Triển khai Chương trình mới trong dịch Covid-19: Nỗ lực để trò không học “chay”

GD&TĐ - Ngành giáo dục đang triển khai CTGDPT 2018 trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19. Do đó các nhà trường phải chủ động, linh hoạt trong dạy và học để không ảnh hưởng khi bài toán thiếu thiết bị chưa được tháo gỡ.

Nhiều trường học vẫn khó khăn về thiết bị dạy học.
Nhiều trường học vẫn khó khăn về thiết bị dạy học.

Khó khăn thiết bị dạy học

Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách- Hải Dương) cho biết: Trường có tổng số 425 học sinh,12 lớp. Bước vào năm học trường đã rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, từng bước bổ sung, tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Hiện nay trường đã nâng cấp được hệ thống internet, bổ sung thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, tivi, màn ảnh rộng... phục vụ việc học trên lớp.

Tuy nhiên một số tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình và giảng dạy các môn học của giáo viên (GV) còn hạn chế. Sách tham khảo, sách thiết kế bài giảng GV chưa phong phú; đồ dùng giảng dạy các môn học còn thiếu... Điều này gây khó khăn ít nhiều trong việc nâng cao chất lượng dạy học.

Cô Phạm Quỳnh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Hưng (Đông Hưng, Thái Bình) cũng chia sẻ: Học sinh (HS) cơ bản có đủ phương tiện hỗ trợ học tập (nếu phải học trực tuyến) song vẫn còn một số HS gia đình khó khăn, nhà trường phải tổ chức huy động hỗ trợ của các tập thể, cá nhân để quyên góp.

Điều GV và HS nhà trường mong muốn là được tiếp tục quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho (Chương trình Giáo dục phổ thông) CTGDPT 2018.

Đảm bảo SGK, trang thiết bị dạy học giúp cho việc dạy và học thêm hiệu quả
Đảm bảo SGK, trang thiết bị dạy học giúp cho việc dạy và học thêm hiệu quả

Tại Trường PTDTB THCS Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng) 100% SGK cho HS đã về đủ song thiết bị dạy học cho năm học mới (máy tính, máy chiếu) chưa được trang cấp.

Theo thầy Quan Văn Thương, Hiệu trưởng: Trường có 231HS/8 lớp nhưng chỉ có 3 máy chiếu lắp cố định ở 3 phòng chức năng. Do đó, lịch học tại các phòng chức năng cho các khối lớp từ 1-5 phải sắp xếp linh động, kĩ lưỡng… làm sao đảm bảo ít nhất mỗi tuần mỗi lớp có 1 lần học phòng máy.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh - Hà Giang) cũng như nhiều trường học vùng cao khác, thiết bị đồ dùng dạy học vẫn là vấn đề “nan giải” dù đã bước sang năm thứ 2 triển khai CT GDPT 2018.

“Toàn trường hơn 1000 HS, máy chiếu, máy tính, màn hình tivi  chỉ có ở điểm trường chính, 8/10 điểm trường lẻ chưa có. GV vẫn sử dụng phần lớn đồ dùng dạy học là đồ vật, tranh ảnh tự tạo để minh họa mà không qua ứng dụng trình chiếu của CNTT…”- thầy Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng trao đổi.

Linh hoạt tháo gỡ

Trong bối cảnh khó khăn chung thì sự chủ động, tháo gỡ từ các nhà trường vẫn là yếu tố quyết định để đảm bảo cho việc dạy học không chịu ảnh hưởng và đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bái) cho biết năm học này vấn đề SGK đã được tháo gỡ cơ bản, song thiết bị dạy học chưa đủ (do nhiều nguyên nhân).

Tại nhiều trường, GV vẫn phải tận dụng thiết bị, máy móc cũ của năm học trước tuy nhiên quan điểm chung là ưu tiên đối với lớp 1, 2, 6. Mặt khác, chỉ đạo các trường phát động GV làm đồ dùng dạy học để bù lấp phần nào thiết bị còn thiếu. Do đó, hiện tại về cơ bản vẫn được các trường chủ động việc dạy học trong khi đợi trang bị được cung ứng đầy đủ.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào, thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng cho biết: Tháng đầu tiên tình trạng thiếu SGK và thiết bị dạy học đã buộc nhà trường, GV phải chủ động tháo gỡ theo nhiều cách.

Một mặt trường khai thác bản mềm SGK trên mạng, mặt khác photo tạm SGK cho HS học tập. Đồ dùng dạy học của GV và HS chủ yếu khai thác học liệu điện tử...

Mặt khác, nhà trường yêu cầu GV tận dụng tối đa thiết bị dạy học cũ còn phù hợp để dạy học, GV tự làm đồ dùng dạy học để tăng cường thêm cho quá trình giảng dạy… nên cơ bản khó khăn cũng đã vượt qua.  

Ứng dụng CNTT vào dạy học giúp cho bài giảng thêm phong phú, học sinh hứng thú học tập.
Ứng dụng CNTT vào dạy học giúp cho bài giảng thêm phong phú, học sinh hứng thú học tập. 

“Đối với môn học không nhất thiết phải ứng dụng trên máy, trường sẽ ưu tiên cho những môn cần hơn. Mỗi lớp sẽ được học ít nhất 1 lần/tuần tại phòng máy. Ngoài ra kết hợp dạy học với tranh ảnh có sẵn.

Việc bố trí học linh hoạt các phòng học có đầy đủ thiết bị công nghệ… cũng được sắp xếp hợp lý…” – đó là cách khắc phục khăn về thiết bị dạy học tại Trường PTDTB THCS Cốc Pàng được thầy Quan Văn Thương trao đổi.

Thầy DươngVăn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) cho biết: Trong bối cảnh khó khăn, nhà trường tận dụng thiết bị đồ dùng dạy học năm trước còn phù hợp. Mặt khác, chỉ đạo GV minh họa cho bài giảng bằng những thiết bị, đồ dùng… gần gũi nhất, không nhất thiết lệ thuộc vào SGK về độ giống.

Đặc biệt, yêu cầu GV phát huy tính vùng miền trong ứng dụng đồ dùng dạy học giúp HS dễ hiểu, dễ hình dung từ học liệu quen thuộc có sẵn tại địa phương, tránh quá bám sát, cứng nhắc khi ứng dụng, minh họa các thiết bị đồ dùng dạy học.

Ngoài ra nhà trường còn huy động GV mỗi năm phải làm ít nhất 2 đồ dùng dạy học từ các nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương để ứng dụng, minh họa trong quá trình dạy học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.