TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học

GD&TĐ -Ngày 29/11, được sự phân công của Thường trực UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học.

TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học

Tại hội nghị, đại diện Phòng GD Tiểu học đã giới thiệu chung về chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT) và sự chuẩn bị của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Được biết, hiện TP đang tích cực chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GD thực hiện CTGDPT  2018. Theo đó, số lượng giáo viên toàn TP hiện có 21.508 (trong đó công lập là 19.775). Tỷ lệ giáo viên tiểu học /lớp là 1,3 hiện chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi. Số lượng giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đạt 83%. Số học sinh toàn TP là 653.789 em.

Về bồi dưỡng giáo viên, Sở phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HM bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán để chuẩn bị công tác triển khai đại trà cho tất cả giáo viên toàn thành phố dự. Đảm bảo 100% giáo viên, cán bộ quản lý được tập huấn, bồi dưỡng và hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT khi bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK GDPT 2018.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức phát biểu tại hội nghị
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức phát biểu tại hội nghị

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều đại biểu cho biết, do tốc độ dân số cơ học tăng nhanh, tập trung ở một số quận huyện như Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân, quận 12, quận 7…nên  một số quân, huyện hiện gặp khó khăn về tổ chức dạy học 2 buổi/ngày bởi quy mô về phòng học, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu.  Ngoài ra, các quận, huyện thiếu rất nhiều giáo viên các môn chuyên như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12  chia sẻ, năm học tới, dự kiến có 10.800 học sinh vào lớp 1, để đảm bảo yêu cầu 35 học sinh/lớp và học 2 buổi/ngày cho số học sinh này, quận cần 311 phòng học. Tuy nhiên, quận hiện chỉ có 122 phòng, cần bổ sung 189 phòng. Dù quận đã được phê duyệt 5 dự án trường học nhưng đến năm 2020 chưa thể đưa vào sử dụng.  

Hiện nay, toàn quận tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 20,2%. Về đội ngũ, năm học 2019-2020, địa phương đang gặp khó khăn về tuyển dụng giáo viên Tin học và tiếng Anh. Đơn cử như năm học này, chỉ có 3 ứng viên trúng tuyển trên chỉ tiêu 11 giáo viên tiếng Anh cần tuyển, nhưng một giáo viên không nhận nhiệm sở.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 12 phát biểu
 Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 12 phát biểu

Ông Hùng nêu lên hai phương án để tháo gỡ khó khăn khi năm học 2020-2021 thực hiện chương trình GDPT 2018 với lớp 1 là: phường nào đủ số phòng học sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, 35 em/lớp, nếu có thể nâng cao thêm số học sinh trên lớp từ 45-50 nhưng  các em được học 2 buổi/ngày. Hai là, ở nơi không tổ chức được 2 buổi/ngày không đủ phòng, sẽ tổ chức học 6 buổi/tuần. Những em này sẽ thiệt thòi do thiếu một số môn, do chỉ đảm bảo yêu cầu tối thiểu.

Tương tự, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh cho biết, địa phương hiện có 10.418 học sinh lớp 1, tổ chức thành 286 lớp. Tỷ lệ bình quân giữa các xã mới đạt mức 182 phòng học/10.000 dân, trong đó một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên một số môn như tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc năm nào cũng có nhu cầu tuyển dụng nhưng thiếu ứng viên đăng ký.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP cho biết, thời điểm hiện tại công tác rà soát cơ sở vật chất và tập huấn giáo viên cốt cán cơ bản đã hoàn thành. Hiện nay, toàn TP đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân, tuy nhiên không đồng đều giữa các quận, huyện. Vẫn còn một số quận, huyện có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp. Đây là thách thức lớn đặt ra cho các quận, huyện khi triển khai chương trình GDPT 2018 với yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.