyện... đều chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hè của trẻ.

Cô Yến mong rằng, cùng với những trò chơi, sân chơi hiện đại có chọn lọc, thì gia đình, nhà trường, đoàn thanh niên nên định hướng, hướng dẫn, tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ. Tại mỗi cụm dân cư cũng có thể khôi phục lại những trò chơi dân gian như nhảy lò cò, ô ăn quan, chơi chuyền... vừa mang tính vận động, tính tập thể cao, vừa tạo sự gắn kết các em ở cùng nơi cư trú.

Để có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, dịp hè cũng là cơ hội để cha mẹ cho các em được tiếp cận, vui chơi những trò chơi dân gian nhiều hơn. Bởi đây không chỉ là phương thức giải trí lành mạnh cho trẻ em, mà còn là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ