Tôn trọng con đúng cách
Tết thiếu nhi, Bảo tàng Hà Nội tổ chức ngày hội cho trẻ em. Bọn trẻ thích mê khi được chơi những trò chơi dân gian, được trải nghiệm những trò chơi vận động, các hoạt động ngoài trời. Chọn cùng cháu gái bức tượng thạch cao xong, chị Hồng Nhạn Trưởng phòng HCTH Bảo tàng Hà Nội dắt bé Châu Anh vào khu sảnh bố trí những dãy bàn bày sẵn các mảng màu và bút, nước để các bé tô tượng. Chị dặn con bé ngồi đó tô, nửa tiếng nữa chị sẽ quay lại nghiệm thu sản phẩm rồi hai bác cháu sẽ đi chơi trò làm bánh.
Đang định quay đi thì chị sững người khi nghe tiếng gắt gỏng: - Con xóa ngay cái màu dớ dẩn đó đi. Chẳng ai tô cái màu đỏ vào chỗ ấy cả… - Nhưng mà con thích. Con thấy đẹp…
Chứng kiến đứa bé nước mắt chảy dài khi chơi trò tô tượng mà mẹ bé cứ ngồi bên cạnh “chỉ đạo” từng ly từng tí một, chị Nhạn thấy buồn.
“Tôi thấy, bố mẹ không nên can thiệp thô bạo vào sở thích của con như vậy, hãy tin tưởng con mình và hãy cho con quyền được sáng tạo. Hãy để trẻ tự mình làm những điều đó, trao cho trẻ quyền quyết định sẽ tô màu gì lên bức tượng của chúng. Có như thế sau này trẻ mới có thể bộc lộ hoặc dám sống với đam mê của mình… Rất nhiều phụ huynh hiểu sai về sự tôn trọng con cái dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ gia đình. Tôn trọng không phải là nhất nhất đồng ý chiều theo những yêu cầu của con cái, cũng không phải để con “tự lực cánh sinh” trong những quyết định quan trọng về nghề nghiệp, sở thích cũng như cách sống… Tôn trọng con thể hiện ở sự cư xử đúng mực của bố mẹ, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con nhưng vẫn lắng nghe, quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con. Hiểu con và nhu cầu của con để có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất” - Chị Hồng Nhạn - Trưởng phòng HCTH Bảo tàng Hà Nội chia sẻ.
Làm bạn và lắng nghe con
Diễn giả Đào Ngọc Cường - chuyên gia tâm lý giáo dục Công ty CP đào tạo đánh thức tiềm năng Việt (Wake) - đã nhấn mạnh: Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
Việc tôn trọng con cái đúng cách không hề khó nhưng đòi hỏi phụ huynh phải biết kiên nhẫn và kiềm chế cái tôi của chính mình. Con cái cũng có cái tôi của chúng và đặc biệt ở độ tuổi dậy thì những đứa trẻ rất dễ “nổi loạn”. Nhiều bà mẹ cứ thích chụp ảnh con mỗi lần cả nhà đi du lịch, đi ăn uống hay vui chơi đâu đó, nhưng những cậu bé, cô bé đang ở tuổi teen lại không thích. Chúng từ chối với nhiều dạng phản ứng khác nhau, nhẹ thì khó chịu nhăn nhó, quyết liệt hơn thì bỏ đi chỗ khác hoặc lấy tay che mặt. Thật tệ hại khi bố mẹ nghĩ rằng mình đẻ con ra thì chúng phải tuân thủ ý mình.
Không lắng nghe quan điểm của con và xem xét, khuyên nhủ con với sự công tâm sẽ đẩy con đến suy nghĩ rằng vì khác biệt thế hệ nên bố mẹ không thể nào hiểu mình… Điều này theo các chuyên gia tâm lý giáo dục là rất phản khoa học.
Bởi dù việc quan tâm và động cơ của bố mẹ tốt đẹp đến đâu nhưng sự quan tâm, gò ép không hợp lý sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực, khiến mối quan hệ ruột thịt không những trở nên căng thẳng, rạn nứt mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần và định hướng tương lai của con trẻ.
Lời khuyên của diễn giả Đào Ngọc Cường với các bậc phụ huynh là: “Làm bạn và lắng nghe con mình nói để khi mình nói, con mình nghe”.