Triển khai hiệu quả các hoạt động thí điểm giáo dục STEM 

GD&TĐ - Thí điểm ban đầu chỉ có 15 nhưng đến nay đã nâng lên 60 trường THCS, THPT của 15 tỉnh/thành dạy học STEM, thuộc 2 nhóm nghiên cứu Trường ĐHSP Hà Nội và ĐHSP.TP.HCM.

Mô hình thí nghiệm STEM của học sinh TP.HCM
Mô hình thí nghiệm STEM của học sinh TP.HCM

Có thể thấy, hoạt động thí điểm giáo dục STEM triển khai hiệu quả trong dạy và học cũng như ứng dụng NCKH của học sinh.

Dạy học STEM theo tinh thần dạy học liên môn

Theo PGS.TS Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông Tổng thể cho biết: “ở cấp độ chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục STEM vừa mang nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học”.

Việc hình thành nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cùng với quy định chọn 5 môn học trong 3 nhóm sẽ đảm bảo mọi học sinh đều được học các môn học STEM. Đồng thời xây dựng, dạy học các chủ đề STEM. Các môn học thuộc lĩnh vực STEM (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học) xây dựng các chủ đề dạy học liên môn, chủ đề STEM. 

Tại hội thảo “Giáo dục STEM trong giáo dục trung học”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, giáo dục STEM đem lại nhiều tác động tích cực cho công tác dạy và học trong các trường phổ thông. Đó là “giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay dạy đa môn rời rạc. Đây là cách tiếp cận mới, rất thiết thực, cần thiết. Bởi lẽ để giải quyết các vấn đề của thực tiễn thì không chỉ cần đến kiến thức của một môn học mà phải tổng hoà, tích hợp kiến thức của nhiều môn học..

Các trường trung học chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng các chủ đề dạy học, dạy học với tích hợp liên môn, dạy học qua nghiên cứu bài học và đưa vào kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm ngay từ đầu năm học.

Song song với việc dạy học theo hướng giáo dục STEM, các trường cũng đã triển khai cho các môn học thuộc lĩnh vực STEM quy cách đánh giá sản phẩm học sinh, quy cách tổ chức hoạt động STEM ở trong lớp học, ngoài sân trường dưới sự quản lý của giáo viên và tổ nhóm chuyên môn, quy cách tổ chức cho học sinh tạo ra sản phẩm STEM theo từng nhóm ở nhà, dưới sự quản lý của cha mẹ học sinh. 

Một số Sở GDĐT đã phát động và tổ chức cuộc thi thiết kế và bài giảng chủ đề 14 STEM đến các Phòng GDĐT, các trường THPT và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các chuyên đề dạy học STEM, tổ chức các hội thảo chuyên đề cấp huyện, cấp thành phố với sự tham dự của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. 

Thúc đẩy hoạt động NCKH của học sinh

Sản phẩm nghiên cứu KHKT của học sinh
Sản phẩm nghiên cứu KHKT của học sinh

Hoạt động trải nghiệm STEM được các sở GD&ĐT chỉ đạo và hầu hết các trường trung học đã triển khai thực hiện. Ngoài các hình thức trải nghiệm qua tham quan, học tập tại các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp, nhiều trường trung học đã tổ chức các Câu lạc bộ STEM. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, doanh nghiệp đối với nhà trường và là hoạt động thiết thực cho việc phát triển năng lực, định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nhiều địa phương triển khai tương đối hiệu quả hoạt động này3. 

Từ phong trào học sinh trung học nghiên cứu khoa học từ năm 2009-2010, đến nay, Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học đã được tổ chức hàng năm cấp quốc gia, cấp tỉnh; góp phần rất quan trọng vào thực hiện giáo dục STEM trong các trường trung học. 

Đặc biệt, giáo dục STEM là dạy học gắn với thực tiễn, “học đi đôi với hành”. Như học “Toán học không chỉ phục vụ cho môn Toán mà là phục vụ cuộc sống”. Việc dạy học các chủ đề STEM đã thúc đẩy việc dạy học gắn với thực tiễn. Đây là cơ hội đổi mới tư duy dạy học, khuyến khích sự sáng tạo và tăng cường sự hợp tác trong công việc của giáo viên.

Tập huấn cho cán bộ, giáo viên STEM
Tập huấn cho cán bộ, giáo viên STEM

Tăng cường khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Qua đó, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Hơn thế, còn thúc đẩy sự tham gia của gia đình, cộng đồng vào hoạt động giáo dục nhà trường. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục trung học thực hiện thành công giáo dục STEM trong Chương trình GDPT. 

Ngày hội STEM và Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh để chọn các dự án tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp huyện, cấp tỉnh. Hàng năm, có hàng ngàn dự án tham gia Cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh và hàng trăm dự án tham gia Cuộc thi ở cấp quốc gia. Một số địa phương sau hoạt động được triển khai hiệu quả, tác động lớn đến đổi mới dạy học trong các trường trung học.

Đặc biệt, học sinh Việt Nam đã khẳng định được tài năng của mình khi vươn tầm quốc tế tại Intel ISEF. Từ năm 2012, Bộ GD&ĐT bắt đầu cử học sinh tham gia Cuộc thi quốc tế về khoa học, kỹ thuật do Tập đoàn Intel (Intel ISEF). Cuộc thi được tổ chức hằng năm dành cho HS phổ thông từ lớp 9 đến lớp 12, tại Hoa Kỳ. Có tổng số trên 1.500 học sinh từ 70 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Ban giám khảo là các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Liên tục từ năm 2012 đến nay, năm nào đoàn học sinh Việt Nam cũng đoạt giải 5.

Dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh

Học sinh tham gia hoạt động dạy học STEM
Học sinh tham gia hoạt động dạy học STEM

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định: “Khi triển khai các dự án học tập STEM, học sinh hợp tác với nhau, chủ động và tự lực thực hiện các nhiệm vụ học; được làm quen hoạt động có tính chất nghiên cứu khoa học. Các hoạt động nêu trên góp phần tích cực vào hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Cuộc thi KHKT đã góp phần tích cực đổi mới giáo dục phổ thông định hướng phát triển năng lực học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW và triển khai giáo dục STEM theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Đồng thời, khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Nhất là kiến thức các môn học thuộc lĩnh vực STEM.

Ngoài ra, còn góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học. Đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập của hoc sinh. Phát triển năng lực học sinh. Nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh trung học.

Thông qua đó, nhằm tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. 

Có thể thấy, các cuộc thi KHKT đã thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học từ các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu tham gia chấm, chọn các dự án. Một số học viện, trường đại học trong nước và nước ngoài đã đến tham dự, trao giải và công bố tuyển thẳng vào bậc đại học của đơn vị mình đối với các thí sinh đoạt giải. 

Ngoài ra, học sinh một số trường trung học đã tích cực tham gia và đoạt giải tại các cuộc thi: Cuộc thi robot của các tổ chức Việt Nam và nước ngoài; Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; Các cuộc thi toán và khoa học dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, các triển lãm KHKT của các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản …vv.

Dự án thí điểm phương pháp giáo dục STEM giai đoạn 2016 - 2017 triển khai tại 15 trường trung học của 5 tỉnh/thành phố. Giáo viên đã biết cách xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện chủ đề STEM. Đã có khoảng 50 chủ đề được xây dựng và thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ