Việt Nam đã được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh lần 2 giữa lãnh đạo Triều Tiên và lãnh đạo Mỹ vì nước này có mối quan hệ hữu nghị với cả hai bên. Tuy nhiên, có một điều quan trọng là Hà Nội chính là trung tâm của chính sách cải cách “Đổi mới” của Việt Nam, nơi thiết lập nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong khi thành phố nghỉ mát Đà Nẵng là ứng cử viên hàng đầu mà Mỹ lựa chọn nhưng Triều Tiên lại muốn chọn Hà Nội, một trong những lý do là đại sứ quán Triều Tiên nằm ở thủ đô của Việt Nam. Ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong – un là Kim Nhật Thành đã tới Hà Nội trong hai dịp 1958 và 1964, đồng thời tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó là Hồ Chí Minh.
Trước khi chính sách Đổi mới được đưa ra năm 1986, Việt Nam có một nền kinh tế kế hoạch tập trung, chịu lạm phát cực đoan và tăng trưởng chậm.
Chính sách Đổi mới cho phép các tổ chức tư nhân sản xuất hàng hóa cùng với các công ty thuộc sở hữu nhà nước và tập thể. Theo chính sách Đổi mới, nền kinh tế đã phát triển thành nền kinh tế hỗn hợp thị trường, dựa trên nền công nghiệp quốc doanh. Nó cho phép Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, cùng với việc chấm dứt quan hệ thù địch với Mỹ.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói trên Twitter rằng “Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, sẽ trở thành một cường quốc kinh tế. Triều Tiên sẽ trở thành một loại tên lửa khác, tên lửa kinh tế!”.
Tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Triều Tiên có thể trở nên thịnh vượng như Việt Nam.
“Trước sự thịnh vượng và quan hệ đối tác có lúc từng bị cho là khó có thể tưởng tượng với Việt Nam hiện nay, tôi đã gửi một thông điệp cho Chủ tịch Kim: Tổng thống Trump tin rằng nước ông có thể đi theo con đường này” – ông Pompeo nói.
Ưu tiên hàng đầu của ông Kim là phát triển kinh tế đất nước. Do lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như từ các nước riêng lẻ, Bình Nhưỡng đang tìm cách nới lỏng lệnh trừng phạt, coi đây là các biện pháp tương ứng trong quá trình giải trừ hạt nhân.
Mỹ cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ được duy trì cho tới khi Triều Tiên đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tuy nhiên, Mỹ đưa ra gợi ý có thể nới lỏng một phần nếu Bình Nhưỡng có những bước đi quan trọng thể hiện cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Triều Tiên dường như đã kêu gọi nới lỏng cấm vận để cho phép mở lại Khu công nghiệp Gaeseong liên Triều và nối lại các tour du lịch tới núi Geumgang. Hiện chưa chắc chắn liệu Mỹ có đồng ý việc này trong thượng đỉnh lần 2 ở Việt Nam ngày 27 và 28 tháng 2 tới đây không.