Thay đổi đáng kể
Ngày 11/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giao Bộ GD&ĐT thực hiện thí điểm học bạ số năm học 2023 - 2024, triển khai đại trà từ năm học 2024 - 2025.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng ban chỉ đạo học bạ số (Bộ GD&ĐT) cho biết, nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Ban chỉ đạo thí điểm học bạ số, ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đến nay, quá trình thí điểm học bạ số đã đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch, làm cơ sở để tiến tới hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc. Có 63/63 địa phương phối hợp với nhà cung cấp cổng học bạ số, có địa chỉ kết nối dữ liệu, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan đến học bạ số tại địa phương.
Các địa phương cũng lên phương án, phối hợp với một số nhà cung cấp dịch vụ sẵn sàng việc triển khai quản lý học bạ số. Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn chuẩn đặc tả kỹ thuật về học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ học bạ số; chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm học bạ số, tiếp nhận dữ liệu học bạ thí điểm từ các địa phương theo thẩm quyền quy định.
Theo ông Thái Văn Tài, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về dữ liệu học bạ số sẽ tạo tiền đề để giải quyết các bất cập về thể chế. Cụ thể như việc xác thực, truy xuất, chuẩn hóa, đồng bộ và chia sẻ thông tin được triển khai hiệu quả, có giá trị.
“Tính tới ngày 31/12/2024, 100% sở GD&ĐT đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT (hệ thống thử nghiệm). Có 63/63 sở GD&ĐT đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT bao gồm 4.938.675 học bạ số cấp tiểu học, chiếm 69,6% trong tổng số 7.093.352 học bạ cấp tiểu học từ lớp 1 - 4 của năm học 2023 - 2024”, ông Thái Văn Tài thông tin.
Bài học kinh nghiệm
Từ thực tế triển khai, cô Trịnh Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Lệnh, TP Lào Cai (Lào Cai) cho biết, hồ sơ học bạ số đem lại nhiều hiệu quả khi giúp giảm tối đa các thủ tục liên quan đến việc chuyển đến, chuyển đi từ trường này sang trường khác. Lãnh đạo sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn thường xuyên cho cán bộ các trường về học bạ số để triển khai theo kế hoạch.
“Đội ngũ giáo viên của trường cơ bản nắm vững các kỹ năng về công nghệ thông tin nên không gặp quá nhiều khó khăn khi triển khai học bạ số. Tuy nhiên, có trường hợp hiệu trưởng ủy quyền cho phó hiệu trưởng ký thì vẫn còn vướng mắc về kỹ thuật. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo có giải pháp để phân quyền về chữ ký số cho cấp phó của đơn vị nếu được cấp trưởng ủy quyền”, cô Trịnh Thị Nhung trao đổi thêm.
Còn theo cô Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (Chương Mỹ, Hà Nội), các tính năng cơ bản của học bạ số đều đã được thầy cô nắm vững để thực hiện thí điểm trong thực tế. Quá trình triển khai, nhà trường gặp khó khăn khi trích xuất học bạ số ra thì chỉ ra kết quả rèn luyện - học tập và đánh giá nhận xét của thầy cô, giáo viên và hiệu trưởng chưa thể ký được vào học bạ số dù được cung cấp chữ ký số. Với phiên bản hiện tại chưa có các phần mềm đáp ứng như một học bạ cứng. Nhà trường hiện vẫn xuất ra học bạ giấy để ký và đóng dấu để gửi cho phụ huynh học sinh.
Ông Thái Văn Tài cho biết, qua quá trình triển khai thí điểm ở cấp tiểu học đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó cần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng và thực hiện giải pháp toàn diện để nhiệm vụ được giao gắn với nhiệm vụ chính trị.
Đối với việc mới, lần đầu triển khai cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và tổ chức xác định đối tượng, phạm vi, số lượng để thực hiện thí điểm. Khi thí điểm, cần lựa chọn những đối tượng đảm bảo về điều kiện tối thiểu; tận dụng tối đa cơ sở vật chất, điều kiện sẵn có, hạn chế phát sinh chi phí.
Quá trình thực hiện cần bám sát kế hoạch, kịch bản, lộ trình thời gian nhưng không nôn nóng, vội vàng; bên cạnh đó cần chủ động, linh hoạt triển khai phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp theo thẩm quyền; quá trình thí điểm vừa thực hiện tốt vừa rút ra bài học kinh nghiệm. Đến khi vững cơ sở khoa học, đủ cơ sở pháp lý, đảm bảo cơ sở thực tiễn thì quyết tâm tham mưu cho các cấp tiếp tục nhân rộng trong thời gian tiếp theo.
Thực hiện kiểm tra, giám sát và hướng dẫn tổ chức thực hiện để tăng tính hiệu quả. Học bạ số sau khi được khởi tạo, ký số xác thực điện tử của người có thẩm quyền được chuyển về lưu tại cơ sở dữ liệu học bạ số tập trung, thống nhất toàn quốc. Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ xây dựng cổng tra cứu để phục vụ nhu cầu tra cứu, sử dụng học bạ số.
Cũng theo ông Thái Văn Tài, sau khi đánh giá kết quả thí điểm, Ban chỉ đạo đã thống nhất mô hình triển khai trong giáo dục phổ thông để triển khai học bạ số trên diện rộng ở cấp tiểu học. Với những cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện triển khai cần xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực để sớm triển khai thống nhất trên toàn cấp học, trước mắt tiếp tục sử dụng học bạ giấy theo quy định.
Triển khai học bạ số bảo đảm nguyên tắc không phát sinh chi phí cho học sinh, cha mẹ học sinh có liên quan đến học bạ số. Không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và học bạ số, đặc biệt liên quan đến phần mềm quản lý nhà trường, trung tâm, đầu tư hạ tầng thiết bị…
Nhân rộng ra cấp học khác
Đối với cấp THCS, THPT và GDTX, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, Bộ triển khai thí điểm hệ thống học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh cấp THCS và THPT trên cơ sở mô hình đã được điều chỉnh bổ sung sau thí điểm cấp tiểu học.
Trong đó gồm: Tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số (tra cứu thông tin học bạ số, thực hiện các thủ tục hành chính sử dụng, liên quan đến học bạ số); kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành, quốc gia; các yêu cầu về kỹ thật, công nghệ bảo đảm thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật về xác thực điện tử, bảo mật thông tin.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thí điểm học bạ số cấp tiểu học vào tháng 12/2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ đã khẩn trương, kịp thời triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học ở các địa phương trên toàn quốc.
Nhấn mạnh đây là nội dung khó, phức tạp và có tác động lớn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu triển khai hết sức thận trọng, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong đó, đánh giá kết quả cần căn cứ theo mục đích yêu cầu của kế hoạch cũng như triển khai trên thực tế ở địa phương.
“Đây là nội dung mới nên việc đánh giá cần xét ở các phương diện với những thuận lợi, khó khăn, bất cập. Đặc biệt là chia sẻ về giải pháp của các địa phương đã chủ động tham mưu, thực hiện đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm và tổ chức triển khai ở cấp THCS, THPT và GDTX trong thời gian tới”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện thí điểm ở cấp trung học và GDTX. Lấy kết quả, kinh nghiệm phù hợp để triển khai trên tinh thần sử dụng, quản lý an toàn, không phát sinh chi phí, bài bản, hiện đại.
Để triển khai hiệu quả học bạ số thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương bám sát mục đích, yêu cầu Đề án 06 của Chính phủ và kế hoạch triển khai của Bộ GD&ĐT. Gắn kết chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và chuyên môn trong quá trình thực hiện. Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT tổng hợp ý kiến góp ý từ các đơn vị, địa phương để tham mưu cho Ban chỉ đạo, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.