Vừa làm vừa gỡ
Trường Tiểu học - THCS Gia Luận, xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng gồm 3 cấp học với 107 học sinh. Trường đóng trên địa bàn xã đảo khó khăn, cách xa trung tâm thị trấn đến 30 km đường rừng. Tổng số cán bộ giáo viên của trường là 23 thầy cô nhưng chỉ có 4 giáo viên là người địa phương, còn lại các thầy cô ở thị trấn Cát Bà và thị trấn Cát Hải sang.
Với giáo viên ở Cát Hải sang dạy tại Gia Luận ngoài việc men theo 30 km đường rừng từ thị trấn Cát Bà đến trường, thầy cô còn phải đi phà qua sông sang bến Phù Long mất khoảng 30 phút. Cũng như đội ngũ GV, thầy Lê Đức Toàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Gia Luận cũng ngày 2 lần vượt sông để đến trường.
Năm học này nhà trường có 12 học sinh lớp 1, qua quá trình dạy học SGK mới, thầy Toàn nhận định, chương trình mới có nhiều ưu điểm, phù hợp với nhận thức, lứa tuổi học sinh. Vì thế, với kinh nghiệm triển khai chương trình, thầy Toàn tự tin sẽ triển khai tốt trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, điều kiện xã đảo còn khó khăn, người dân đa phần làm ngư nghiệp, không có điều kiện quan tâm và đầu tư cho giáo dục. Vì thế, dù trường học đủ phòng nhưng thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học còn thiếu thốn và nghèo nàn.
“Nhà trường còn thiếu nhiều thiết bị, đặc biệt thiếu tivi ở các phòng học. Trường có phòng học Tin và đã được trang bị máy tính. Nhưng 3 năm trước, sau cơn bão lớn, nước dâng ngập phòng nên máy móc hư hỏng. Vì thế, đến nay phòng học Tin có bàn để máy tính nhưng không có máy và cũng thiếu luôn giáo viên dạy Tin học”, thầy Toàn trải lòng.
Trường Tiểu học - THCS Gia Luận có đủ 9 phòng học/9 lớp từ tiểu học đến THCS. Tuy nhiên, cái khó ở điểm trường này ngoài thiếu thiết bị, đồ dùng, thiếu giáo viên đứng lớp là bài toán khó mà nhà trường xoay xở nhiều năm. Thiếu giáo viên khiến việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày với lớp 1, lớp 2 khó khả thi bởi mỗi lớp chỉ có 1 giáo viên.
Với lớp 6, Trường Tiểu học - THCS Gia Luận có đủ số lượng giáo viên nhưng thiếu giáo viên bộ môn. Hiện nhà trường thiếu giáo viên môn Công nghệ, Âm nhạc, Tin học. Môn Tiếng Anh chỉ có 1 cô đang nghỉ thai sản, nhà trường đã kiến nghị phòng GD&ĐT bổ sung giáo viên nhưng chưa được.
Thiếu giáo viên khiến thầy Toàn lo ngại về chất lượng giáo dục của nhà trường. Bởi, mỗi môn có 1 giáo viên, việc nghiên cứu SGK không có sự bàn bạc, trao đổi giữa các đồng nghiệp; sinh hoạt chuyên môn cũng hạn chế. Đặc biệt, một trường có 3 cấp học nhưng chưa có hiệu phó, một mình thầy Toàn kiêm cả công việc nên thêm phần vất vả.
Nỗ lực vượt khó
Trường Tiểu học Quan Lạn, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có 335 học sinh, trong đó có 68 học sinh lớp 1. Đặc thù xã đảo, trường có 3 điểm trường lẻ, trong đó điểm Tân Lập phải qua 6km đường bộ và 2km đường sông. Do thiếu thốn cơ sở vật chất nên vẫn có điểm trường phải duy trì lớp ghép. Vì thế, các điểm trường khó có đủ phòng để duy trì học 2 buổi/ngày với học sinh lớp 1, lớp 2. Giáo viên nhà trường thừa thiếu cục bộ, thầy cô dạy môn Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật thường xuyên phải di chuyển đến các điểm trường.
Do điều kiện sông nước, điểm khu Tân Lập, nhà trường tạo điều kiện cho các cô dạy học luân phiên các môn phụ trong một buổi học để tiện chuyến đò qua sông.
Cô Hoàng Thị Thanh Chải - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường có nhiều điểm lẻ. Mỗi điểm cách xa trung tâm 6 - 7km, vì thế khó có thể sắp xếp thời gian kiểm tra hết các điểm trường.
Tuy nhiên, nhờ sự chấp hành kỷ luật tốt và điều hành qua mạng Internet, công việc của nhà trường thuận lợi hơn.
Thiết bị dạy học của Trường Tiểu học Quan Lạn còn khó khăn, thiếu thốn. Để học sinh điểm trường lẻ có thiết bị học tập, các cô giáo sử dụng máy chiếu di động, đồ dùng tranh ảnh mang đi mang về.
Cô Hoàng Thị Thu Hà - GV lớp 1, Trường Tiểu học Quan Lạn chia sẻ: Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải phát huy được vai trò của mình, tích cực đổi mới sáng tạo, luôn là người truyền cảm hứng từ đó học sinh phát triển được năng lực phẩm chất vốn có của mình.
Nhận thức được sự quan trọng của đổi mới giáo dục, đặc biệt với học sinh huyện đảo, cô Hà cũng như các đồng nghiệp luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, sinh hoạt nhóm qua Zalo cùng các đồng nghiệp trong toàn huyện. Bên cạnh đó, giáo viên trong trường thường dự giờ chéo để chia sẻ khó khăn, khắc phục những nhược điểm trong quá trình triển khai. Vì vậy, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhẹ nhàng hơn.
Bình luận