Thả muỗi đực biến đổi gen để diệt muỗi cái

GD&TĐ - Chính quyền bang Florida, Mỹ, đang lên kế hoạch thả vào môi trường tự nhiên khoảng 750 triệu con muỗi biến đổi gen. Bầy muỗi sẽ được thả ở quần đảo Florida Keys nhằm ngăn chặn những dịch bệnh đặc biệt tại khu vực này.

Thả muỗi đực biến đổi gen để diệt muỗi cái

Khu vực quần đảo Florida Keys có rất nhiều loại muỗi gây ra bệnh sốt Zika, sốt xuất huyết, sốt vàng da, bệnh viêm não tủy ngựa (EEE). Hàng năm, Ban Kiểm soát Muỗi Florida Keys chi khoảng 1 triệu USD cho các hoạt động diệt trừ muỗi. 

Mới đây, cơ quan Môi trường Mỹ đã cấp phép cho Công ty Oxitec, hoạt động tại Mỹ và có trụ sở ở Anh, quyền “sản xuất” những con muỗi đực Aedes aegypti đã biến đổi gen.

Chỉ muỗi cái mới chích con người do cần máu để sản xuất trứng muỗi. Do đó, chính quyền Florida có kế hoạch thả những con muỗi đực đã biến đổi gen với hi vọng sẽ giao phối với những con muỗi cái trong tự nhiên.

Kế hoạch thả muỗi đực Aedes aegypti tại quần đảo Florida Keys sẽ diễn ra vào năm 2021 và kéo dài trong 2 năm, nhằm làm giảm số lượng muỗi ở toàn tiểu bang. 

Những con muỗi đực này mang một protein có khả năng giết chết những con muỗi cái con trước khi chúng đến tuổi trưởng thành và hút máu người. Tuy nhiên, những con muỗi đực con sẽ sống sót và tiếp tục mang gen di truyền này. Như vậy, theo thời gian, số lượng muỗi Aedes aegypti trong khu vực sẽ giảm dần đi và do đó cũng giảm lây truyền bệnh cho con người.

So với việc phun thuốc diệt côn trùng từ trên không, kế hoạch thả hàng trăm triệu con muỗi biến đổi gen để giao phối với muỗi địa phương có thể ít tốn kém và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cách làm này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhóm môi trường khi họ cảnh báo về những hậu quả không lường trước được. Các nhà hoạt động môi trường cảnh báo những tác động xấu có thể xảy ra cho hệ sinh thái và khả năng tạo ra muỗi lai kháng thuốc diệt côn trùng. 750 triệu con muỗi là một con số khổng lồ có thể ngay lập tức làm mất cân bằng sinh học ở khu vực này.

Khi Oxitec thả hàng triệu con muỗi biến đổi gen xuống Jacobina, Brazil trong khoảng từ năm 2013 đến năm 2015, gen từ những con muỗi bị biến đổi đã bị cắt xén trong quần thể muỗi địa phương, cho thấy một số con cái có gen bị biến đổi sống sót đủ lâu để giao phối và truyền gen của chúng, theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Báo cáo Khoa học.

Những con muỗi lai sinh ra từ muỗi cái có gen biến đổi này lại không mang gen hại như con mẹ mà Oxitec đã cấy vào, mà thay vào đó mang gen từ quần thể muỗi Cuba và Mexico ban đầu được sử dụng để tạo ra muỗi biến đổi gen.

Các tác giả nghiên cứu suy đoán rằng, do sự gia tăng về biến dị di truyền, loài muỗi lai này có thể “khỏe hơn”, nghĩa là chúng có thể có khả năng kháng thuốc diệt côn trùng cao hơn so với quần thể bản địa. Vào thời điểm đó, Oxitec đã yêu cầu tạp chí này xem xét lại “những tuyên bố gây hiểu lầm và suy đoán” của các tác giả, theo Science Magazine cho biết.

Tại thời điểm này, các nhà khoa học không chắc chắn một dòng muỗi lai có thể sẽ ảnh hưởng đến con người hoặc động vật sống chung môi trường với chúng như thế nào. Một số người cho rằng muỗi của Oxitec cũng có thể gây hại cho động vật hoang dã địa phương theo những cách ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, Công ty Oxitec khẳng định sẽ không có rủi ro bất lợi nào cho con người hay môi trường sau khi đưa ra một loạt các nghiên cứu do chính quyền hậu thuẫn.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.