Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp để "hạ nhiệt" giá xăng dầu

GD&TĐ - Nguồn cung xăng dầu bản chất không phải khan hiếm nhưng do bị đứt gãy cho nên trong một giai đoạn nhất định hàng hoá không chuyển tiếp tới người tiêu dùng.

Ảnh minh hoạ/internet.
Ảnh minh hoạ/internet.

Đó là chia sẻ của Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với báo chí bên bên hành lang Quốc hội.

Bản chất xăng dầu không phải khan hiếm

Theo đại biểu, giá xăng tăng do nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân do có xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

Nguồn cung xăng dầu bản chất không phải khan hiếm nhưng do bị đứt gãy cho nên trong một giai đoạn nhất định hàng hoá không chuyển tiếp tới người tiêu dùng. Vì vậy, giá xăng dầu bị đẩy lên cao. Giá xăng dầu đẩy lên cao dẫn tới tác động đầu vào của hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đại biểu Vân phân tích, liên quan tới việc kiểm soát giá xăng dầu, chúng ta đã sử dụng những công cụ như: giảm tới 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel và sử dụng quỹ bình ổn. Những công cụ dự trữ về dư địa chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu giảm không đáng kể. Bởi việc giảm không bù đắp lại tỉ lệ phần trăm tăng giá.

Theo đại biểu Vân, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, điều này có thể dẫn tới những lo ngại về lạm phát. Mặc dù báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh kinh tế hơn 4 tháng qua có triển vọng rất tốt. Hầu hết các lĩnh vực đều có tăng trưởng.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến của chỉ số này có thể còn diễn biến phức tạp bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh khác. Tính bền vững trong tăng trưởng hết sức lưu ý. Khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% là khó theo mục tiêu đặt ra. Do vậy, chúng ta phải tính tới các kịch bản điều chỉnh các chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu lạm phát.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Cần kiểm soát “tát nước theo mưa”

Cùng trao đổi, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho hay, bài học chúng ta nhìn thấy gần nhất giai đoạn năm 2008 lúc đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng.

Cùng với đó, với giá lương thực thực phẩm làm lạm phát tăng rất nhanh. Có thời điểm lạm phát tại Việt Nam tăng tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả, hàng hoá và đời sống củ người dân vô cùng khó khăn.

Đại biểu Ngân phân tích, hiện nay tại Mỹ, lạm phát đã lên tới 8,5% (cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu), châu Âu cũng lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hiện lạm phát của chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt nhưng vẫn có thể lên cao.

Theo đại biểu Ngân, chúng ta phải sử dụng các công cụ nếu không giá xăng dầu điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá hàng hoá. Khi đó rất khó kiểm soát, kiềm chế lạm phát. Khi chúng ta phải sử dụng công cụ lãi suất thì có thể sẽ để lại hậu quả.

“Trong khì họp này, tôi sẽ có ý kiến, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Hôm trước chúng ta mới chỉ giảm 50%. Bên cạnh đó, là xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để kìm hãm giá xăng dầu. Chúng ta phải hành động gấp để ngăn lạm phát” – đại biểu Ngân nêu ý kiến, đồng thời cho rằng: giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động đến đời sống người dân.

Theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, xăng dầu theo giá thị trường buộc phải điều chỉnh cho nên để giảm được giá xăng dầu thì phải trình để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là 2 điều quan trọng nhất. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá.

Bên cạnh xăng dầu, đại biểu Ngân cũng cho rằng, cần kiểm soát những loại giá cả “tát nước theo mưa” để đảm bảo an sinh xã hội bằng cách kiểm tra, kiểm soát yếu tố về chi phí, yếu tố về đầu vào để đảm bảo minh bạch.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, sẽ khó để hạ nhiệt giá xăng dầu, bởi còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường.

Theo đại biểu Thuý, để tránh nhiều mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”, ngoài việc phải có giải pháp để “hạ nhiệt” giá xăng dầu thì cần phải tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng dầu.

Về vai trò điều hành, điều tiết của Bộ Tài chính, Bộ Công thương trong việc bình ổn giá hiện nay, đại biểu Thúy cho biết: Nguyện vọng mong muốn của cử tri là mong muốn làm sao hạ nhiệt giá xăng dầu.

Còn vai trò của các Bộ, ngành liên quan tôi thấy đã rất nỗ lực và cố gắng tìm mọi cách để khắc phục. Bởi, nếu không cố gắng hạ nhiệt giá xăng dầu thì chúng ta sẽ phải xử lý hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến lạm phát, bội chi ngân sách, giá cả và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ