Xác định 'điểm nghẽn' triển khai Học bạ số cấp tiểu học

GD&TĐ - Trước thềm năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai Học bạ số cấp tiểu học trên toàn quốc.

Xác định 'điểm nghẽn' triển khai Học bạ số cấp tiểu học

Xác định “điểm nghẽn” để xây dựng lộ trình cũng như giải pháp cụ thể cho nhiệm vụ trên được TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại.

xac-dinh-ro-lo-trinh-va-giai-phap-2-8620.jpg
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: TG

Những bước đi cần thiết

- Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo ra sao về triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học?

- Để triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/3/2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT về việc triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học.

Ngày 15/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học. Ngày 27/3 tiếp tục ban hành Công văn số 2088/BGDĐT-GDTH quy định về mô hình kỹ thuật và trách nhiệm của các cấp trong thực hiện. Đồng thời, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 2781/BGDĐT-GDTH ngày 11/6 đề nghị các UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và thực hiện thí điểm Học bạ số.

- Kết quả thực hiện tại các địa phương có những điểm nhấn ra sao, thưa ông?

- Một số địa phương đã xây dựng được hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành riêng của sở GD&ĐT, tạo tiền đề phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về Học bạ số của các địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Các sở GD&ĐT xây dựng cơ sở dữ liệu Học bạ số gốc tại địa phương đảm bảo đúng pháp lý. Thực hiện lưu trữ học bạ số tại các địa phương, song song việc gửi dữ liệu Học bạ số về cơ sở dữ liệu Học bạ số Bộ GD&ĐT giảm tải áp lực lưu trữ, hỗ trợ tại Bộ GD&ĐT.

Các nhà trường cơ bản có phần mềm Quản lý trường học của sở GD&ĐT xây dựng hoặc các nhà cung cấp phần mềm. Trong hướng dẫn triển khai thí điểm Học bạ số của Bộ GD&ĐT đã quy định rõ việc phân cấp, quyền lưu trữ, quản lý Học bạ số.

Nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo thí điểm Học bạ số; ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện Học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã xây dựng xong chuẩn đặc tả kỹ thuật về file Học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ Học bạ số; chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm Học bạ số, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu Học bạ từ các địa phương.

- Trong quá trình triển khai thí điểm học bạ số, ông nhận thấy những hạn chế, vướng mắc là gì?

- Qua kiểm tra thực tiễn cho thấy, một bộ phận giáo viên lớn tuổi hạn chế về kỹ năng công nghệ nên gặp khó khăn trong thực hiện các thao tác trên phần mềm học bạ số, ký số trên điện thoại. Thiết bị điện thoại của giáo viên đa phần thế hệ cũ, không phù hợp để cài đặt ứng dụng ký số. Tại một số nơi, chất lượng thiết bị máy tính, hạ tầng công nghệ thông tin vừa yếu, vừa thiếu.

Đến thời điểm này, kinh phí để tổ chức thí điểm chưa được cấp; một số nơi có thể vận dụng các nguồn thì thời gian ngắn không kịp làm thủ tục đấu thầu. Đặc biệt việc đầu tư cổng Học bạ số tại sở GD&ĐT phụ thuộc hoàn toàn vào cung cấp miễn phí của doanh nghiệp.

Vì các lý do khác nhau, việc thực hiện ký số, gửi nhận dữ liệu còn tiêu tốn nhiều thời gian. Ứng dụng ký số không tương thích trên tất cả hệ điều hành của các loại điện thoại di động hiện nay.

xac dinh ro lo trinh va giai phap (1).JPG
Triển khai học bạ số giúp giáo viên giảm được nhiều đầu việc so với sử dụng học bạ giấy. Ảnh: TG

Cần giải pháp lâu dài

- Ngành Giáo dục sẽ có kiến nghị ra sao để tháo gỡ những khó khăn đó?

- Bộ GD&ĐT cần tổ chức cuộc họp chuyên đề về triển khai Học bạ số với 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ để có phương án tối ưu, đồng thời, đảm bảo nguồn lực (nhân lực và tài chính) triển khai nhiệm vụ này toàn quốc trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Bộ Công an rà soát và sớm cấp mã định danh cho học sinh chưa được cấp/ chưa có/ sai thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi của các em để được cấp Học bạ số. Bởi mã định danh là trường thông tin quan trọng để kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu dân cư, ứng dụng VNeID sau này. Đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp miễn phí chữ ký số cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên để thực hiện nhiệm vụ theo quy định hiện hành.

Các địa phương quán triệt tinh thần, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng về thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục theo Quyết định số 131/QĐ-TTg là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06/QĐ-TTg), trong đó có việc thực hiện Học bạ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024.

Quá trình triển khai cần thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp quản lý. Qua thí điểm cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền, không để có kẽ hở về mặt pháp lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số và học bạ số, nhất là phần mềm quản lý nhà trường, trung tâm, chữ ký số, đầu tư hạ tầng thiết bị…

Bố trí nguồn kinh phí để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong ngành Giáo dục theo Quyết định số 131/QĐ-TTg gắn với thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg và triển khai các nhiệm vụ về Học bạ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 về triển khai thí điểm Học bạ số trong năm 2024, triển khai toàn quốc từ năm học 2024 - 2025.

- Vậy các giải pháp Bộ GD&ĐT triển khai trong thời gian tới là gì để học bạ số áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2024 - 2025, thưa ông?

- Tháng 8/2024, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết việc thí điểm Học bạ số cấp tiểu học; ban hành Quy định về mô hình, kỹ thuật, trách nhiệm các cấp, giá trị pháp lý, điều khoản chuyển tiếp để các địa phương căn cứ triển khai toàn cấp tiểu học từ tháng 9/2024 như chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024.

Hiện Bộ GD&ĐT tiếp tục thí điểm cấp THCS và THPT trên cơ sở rút kinh nghiệm ở tiểu học và dự kiến triển khai bắt đầu từ học kỳ II năm học 2024 - 2025, tức tháng 1/2025.

- Xin cảm ơn ông!

Đến nay, 60/63 sở GD&ĐT triển khai việc tạo lập, phát hành Học bạ số cấp tiểu học, thiết lập Cổng tiếp nhận Học bạ số của sở và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kết nối với Kho học bạ số Bộ GD&ĐT. - TS Thái Văn Tài

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.

Hình ảnh 'Táo quân' dường như phai nhạt dần trong dịp Tết. Ảnh: INT.

'Gia vị' Táo quân

GD&TĐ - Ngay từ khi tôi còn bé tí, bạn đã trở thành chương trình được yêu thích và mong chờ nhất trong dịp Tết.