Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Bài toán về thiết bị dạy học

GD&TĐ - Năm học 2020- 2021 triển khai chương trình GD phổ thông mới với lớp 1, nhà trường trên khắp cả nước đang quan tâm đến thiết bị dạy học (TBDH) để triển khai chương trình, SGK mới. Bộ GD&ĐT cũng sắp ban hành danh mục TBDH tối thiểu lớp 2 và lớp 6. Bài toán về TBDH tiếp tục được đặt ra với các địa phương.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Bài toán về thiết bị dạy học

Địa phương cần thêm cơ chế để chủ động trong đầu tư TBDH

Trên cơ sở thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản về TBDH. Tại Hội thảo góp ý các dự thảo thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 (28/9/2020), trao đổi với đại diện hơn 30 Sở GD&ĐT của các địa phương (từ Thừa Thiên Huế trở ra miền Bắc), Ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất) cho biết: “Theo dõi việc thực hiện các Thông tư thời gian vừa qua, chúng tôi thấy nhiều địa phương chưa hiểu kỹ các văn bản của Bộ, nên khó khăn trong công tác lập kế hoạch và tham mưu trong mua sắm thiết bị”.

Học sinh Trường Tiểu học Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đầu năm học 2020- 2021. Ảnh: An Nhiên
Học sinh Trường Tiểu học Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đầu năm học 2020- 2021. Ảnh: An Nhiên

“Khi Thông tư 05 được ban hành chỉ thay thế phần thiết bị tiểu học lớp 1 trong Thông tư 15, còn thiết bị từ lớp 2 trở lên vẫn sử dụng theo chương trình cũ. Một bài toán đặt ra là nếu mua sắm thiết theo chương trình cũ, theo Thông tư 15 thì nhà trường mua những gì để sau này danh mục mới của các lớp 2, 3, 4, 5 ban hành, thiết bị đã mua không bị bỏ đi. Đây là vấn đề các địa phương vẫn đang lúng túng. Bộ cũng cần có thêm hướng dẫn. Tương tự, đối với cấp THCS cũng phải mua sắm bổ sung để dạy theo chương trình lớp 6 mới”- Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất phân tích.

“Theo quan điểm của tôi, những thiết bị bổ sung cho các lớp đang thực hiện theo Thông tư 15, Thông tư 19, Thông tư 01, chỉ nên mua sắm khi thấy thật sự cần thiết ở những thiết bị thực hành của HS theo chương trình cũ. Không nên mua sắm mới toàn bộ thiết bị”- ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội) chỉ ra: Ngoài danh mục thiết bị tối thiểu cần có một hướng dẫn về thiết bị nâng cao. Nhất là cả tiểu học và THCS đang triển khai STEM, nhân cơ hội mua sắm TB cho chương trình GD phổ thông mới có thể đầu tư mua sắm để triển khai tốt hơn. GD địa phương cần cơ chế, để những đơn vị nào có điều kiện có thể chủ động. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Quang “nếu để mua sắm tập trung sẽ rất khó, chậm”, do đó nên đề cao tính chủ động của các đơn vị.

Về điều kiện cho tiểu học, theo ông Quang, Tiểu học yêu cầu học 2 buổi/ngày, nhưng đất cho trường học đang thiếu. “Ở Hà Nội, xa trung tâm như huyện Ba Vì vẫn nhiều trường sĩ số 35 HS/lớp, huyện Chương Mỹ bình quân 44 HS/lớp. Học 2 buổi/ngày nhưng đất dành cho trường học lại chỉ đủ tiêu chuẩn cho 1 buổi/ngày. Do đó, những điều kiện về đất đai và những điều kiện để tương thích, đáp ứng với yêu cầu về CSVC, phòng học bộ môn… cho Chương trình GD phổ thông mới còn khó khăn, mong rằng Cục CSVC sẽ tham mưu với các bộ, ngành để tính toán thêm những vấn đề đó”- ông Lê Ngọc Quang nói về thực tế ở Hà Nội.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Bài toán về thiết bị dạy học ảnh 2

Ông Phạm Hùng Anh chia sẻ: “Nếu thiết bị không nằm trong danh mục ở Thông tư 05, không nằm trong danh mục tối thiểu được ban hành thì mong muốn, thuyết phục UBND cấp tỉnh mua sắm rất khó. Với Thông tư 16, một số địa phương đã triển khai rồi, với lớp 1 Bộ chỉ được đưa ra danh mục thiết bị tối thiểu, không thể xác định được yêu cầu tối đa, bởi nhu cầu cao tới mức nào phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương, từng trường học. Để nâng cao đổi mới phương pháp dạy học chúng ta không thể xác định được tối đa thiết bị cần là bao nhiêu. Do vậy, ở Thông tư 16 đã có một “độ mở”, đó là đối với danh mục ngoài danh mục thiết bị tối thiểu quy định nhóm thiết bị (công nghệ thông tin, nhà ăn nhà bếp, thi kiểm tra đánh giá…), trong đó 1 thiết bị chuyên dùng. GD địa phương căn cứ vào đó để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”.

Tại sao tiếng nói của ngành GD còn “yếu ớt”?

Ông Nguyễn Xuân Trường (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc) đúc rút về vấn đề mua sắm thiết bị nâng cao cho các nhà trường: “Ở Vĩnh Phúc, tất cả việc xây dựng CSVC, mua sắm TBDH đều dựa vào các văn bản pháp luật do Bộ GD&ĐT hoặc các Bộ liên quan ban hành. Những Thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành vô cùng quan trọng, tạo thuận lợi hoặc có thể gây khó khăn cho các địa phương. Đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể về thiết bị, để làm sao địa phương chỉ mua sắm một lần và dùng được cho nhiều năm. Ban hành hướng dẫn mua sắm một lần, sau khi đã có danh mục thiết bị cho từng cấp học (tiểu học, THCS) sẽ xem xét bổ sung thêm những gì cần thiết. Nên xem xét mua sắm thiết bị cùng với ý kiến các nhà biên soạn SGK. Đề nghị Thông tư để độ mở rộng, cho các địa phương có điều kiện kinh phí trang bị nhiều hơn danh mục tối thiểu thuận lợi hơn trong mua sắm nâng cao”.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Bài toán về thiết bị dạy học ảnh 3

“Chúng tôi rất mong Bộ GD&ĐT (phụ trách chương trình, chuyên môn tổng thể); Bộ Tài chính (phụ trách chi mua sắm thiết bị, xây dựng CSVC); Bộ Nội vụ (phụ trách tuyển dụng con người cho ngành GD); Bộ Lao động; Thương binh và Xã hội (liên quan đến phân luồng…); cùng ngồi lại, để có một chỉ đạo vĩ mô chung từ trên xuống dưới, hiệu lực quản lý nhà nước được văn bản hoá, từ đó Ngành GD các địa phương tham mưu với UBND cấp tỉnh hiệu quả hơn. Nếu 4 Bộ trên thống nhất cao được với nhau từ phân luồng, CSVC, TBDH, đến vấn đề con người, chương trình chuyên môn tổng thể… thì Ngành GD địa phương dễ tham mưu với chính quyền hơn”- bà Đặng Thị Quỳnh Diệp (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) đưa ra ý kiến từ góc độ GD địa phương.

Theo bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, các địa phương có điều kiện khác nhau, trong đó, những tỉnh giàu ngân sách dư giả để chi tiêu, trong khi tỉnh điều kiện trung bình và tỉnh nghèo rất khó khăn. “Bộ GD&ĐT ban hành các danh mục TBDH tối thiểu phù hợp với các tỉnh nghèo, nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Ví dụ, nguồn tài chính dự phòng của Hà Tĩnh đã tiêu hết vì Covid-19, do đó 1 tỷ xin cấp cho GD còn khó chứ chưa nói gì đến chục tỷ, trăm tỷ, thực hiện cho đổi mới GD có khi còn cần tới nghìn tỷ... Rất mong Bộ quyết liệt phân loại yêu cầu các địa phương thực hiện theo điều kiện kinh tế trong các yêu cầu về danh mục TBDH tối thiểu. Yêu cầu hợp lý thì ngành GD sẽ tham mưu được cho chính quyền địa phương” - bà Đặng Thị Quỳnh Diệp thẳng thắn.

Thư viện Trường Tiểu học và THCS Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Ảnh: An Nhiên
Thư viện Trường Tiểu học và THCS Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Ảnh: An Nhiên

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Lê Quốc Tiến cho biết: “Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tham mưu với UBND thành phố các đề án GD. Ví dụ, đề án hỗ trợ 100% học phí cho HS từ mầm non đến THPT. Lo cho HS xong tiến hành tiếp đề án lo cho thầy cô. Thực hiện được mã định danh cho GV, bức tranh GD Hải Phòng rất rõ nét từ nay đến 2030. Từ mã định danh, ngành GD hoàn toàn có thể nắm được thầy cô nào ở trường cụ thể nào sắp về hưu, cần bổ sung GV. Từng năm đều có thể nắm được thiếu GV ở môn học nào…”.

Điều quan trọng Ngành GD Hải Phòng đã làm được đó là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, mà theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, nhờ có những con số cụ thể trong cơ sở dữ liệu ngành, khi đưa vào các đề án sẽ thuyết phục UBND thành phố thuận lợi hơn, để có những đầu tư căn cơ hơn cho ngành GD.

“Sở dĩ tiếng nói của ngành GD ở địa phương “yếu ớt” vì chúng ta không có số liệu rõ ràng, không mạch lạc được nhu cầu, chúng ta chỉ biết đi “xin” tiền mà không chỉ được ra thứ tự cần ưu tiên đầu tư. Còn nếu Ngành GD không có trong tay con số cụ thể và đưa ra ý kiến thuyết phục, có thể các quận/huyện đầu tư trường học rất hoành tráng, nhưng ngay những điều kiện để thực hiện học 2 buổi/ngày cho tiểu học cũng không thực hiện được”- ông Lê Quốc Tiến (Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng) nêu vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.