Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu và yếu
Cà Mau dù nỗ lực đầu tư, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp nhưng số trường nhỏ lẻ vẫn còn ở vùng sâu, vùng xa.
Nguyên nhân do sáp nhập điểm lẻ, học sinh gặp khó khăn về đường đi, nhiều em đối diện nguy cơ bỏ học.
Duy trì các điểm trường nhỏ lẻ cũng đồng nghĩa với việc thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị.
Đặc biệt, khi Chương trình GDPT mới triển khai, tình trạng thiếu phòng học 2 buổi/ngày, phòng chức năng, thiết bị dạy học diễn ra ở nhiều nơi.
Khó nhất đối với Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, huyện U Minh (Cà Mau) khi triển khai Chương trình GDPT mới là cơ sở vật chất.
Vì thiếu phòng học nên nhà trường chỉ sắp xếp dạy 7 buổi/tuần (quy định 9 buổi/tuần) với học sinh lớp 1.
Để giải quyết tình thế, trường chuyển lớp 4 về trường lẻ đã xóa trước đó, ưu tiên phòng học cho học sinh lớp 1.
Theo thầy Lê Minh Ra, Phó Hiệu trưởng nhà trường, phòng học đã cũ, diện tích nhỏ (38 học sinh/40m2) nên gặp khó trong tổ chức hoạt động theo Chương trình GDPT mới.
Tại Trường Tiểu học Đào Duy Từ, Điểm lẻ Kênh 21, huyện U Minh (Cà Mau) có 4 lớp nhưng chỉ có 2 phòng học, tổ chức dạy học 1 buổi/ngày với lớp 1 (25 tiết/tuần).
Theo thầy Cao Văn Đượm, Hiệu trưởng nhà trường, Điểm lẻ 21, năm học 2020 - 2021 có 86 học sinh của 4 khối lớp (từ lớp 1 - 4), trong khi điểm trường chỉ vỏn vẹn có 2 phòng học.
Để thuận tiện trong học tập và giảng dạy, Ban Giám hiệu bố trí điểm trường dạy 2 buổi/ngày, buổi sáng khối lớp 1 và 2, buổi chiều khối lớp 3 và 4.
Theo thống kê của các huyện và TP Cà Mau, lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới đến năm 2024 - 2025 cần có 5.719 giáo viên (còn thiếu 364 giáo viên).
Về cơ sở vật chất, trong năm học này, toàn tỉnh cần 813 phòng học (hiện có 715 phòng), thiếu 98 phòng.
Theo lộ trình thực hiện Chương trình mới đến năm 2024 - 2025 toàn tỉnh cần có 3.871 phòng học (hiện có 3.455), thiếu 644 phòng.
Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, hiện số phòng học lớp 1 đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày là 95%. Chuẩn bị chương trình mới với khối lớp tiếp theo cần xây dựng 428 phòng học, nâng cấp, sửa chữa 1.724 phòng học cấp 4; 57 phòng giáo dục thể chất; 119 phòng giáo dục nghệ thuật; 30 thư viện và 150 phòng thiết bị.
Qua kiểm kê, rà soát chỉ sử dụng được 15% số thiết bị cũ… Tại tỉnh Bạc Liêu, để đáp ứng cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT mới, cần khoảng 1.800 tỷ đồng, trong đó, cần đầu tư xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học, đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện cấp tiểu học, THCS và THPT giai đoạn 2021 - 2025.
Chung tay gỡ khó
Trước khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT mới, tỉnh Sóc Trăng đang triển khai các giải pháp.
Trước hết, theo lộ trình Chương trình GDPT mới, xác định đối tượng, số lượng giáo viên cần bồi dưỡng từng năm;
Liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đề xuất nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng các môn học theo Chương trình mới…
Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tỉnh thực hiện nghiêm túc việc sàng lọc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; Xây dựng và thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Tiếp tục quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp tiểu học, điều chỉnh địa điểm và diện tích các trường tiểu học phù hợp với yêu cầu phát triển quy mô học sinh….
Nhằm có đủ số phòng học cho lớp 1 năm học 2020 - 2021 và các lớp tiếp theo theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu đang sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; Thực hiện dồn dịch điểm trường và các trường có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo thành những điểm trường, trường có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố, đủ các hạng mục. UBND tỉnh Bạc Liêu đã bố trí kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học với số tiền hơn 20,5 tỷ đồng...
Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cho biết: Tỉnh rà soát, điều chỉnh lực lượng giáo viên cốt cán rải đều ở các môn học, hoạt động giáo dục để có đủ giáo viên cốt cán cho tất cả môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình mới; Hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp quy định; Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, sáp nhập các trường, điểm lẻ có quy mô nhỏ.
Với điểm lẻ chỉ tổ chức dạy lớp 1, 2, có phương án hợp lý khi đưa học sinh lớp 3, 4, 5 về điểm trung tâm. Sở Nội vụ phối hợp Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ đề xuất UBND tỉnh tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên khoa học, hiệu quả, phù hợp theo định mức; Ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho môn học mới (Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học và Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT)…
Bài 1: Bắt nhịp chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6: Bài học quý báu từ thực tế