Giao thoa trong triển lãm 'David Thomas và những người bạn'

GD&TĐ - Triển lãm hội tụ các tác phẩm của 21 nghệ sĩ Việt và những sáng tác đồ họa của David Thomas - người sáng lập Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương.

Triển lãm 'David Thomas và những người bạn' hội tụ các tác phẩm của 21 nghệ sĩ Việt và những sáng tác đồ họa của David Thomas.
Triển lãm 'David Thomas và những người bạn' hội tụ các tác phẩm của 21 nghệ sĩ Việt và những sáng tác đồ họa của David Thomas.

Triển lãm mở cửa từ ngày 25/4 đến hết ngày 29/4 tại Phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Nghệ thuật hàn gắn chiến tranh

Tác phẩm 'Vô đề - Untitled' của David Thomas.

Tác phẩm 'Vô đề - Untitled' của David Thomas.

“Tôi lo sợ rằng sự tiến triển của bệnh Parkinson sẽ ngăn cản tôi hoàn thành loạt sáng tác này. Liệu các hội chứng suy giảm thể chất và nhận thức có ngăn cản tôi tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi tự đặt ra không? Hay sự phát triển các triệu chứng này sẽ lại biến thành vật liệu bổ trợ cho sáng tác của tôi? Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi đó”, nghệ sĩ David Thomas.

Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, những sáng tác đồ họa của David Thomas trong triển lãm này là các sáng tác của nghệ sĩ ở giai đoạn chống chọi lại căn bệnh Parkinson trong những năm vừa qua.

Căn bệnh của David Thomas được xác định là một trong những hậu quả của việc tiếp xúc với chất độc da cam, mà có lẽ ông bị nhiễm trong chiến tranh Việt Nam.

Họa sĩ David Thomas là 1 trong 58.000 lính Mỹ tham dự cuộc chiến tại Việt Nam. Ông đóng quân tại Pleiku trong hơn 1 năm rồi quay về quê hương sau khi kết thúc quân dịch.

Những kỉ niệm ông luôn giữ lại trong lòng là nụ cười của những đứa trẻ vùng cao nguyên mỗi khi chúng vây quanh chiếc xe Jeep, là những tâm hồn đẹp đẽ đầy chất thơ, là niềm khao khát hòa bình và sự quật cường vượt qua mọi gian khó.

David Thomas quay trở lại Việt Nam vào năm 1987 trong nỗ lực cá nhân tìm về đất nước mà ông đã tham gia chiến tranh, để tìm cách kết nối và hàn gắn quá khứ. Ông không biết rằng, chuyến đi đó lại là khởi đầu cho hàng chục chuyến di chuyển giữa Hoa Kỳ - Việt Nam trong suốt hơn 30 năm sau đó.

Những ân tình với đất nước Việt Nam đã thôi thúc David Thomas sáng tác và trở thành người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Indochina Arts Partnership (Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương, IAP) vào năm 1988. Hiệp hội này nhanh chóng trở thành một cầu nối văn hóa nghệ thuật và ngoại giao nhân dân giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ.

Với triển lãm “David Thomas và những người bạn”, các sáng tác đồ hoạ của ông hoà cùng các tác phẩm của 21 nghệ sĩ Việt. Bằng nghệ thuật, họ đã trở thành những người bạn vong niên và là những chứng nhân văn hóa của ba thập kỉ nỗ lực chữa lành một cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa hai bờ đại dương, mà may mắn thay nó đã kết thúc.

21 nghệ sĩ Việt Nam tham dự triển lãm lần này, gồm: Bùi Hải Sơn, Đào Châu Hải, Đặng Thị Dương, Đặng Xuân Hòa, Lê Huy Tiếp, Lê Kinh Tài, Lê Lạng Lương, Lê Quốc Việt, Lê Thị Hiền, Lê Thừa Tiến, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Thị Kim Chi, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Vũ Quyên, Phạm Huy Thông, Phan Cẩm Thượng, Phan Oánh, Trần Lương, Vũ Bạch Liên và Vũ Kim Thư.

Sự sống nảy sinh từ cái chết

Tác phẩm 'Thoát xác' của Phạm Huy Thông.

Tác phẩm 'Thoát xác' của Phạm Huy Thông.

Trong hơn 30 năm, IAP đã kiến tạo và điều hành hàng chục chương trình trao đổi nghệ thuật lớn nhỏ, đưa hàng trăm nghệ sĩ, trí thức Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, cũng như hàng chục nghệ sĩ, trí thức Hoa Kỳ tới Việt Nam.

IAP cũng là nơi đầu tiên tổ chức hai triển lãm nghệ thuật lớn, “Nghìn trùng xa cách - An Ocean Apart” (1990 - 1994) và “Nhìn từ hai phía - As Seen By Both Side” (1995 - 2000), trước và sau thời điểm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ - Việt Nam vào năm 1995.

Hai triển lãm này giới thiệu các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ quan trọng đương thời của hai quốc gia, được di chuyển để trưng bày ở các bảo tàng lớn vòng quanh nước Mỹ và Việt Nam, trở thành một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu biểu về ngoại giao, chính trị, văn hóa.

Trong những năm tiếp theo, IAP tổ chức đều đặn các chương trình Nghệ sĩ Lưu trú (Artist-in-Residence), mời và hỗ trợ cho nhiều nghệ sĩ, trí thức Việt Nam sang sống, làm việc tại Boston.

Nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, vùng miền trên khắp Việt Nam đã được tạo điều kiện sang Mỹ làm việc, học tập và trao đổi ở nước bạn, không chỉ là những chương trình chuyên môn về nghệ thuật, mà thực sự đã là những hoạt động hàn gắn, kiến tạo sự hiểu biết lẫn nhau.

Trước khi tổ chức tại Hà Nội, loạt sáng tác này cũng được trưng bày trong triển lãm “Finding Parkinson”giữa David Thomas và các nghệ sĩ đồ họa Boston từng diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vào giữa tháng 4/2023. Triển lãm không chỉ là cuộc trao đổi nghệ thuật giữa nghệ sĩ hai quốc gia, mà còn thể hiện tình cảm và giá trị tinh thần, về vẻ đẹp nghệ thuật, về sự hàn gắn và kết nối của cảm xúc thẩm mỹ, về sự đồng hành khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.

Hoạ sĩ Phạm Huy Thông - một trong 21 nghệ sĩ Việt tham gia triển lãm, cho biết: “Điều tôi cảm thấy vui là tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của đa dạng người xem, già có, trẻ có, cựu chiến binh có và cả lớp trẻ hoàn toàn sinh sau Đổi mới”.

Triển lãm này Phạm Huy Thông đem đến tác phẩm có tên “Thoát xác” vô cùng ấn tượng. Thế nhưng từ sự ấn tượng lại lập tức nhận ra những nghiệt ngã của chiến tranh, máu và cái chết.

Đó là hình ảnh một chiếc mũ của lính Mỹ bị bắn thủng lỗ chỗ cả đằng trước, hai bên và phía sau - vết đạn và vệt máu đỏ vẫn hằn in trên đó. Thay vì cái chết bởi chiến tranh, Phạm Huy Thông đã để những cánh chim hòa bình bay ra từ những lỗ thủng đó, để sự sống nảy sinh từ cái chết.

Lê Huy Tiếp cho rằng, triển lãm “David Thomas và những người bạn” không chỉ là sự giao thoa nghệ thuật, mà còn là sự hàn gắn và truyền đi thông điệp hòa bình.

“Chiến tranh là điều khủng khiếp, hậu quả của nó cũng như hậu chất độc da cam để lại là sự đau đớn và dai dẳng. Hãy để nghệ thuật hàn gắn và chữa lành những vết thương đó”, họa sĩ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ