Triển khai dạy học tiếng Anh, Tin học bắt buộc: Vượt khó “xóa mù”

GD&TĐ - Nhiều năm qua, dù là môn tự chọn, giáo viên tiểu học trên cả nước đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn đặt ra cho các nhà trường.

Tiết học Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài tại Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng. Ảnh: NTCC
Tiết học Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài tại Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng. Ảnh: NTCC

Công nghệ dẫn lối tri thức

Cô Ma Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cho biết: Dù nằm ở tỉnh vùng núi, nhà trường đã nhận được sự quan tâm của Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh để đưa Tin học và Tiếng Anh trở thành môn tự chọn trong nhiều năm qua. Trường đã triển khai môn Tin học và Tiếng Anh cho học sinh từ khối 3 và Tiếng Anh Phonics (dạy đánh vần) cho học sinh lớp 1, 2.

Thầy cô nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào lớp học, giúp tăng khả năng tương tác và khơi gợi hứng thú cho học sinh. Toàn trường có 1 phòng Tin học với 23 máy; 1 phòng học chức năng Tiếng Anh lắp vách ngăn, thiết bị nghe, nhìn. Tất cả phòng học khác được lắp đặt hệ thống máy chiếu, loa.

“Trường hiện có 2 giáo viên Tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học, đều nằm trong biên chế.  Các thầy cô luôn nỗ lực tự học, bồi dưỡng nhằm phát triển khả năng CNTT, linh hoạt thích ứng với mọi hoàn cảnh, điều kiện học tập. Tinh thần này phủ sóng tới 100% giáo viên toàn trường”, cô Xuân chia sẻ.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, học sinh Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng phải tạm dừng đến trường, học trực tuyến. Dù còn nhiều khó khăn trong việc truyền đạt, tương tác với học sinh, song học từ xa cũng là cơ hội để thầy cô giáo phát huy khả năng sử dụng công nghệ.

Theo cô Xuân, mỗi lớp học qua phần mềm Zoom. Phối hợp cùng nhà trường, phụ huynh đã trang bị cho con cái điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đường truyền Internet để việc học online không bị gián đoạn. 100% học sinh nhà trường đều bắt nhịp với phương pháp học mới.

Cô Phạm Thị Châu, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng cho hay: Khi dạy trực tuyến, tôi phải tăng cường cho học sinh tương tác, chủ động nắm bắt bài học. Mỗi tiết học, tôi thường tổ chức trò chơi Tiếng Anh theo dạng gameshow, trắc nghiệm trực tuyến lấy từ ngân hàng câu hỏi đã chuẩn bị sẵn.

Với học sinh từ khối 3, tôi yêu cầu các em quay video nói về một chủ đề bất kỳ, gửi qua Zalo để cô chấm điểm. Nhiều học sinh mày mò công nghệ rất nhanh, có thể mượn điện thoại bố mẹ tự quay, gửi cho cô. Với học sinh lớp 1, 2, tôi nhờ phụ huynh quay những video ngắn con luyện nói.

Cô Châu còn sử dụng ứng dụng Hangout kết nối học sinh với 1 - 3 giáo viên, bạn bè các nước trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Singapore… để cùng nhau thảo luận về những chủ đề trong đời sống.

“Ví dụ với chủ đề trang phục truyền thống, học sinh nước bạn sẽ trình bày về trang phục của họ, rồi học sinh bên mình nói về áo dài và đặt câu hỏi cùng nhau thảo luận. Mỗi lớp học đều có máy chiếu, loa nên việc kết nối nhanh chóng, thuận tiện. Học sinh rất háo hức khi được “gặp” những người bạn quốc tế, hiểu thêm về văn hóa các quốc gia”, cô Châu chia sẻ.

Ở bộ môn Tin học, cô Trần Lan, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng tổ chức cho học sinh kiểm tra bài cũ qua phần mềm Quizz, Kahot.it. Trong thời gian dạy online, cô giao học sinh bài tập soạn thảo văn bản, tìm hiểu các phần mềm Tin học qua Zalo, Viettelstudy hay Teams.

Nói về kinh nghiệm dạy tin học ở vùng khó, cô Lan cho rằng không thể thiếu sự nỗ lực, tự học của người thầy để mày mò, tìm cách học hợp với trò và điều kiện.

Phòng Tin học Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất.
Phòng Tin học Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất.

Bài toán xã hội hóa

Cô Trương Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam thông tin: Là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II, năm 2018, Tin học đưa vào giảng dạy (môn tự chọn) cho học sinh từ khối 3. Năm học vừa qua, trường sáp nhập với một trường trên địa bàn song vẫn duy trì giảng dạy tin học.

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo được một ngân hàng tại Hà Nội tài trợ phòng Tin học với 20 máy tính và tuyển dụng 1 giáo viên Tin học theo biên chế. Nhờ đó, học sinh nhà trường có cơ hội tiếp cận với máy tính. Tuy nhiên, qua các năm, máy tính được cấp gặp trục trặc, hỏng hóc nên nhà trường phải thường xuyên sửa chữa.

“Hiện việc duy trì cơ sở vật chất phòng Tin học được trích từ ngân sách của trường hoặc hỗ trợ của phòng GD&ĐT. Để có thể triển khai môn Tin học bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 vào năm học 2022 - 2023 vẫn còn nhiều thách thức, cần sự đầu tư của địa phương”, cô Hoài bày tỏ.

Phòng Tin học của điểm trường Pò Khảo - Trường tiểu học, THCS xã Tân Minh huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn - một trong những công trình xã hội hóa của Báo Giáo dục & Thời đại vận động và thực hiện, nhằm "xóa mù tin học" cho học sinh vùng biên giới. Ảnh: C.Thắng
Phòng Tin học của điểm trường Pò Khảo - Trường tiểu học, THCS xã Tân Minh huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn - một trong những công trình xã hội hóa của Báo Giáo dục & Thời đại vận động và thực hiện, nhằm "xóa mù tin học" cho học sinh vùng biên giới.  Ảnh: C.Thắng

Đồng quan điểm, cô Hồ Thị Thuỳ Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, cho rằng, dù nhà trường đã triển khai dạy Tin học, Tiếng Anh tự chọn cho học sinh từ khối 3. Nhưng do địa hình miền núi, học sinh hầu hết thuộc hộ nghèo, việc ứng dụng CNTT, chuẩn bị cơ sở vật chất gặp không ít rào cản.

Trong thời gian nghỉ dịch, trường không dạy trực tuyến do gia đình học sinh không có Internet hay thiết bị điện tử. Thầy cô môn Toán, Tiếng Việt in bài tập ra giấy, đem đến nhà từng học sinh.

Năm học tới, nhà trường phối hợp với phòng GD&ĐT huyện xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung cho học sinh lớp 2 không có điều kiện mua sách. “Để nâng chất môn Tin học, Tiếng Anh, cần phải thay đổi nhận thức của phụ huynh về giá trị của giáo dục, đồng thời là sự tham gia giúp đỡ của các mạnh thường quân”, cô Vân bày tỏ.

Không chỉ gói gọn trong 4 bức tường, ứng dụng CNTT mở rộng khả năng tương tác, kết nối toàn cầu của người học. Đây cũng là trải nghiệm của nhiều học sinh Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng khi được tham gia lớp học trực tuyến môn Tiếng Anh với học sinh Ấn Độ, Indonesia, Singapore.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ