'Triệt' nơi sinh sản của muỗi

GD&TĐ -Mỗi lần đẻ, muỗi sẽ rải đều trứng ở các dụng cụ chứa nước để tăng xác suất tồn tại. Ngoài ra, một lô trứng sẽ không nở đồng loạt.

Theo HCDC, từ ngày 15 - 21/8, thành phố ghi nhận 46.044 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ảnh: HCDC
Theo HCDC, từ ngày 15 - 21/8, thành phố ghi nhận 46.044 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ảnh: HCDC

Vì vậy, người dân cần lưu ý, ngay cả khi đã đổ nước ở những dụng cụ có lăng quăng, nhưng nếu không rửa, trứng muỗi vẫn có thể tồn tại, bám chặt.

Số mắc giảm

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến tuần 34 (từ ngày 15 - 21/8), thành phố ghi nhận 46.044 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 869 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 34 là 1,9%. Mức tăng này nhiều hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tuần 34, TPHCM ghi nhận 2.790 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 15% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nội trú giảm 22,7% và ngoại trú giảm 6,1%. Trong tuần ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong là 18 trường hợp. Trong tuần, thành phố không ghi nhận quận huyện có số ca tăng ở mức báo nguy/báo động so với trung bình 4 tuần trước.

Cũng trong tuần 34, toàn thành phố ghi nhận 182 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 98 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức, giảm 17 ổ dịch mới so với tuần 33. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 369 ổ dịch và có 4 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 468 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 181 phường, xã thuộc 21/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

ThS La Hoàng Huy - Viện Pasteur TPHCM cho biết, trong tự nhiên có nhiều loài muỗi. Tuy nhiên, phổ biến nhất là muỗi Culex tritaeniorhynchus truyền bệnh viêm não Nhật Bản, muỗi Aedes truyền sốt xuất huyết, muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét... Trong đó, muỗi Aedes có màu đen, vạch trắng ở chân, bụng, lưng, ngực. Muỗi Culex tritaeniorhynchus thường có màu nâu. Muỗi Anopheles có đầu nhọn...

“Để duy trì hệ con cháu, muỗi sẽ đẻ trứng. Sau khi hút máu và giao phối, khoảng 3 - 4 ngày sau, muỗi sẽ đẻ trứng. Trứng nở thành lăng quăng, dần phát triển thành nhộng. Sau đó, chúng phát triển thành muỗi trưởng thành. Tuỳ theo nhiệt độ, thức ăn, môi trường, quá trình đó có thể nhanh là 5 ngày hoặc chậm hơn 7 ngày. Sau khi nở khoảng 2 ngày, muỗi có thể tiếp tục hút máu người. 3 - 4 ngày sau, muỗi tiếp tục đẻ trứng”, ThS Huy giải thích.

Trứng muỗi có thể tồn tại 6 tháng

HCDC cho biết, muỗi sống tại các khu vực gần với nơi loài người sinh sống. Muỗi truyền bệnh đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (các lu/ vại/ thùng/ chai lọ/ xô/ chậu/ rác thải/ lốp xe…). Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần lưu ý thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước. Khi thay nước, cần chà rửa kỹ thành vật chứa và thực hiện định kỳ mỗi 5 - 7 ngày 1 lần.

Theo ThS La Hoàng Huy, trung bình, mỗi lần, muỗi có thể đẻ 60 - 100 trứng. Một con muỗi cái đẻ trung bình được 4 lần. Như vậy, trung bình, một con muỗi cái có thể đẻ ra khoảng 200 con muỗi cái tiếp theo. ThS La Hoàng Huy lưu ý, trứng muỗi không tập trung vào một dụng cụ chứa nước. Bởi, mỗi lần đẻ, muỗi sẽ rải đều trứng ở các dụng cụ chứa nước để tăng xác suất tồn tại.

Ngoài ra, một lô trứng sẽ không nở đồng loạt. Vì vậy, người dân cần lưu ý, ngay cả khi đã đổ nước ở những dụng cụ có lăng quăng, nhưng nếu không rửa, trứng muỗi vẫn có thể tồn tại, bám chặt. Trứng muỗi có thể tồn tại trong điều kiện rất khắc nghiệt. Đó cũng là lý do muỗi khó kiểm soát và có thể nhân số lượng trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, theo BSCKII Nguyễn Thanh Trang - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Bình, nhiều người hiểu lầm rằng, muỗi vằn thường đẻ trứng ở nơi nước đọng, mất vệ sinh. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

“Thực tế, muỗi đẻ ở nơi nước trong. Nước đọng trong là nơi thuận lợi cho quá trình sinh sản của loài này. Ví dụ, nếu không thả cá vào hòn non bộ, khu vực đó sẽ là nơi để muỗi vằn sinh sản. Bình hoa, bình cây cảnh thuỷ sinh rất trong, sạch, nhưng cũng là nơi thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản”, BS Trang cho biết.

Theo BS Nguyễn Thanh Trang, khu vực được coi là điểm nguy cơ sẽ hội tụ hai điều kiện. Trước hết, đó là khu vực có vật chứa nước đọng. Điều kiện khác là nơi có nhiều người sinh sống và qua lại. BS Trang nhấn mạnh, 100% điểm nguy cơ phải được rà soát và xử lý.

“Nếu không triệt được nơi sinh sản của muỗi, tạo điều kiện cho muỗi đẻ, trứng có thể tồn tại 6 tháng. Khi gặp điều kiện thuận lợi là nước, trứng sẽ phát triển”, BS Trang cảnh báo.

ThS La Hoàng Huy giải thích, nước sạch để muỗi đẻ là nước mưa, nước máy, nước sông, nước giếng. Vì vậy, người dân cần kiểm tra, xử lý, thu gom vật chứa nước hằng tuần.

“Bệnh tuy dễ mà khó, nhưng khó mà dễ. Dễ khi có sự chung tay của các ban ngành, người dân. Khó khi chúng ta chủ quan, coi thường bệnh. Sốt xuất huyết mắc lần sau có nguy cơ nặng hơn và thậm chí là có thể tử vong”, chuyên gia chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ