Cảnh báo bệnh dại từ chó mèo

GD&TĐ - Nói đến bệnh dại, người ta thường nghĩ ngay đến việc bị chó cắn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng trên thực tế bệnh dại còn do mèo cắn hoặc cào và thậm chí là việc hít thở không khí nhiễm bẩn từ các loài dơi hoang bị nhiễm Rhabdovirus gây bệnh dại.

Tác nhân gây bệnh

Bệnh do chó dại cắn hay bệnh dại (thuật ngữ tiếng Anh là rabies) là loại bệnh lý được xếp trong nhóm bệnh truyền nhiễm. Bệnh do một loài virus gây ra. Ban đầu bệnh xảy ra ở động vật như chó mèo, cáo, cầy, dơi... sau đó ngẫu nhiên truyền sang người, thường là do bị chó cắn hay mèo cào.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong rất cao (khi đã lên cơn dại tỉ lệ chết là 100%). Virus xâm nhập gây tổn thương não bộ, tạo ra các biểu hiện thần kinh “không giống ai”, trông như kẻ đờ đẫn, ngây dại nên được gọi là bệnh “dại”.

Đường lây và thời gian ủ bệnh

Virus gây bệnh dại (thuộc nhóm Rhabdovirus) được truyền từ động vật sang người chủ yếu bằng nước dãi khi cắn, cào, liếm hoặc hiếm hơn là qua niêm mạc mũi, mắt như hít phải virus lơ lửng trong không khí ở các hang dơi hay virus lang thang với bụi trong các môi trường bị nhiễm bẩn.

Trong các trường hợp phổ biến thường gặp, sau khi bị chó mèo nhiễm virus dại cắn hay cào cấu rách da, virus gây bệnh dại xâm nhập vào cơ thể con người và tạm trú tại mô dưới da - là lớp mô trong cùng ngay bên dưới da hoặc phát triển tại các lớp cơ bắp.

Rồi từ các vị trí này, virus bò dần vào hệ thống các dây thần kinh ngoại biên, nghĩa là hệ thống thần kinh trong cơ thể nhưng nằm ngoài tủy sống và não. Từ các dây thần kinh ngoại biên, virus di chuyển với tốc độ ước tính khoảng 12 - 24 mm trong mỗi chu kỳ thời gian là 24 giờ để đổ bộ vào khu vực não bộ và tủy sống. Khi đó bệnh sẽ bùng nổ, gọi là thời kỳ bệnh toàn phát.

Thời gian ủ bệnh của loài Rhabdovirus gây bệnh dại rất thay đổi, nó có thể kéo dài từ 2 tuần đến 2 năm, nhưng theo các báo cáo thống kê khoa học thì thời gian trung bình là 40 ngày.

Do thời khoảng ủ bệnh kéo dài như vậy nên nhiều trường hợp bệnh nhân và người nhà đã quên thời điểm bị chó mèo liếm, cào, cắn. “Lợi dụng” khoảng thời gian ủ bệnh kéo dài, người ta đã chế tạo ra vắc-xin tiêm phòng để tạo miễn dịch trước khi bệnh xuất hiện.

Các biểu hiện

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong những trường hợp không điển hình và nhất là không có yếu tố nào liên quan đến vết cắn, vết cào cấu của chó mèo hay các loài động vật khác. Người mắc bệnh sẽ không nghi ngờ mình mắc bệnh gì.

Những người xung quanh và thậm chỉ cả thầy thuốc tiếp xúc thăm khám ban đầu cũng bỏ qua sự nghi ngờ một bệnh dại đang ầm thầm tiến triển và sẽ tạo nên cơn bão tố chết người.

Ban đầu, người bệnh chỉ có các biểu hiện rất mơ hồ như mệt mỏi, sốt nhẹ… giống hệt những lần bị cảm cúm hay sốt nhiễm siêu vi thông thường mà bản thân đã từng mắc phải hoặc từ kinh nghiệm của những người xung quanh đã từng trải qua.

Các biểu hiện của người mắc bệnh dại trong thời kỳ toàn phát là: Lo âu, trằn trọc, sốt. Tại nơi virus xâm nhập có cảm giác kiến bò, tê bì, ngứa, rát. Một biểu hiện điển hình và chắc chắn mắc bệnh dại là chứng “sợ nước, sợ gió” (vì sự co thắt các cơ thanh quản, họng gây đau đớn, thần kinh bị kích thích mạnh thở từng hồi, nói như đứt hơi, mắt long sòng sọc, tai nghe rất thính...).

Bệnh nhân có thể bị liệt, ngừng hô hấp, tuần hoàn và tử vong trong một bối cảnh nặng nề, rất đáng thương tâm. Các trường hợp bệnh dại ở trẻ em thường là không điển hình, dấu hiệu “sợ nước, sợ gió” không rõ.

Bệnh cảnh của trẻ chủ yếu là lơ mơ, mê sảng trong bối cảnh của một hội chứng màng não (sốt, nôn, cứng gáy, li bì...). Bệnh dại diễn biến xấu nhanh và tử vong trong vòng 1 tuần lễ. 

Điều trị và phòng bệnh

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cho đến ngày nay, dù khoa học đã có những bước tiến bộ vượt bậc, nhưng vẫn chưa có phương pháp điều trị nào hữu hiệu một khi bệnh dại đã lên cơn.

Cách sơ cứu khi bị chó mèo cào cắn là cần rửa sạch vết thương ngay bằng xà phòng, không khâu vết thương, tiêm phòng uốn ván nếu xét thấy điều đó là cần thiết. Tham vấn ý kiến của bác sĩ hay nhân viên y tế dự phòng càng sớm càng tốt để biết cách theo dõi và tiêm phòng bệnh dại.

Lưu ý, tất cả chó, mèo nuôi trong gia đình cần tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại theo chu kỳ mỗi năm. Nhốt riêng và theo dõi sát những con có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh dại. Chó mèo nuôi không được để chạy rông ra đường. Khi dắt chó ra đường cần phải có các phương tiện bảo vệ như rọ mõm, dây xích.

Xử trí khi bị chó cắn

Nguyên tắc sau đây cần được tuân thủ, bắt buộc tiêm phòng các trường hợp bị chó nghi mắc bệnh dại cắn, như, sau cắn chó bỏ chạy mất; chó bị đập chết ngay; chó chết trong vòng 1 tuần lễ sau đó.

Theo dõi sau khi bị chó cắn: Vết thương xa thần kinh trung ương (tức ngoài vùng đầu mặt, cổ), nhốt chó theo dõi 1 tuần, thấy chó vẫn bình thường thì không cần phải tiêm. Vết thương ở gần thần kinh trung ương: Vừa tiêm vắc-xin, vừa theo dõi. Nếu chó chết trong vòng 1 tuần thì tiêm tiếp. Nếu chó sống >1 tuần thì ngừng tiêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.