3 giải pháp giúp học sinh dân tộc phát triển kỹ năng giao tiếp

GD&TĐ - Để giúp học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kỹ năng giao tiếp, cô giáo Nguyễn Thị Tố Hương - Trường tiểu học Minh Cầm (Yên Sơn, Tuyên Quang) đã sử dụng 3 giải pháp cơ bản. Dưới đây là chia sẻ của cô Hương:

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa dưới cờ vào thứ Hai đầu tuần của Liên đội Trường tiểu học Minh Cầm
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa dưới cờ vào thứ Hai đầu tuần của Liên đội Trường tiểu học Minh Cầm

Thứ nhất: Tổ chức tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh học sinh hiểu về nội dung, vai trò của kỹ năng giao tiếp thông qua các buổi chào cờ, buổi họp phụ huynh, sinh hoạt chi đội, sao nhi đồng, sinh hoạt các câu lạc bộ học tập, câu lạc bộ sở thích, phát thanh măng non… Chương trình phát thanh măng non của Liên đội chú trọng nội dung nêu gương, giới thiệu những bạn chăm ngoan, học tập tiến bộ, biết nói lời hay, làm việc tốt.

Để thực hiện được nội dung này, tôi đã tham mưu với nhà trường về nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể trong trong nhà trường, huy động sự tham gia của những người tâm huyết với ngành giáo dục tại địa phương để tổ chức các hoạt động tập thể và tuyên truyền, hướng dẫn học sinh hoạt động.

Đối với những học sinh điểm trường nói tiếng phổ thông chưa sõi, ngại giao tiếp, giáo viên chúng tôi cố gắng lắng nghe, khuyến khích động viên các em với thái độ thân thiện, tạo niềm tin nơi trẻ.

Từ những việc đơn giản như dạy các em hát một câu, tập kể chuyện, hay nói về những người thân trong gia đình, gợi ý để các em được nói nhiều hơn. Có cơ hội thân thiện với cô với bạn, các em tiến bộ dần từng ngày.

Thứ hai: Đổi mới hình thức sinh hoạt liên đội dưới cờ như: Thay đổi hình thức buổi lễ chào cờ một cách sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh.

Chẳng hạn như: Để các em được thay mặt lớp trực tuần đánh giá, nhận xét thêm phần giao lưu với toàn trường qua các tiết mục văn nghệ, kể chuyện, đọc truyện, trò chơi, giao lưu hội đồng tự quản… do chính các em đứng ra tổ chức dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm.

Đổi mới hình thức chào cờ đầu tuần của nhà trường có ý nghĩa quan trọng, giờ học ngoài trời sinh động gây hứng thú cho các em, bằng việc tạo sân chơi: Có chương trình biểu diễn văn nghệ luân phiên, thi đọc thơ, kể chuyện, phát biểu về sự tiến bộ của em trong tuần vừa qua; mỗi lớp, mỗi học sinh biết cách lập kế hoạch học tập, sinh hoạt tuần mới.

Liên đội tổ chức các buổi ngoại khóa theo chủ điểm như: Tìm hiểu Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 (TBLS); Ngày Quốc phòng toàn dân 22/12, mời thân nhân gia đình TBLS đến dự mít tinh; có đại biểu nói chuyện truyền thống, học sinh được nghe, được biết về nhiều tấm gương anh dũng quả cảm, mưu trí bảo vệ Tổ quốc, các em thêm yêu quê hương đất nước, thêm lòng tự hào dân tộc, từ đó các em có thêm ý chí vươn lên trong học tập, trong rèn luyện.

Thứ ba: Tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh để các em có cơ hội hợp tác nhóm và bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình qua các hoạt động như:

Hội diễn văn nghệ, Hội chợ quê; triển lãm tranh, ảnh, tham quan các di tích lịch sử tại địa phương, nghe nói chuyện truyền thống, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp 27/7 và 22/12…..

Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, tôi chú trọng giáo dục học sinh thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy; thường xuyên tổ chức giao lưu hội đồng tự quản các lớp học, phát huy mạnh mẽ vai trò của đội học sinh tích cực để giúp bạn còn có khó khăn trong giao tiếp; lồng ghép nội dung giao lưu với đại biểu trong các buổi ngoại khóa; tổ chức Hội chợ quê có sản phẩm mà các em tự làm ra như vẽ tranh, nặn đồ dùng, đồ chơi, đồ mây tre đan, giỏ đựng đồ dùng học tập...; khuyến khích cha mẹ các em cùng tham gia với con trẻ, có thể đưa nông sản của gia đình, địa phương đến góp vui làm phong phú gian hàng, trực tiếp học sinh đứng giới thiệu sản phẩm và bán hàng, các em hứng thú với hoạt động trải nghiệm này. Từ đó kỹ năng tính toán, giao tiếp, ứng xử được bồi dưỡng thêm.

Qua hoạt động trải nghiệm cuộc sống cũng góp phần rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin cho các em. Xây dựng phòng triển lãm tranh ảnh, biểu diễn tiểu phẩm, giao lưu tiếng hát dân ca, tổ chức các câu lạc bộ sở thích (câu lạc bộ toán, Tiếng Việt, Âm nhạc, Hát sình ca, Tiếng Anh, Mĩ thuật, cầu lông, bóng đá, ...), các trò chơi dân gian (múa sạp, kéo co, nhảy bao bố, ném còn, chơi ô ăn quan, mèo đuổi chuột...).

Bài viết được biên tập, lược ghi từ báo cáo chuyên đề “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trường Tiểu học Minh Cầm (Yên Sơn, Tuyên Quang) thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp” của cô Nguyễn Thị Tố Hương tại Hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc ngành Giáo dục năm 2017".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.