Đòi hỏi kết nối chặt chẽ
Đến thời điểm này, Trường Tiểu học - THCS Newton (Hà Nội) đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai Chương trình GDPT mới; từ nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; đội ngũ giáo viên của trường được tập huấn kĩ về chương trình, bộ sách giáo khoa được chọn, với tâm thế sẵn sàng cho năm học mới 2020 - 2021.
TS Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học - THCS Newton, chia sẻ: Chỉ nỗ lực của nhà trường là chưa đủ để triển khai thành công Chương trình GDPT mới. Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Thị Thành cho rằng, giáo dục học sinh nhằm phát triển nhân cách toàn diện là quá trình lâu dài, liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan rất nhiều đến các mối quan hệ xã hội phức tạp; bởi vậy luôn đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng xã hội, nhất là sự quan tâm đúng cách của cha mẹ cùng với môi trường giáo dục phù hợp tại trường học.
"Với quan điểm đó, chúng tôi đã tổ chức Hội thảo "Cùng con cất cánh tương lai – phối hợp giữa gia đình và nhà trường thực hiện Chương trình GDPT mới" với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình và đông đảo phụ huynh, cán bộ, giáo viên nhà trường. Qua hội thảo, phụ huynh không chỉ hiểu hơn về Chương trình mới, kế hoạch của nhà trường, mà còn biết rõ nên và phải làm gì để cùng đồng hành với nhà trường trong giáo dục học sinh trong bối cảnh mới" – TS Nguyễn Thị Thành cho biết.
"Chúng tôi đặc biệt coi trọng chất lượng của mối quan hệ; đặc biệt là phối hợp giữa nhà trường và gia đình" – khẳng định điều này, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học Newsun (Hà Nội), cho biết: Trong bối cảnh thực hiện Chương trình mới, nhà trường sẽ thực hiện các kênh tương tác để phụ huynh thấu hiểu mục tiêu giáo dục mới, phương pháp của nhà trường để hiện thực hóa mục tiêu. Đồng thời, xây dựng chương trình phối hợp giữa gia đình và nhà trường để tạo dựng môi trường giáo dục tối ưu cho học sinh.
Để phối hợp tốt với nhà trường, lời khuyên của ông Nguyễn Hồng Lĩnh là phụ huynh cần tìm hiểu kỹ các mục tiêu giáo dục được quy định trong Chương trình GDPT mới của Bộ GD&ĐT và các mục tiêu giáo dục của nhà trường...
Cũng đặc biệt coi trọng công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết: Mục tiêu đổi mới giáo dục là chuyển một nền giáo dục nặng về cung cấp kiến thức, sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của một công dân. Nếu như chương trình hiện hành chủ yếu trả lời cho câu hỏi "Học xong chương trình này, học sinh biết được những gì?", thì Chương trình mới trả lời cho câu hỏi "Học xong chương trình này học sinh sẽ làm được những việc gì?".
Từ đó, theo GS Nguyễn Minh thuyết, giáo viên không cần phải bám sát từng chữ trong sách giáo khoa, mà cần dạy như thế nào để học sinh sau khi học xong nội dung nào thì phải biết làm; khi ra đề kiểm tra cũng bám theo mục đích như vậy. Tương tự, phụ huynh khi dạy con cũng chú ý dạy cách làm, cách thực hành.
Gia đình rất quan trọng
Chương trình GDPT mới đưa ra 5 phẩm chất chính là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực cốt lõi được Chương trình chú trọng hình thành, phát triển cho học sinh bao gồm những năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; những năng lực đặc thù như ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học… Để hình thành các phẩm chất, năng lực nói trên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, vai trò của gia đình ngày càng trở nên quan trọng.
"Chương trình GDPT mới theo tiếp cận phát triển năng lực đã chuyển trọng tâm sang dạy người (giáo dục phẩm chất và năng lực). Điều này đòi hỏi sự liên kết lớn nhất trong tổng hòa các mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội. Việc dạy người phải được củng cố một cách nhất quán trong các môi trường sống của trẻ đầu tiên là gia đình, thứ đến là nhà trường, khu phố, bối cảnh xã hội, môi trường…" – PGS Trần Thành Nam cho hay.
PGS Trần Thành Nam cũng cho rằng, cha mẹ chính là những cánh tay nối dài của giáo viên để có thể tạo ra môi trường giáo dục nhất quán với nhà trường, đưa ra các kỳ vọng và trông đợi phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình dạy học, và điều kiện cho học sinh thực hành những kiến thức trường lớp trong cuộc sống thường nhật. Liên quan đến kiểm tra đánh giá, tiếp cận phát triển năng lực cũng như đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, không chỉ còn đánh giá định lượng bằng điểm số từ 1 nguồn duy nhất là giáo viên. Công tác đánh giá năng lực người học phải thêm nhiều hình thức định tính từ những người gần gũi và có cơ hội quan sát người học. Cha mẹ chính là một trong những nguồn đánh giá quan trọng nhất.
Hơn nữa, so với giáo viên, cha mẹ vẫn là người có cam kết trách nhiệm lớn nhất với con, là nhà đầu tư lớn nhất cho đứa con mình. So sánh trong cả cuộc đời có nhiều thời gian gắn bó và bên con nhất, vì vậy họ có vai trò quan trọng nhất đối với trẻ. Trong việc giáo dục năng lực và phẩm chất toàn diện cho con, họ có khả năng hỗ trợ cho sự thay đổi lâu dài và nhất quán. Can thiệp và đưa ra phản hồi ngay lập tức khi con hành động chưa đúng để điều chỉnh hành vi. Chính vì vậy, trên thế giới, rất nhiều trường đã đưa ra hình thức xử lý những hành vi vi phạm nội quy của học sinh (như đánh nhau) thì cha mẹ sẽ là người liên đới chịu trách nhiệm, phải tham gia những khóa huấn luyện bắt buộc về kỹ năng làm cha mẹ để thống nhất về kỹ năng giáo dục hành vi cho con.
"Với triết lý giáo dục của Chương trình GDPT mới, việc hình thành nên các năng lực phẩm chất của người học không chỉ thông qua hoạt động dạy học các môn học trên lớp, mà còn qua các hoạt động lao động sản xuất, tập thể, văn hóa, thể dục, thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí; thông qua vai trò nêu gương của cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè và những câu chuyện tấm gương được rút ra từ sách vở, từ lịch sử, từ cuộc sống, hay qua di sản văn hóa. Hệ sinh thái giáo dục này rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các thành tố gia đình – nhà trường và xã hội". - PGS Trần Thành Nam