Robot Việt: Sân chơi sáng tạo cho các nhà sáng chế robot nhí

GD&TĐ - Cuộc thi Robot Việt năm 2018 thu hút hơn 100 học sinh tiểu học, THCS tham gia sân chơi sáng tạo lắp ráp, lập trình robot. Đặc biệt, có sự tham gia tranh tài của hơn 30 thí sinh đến từ các trường tiểu học ở tỉnh Thừa Thiên Huế tại sân chơi sáng tạo robot mùa đầu tiên.

Cái bắt đầy thân thiện của hai thí sinh nữ trước khi bước vào cuộc đấu robot sumo
Cái bắt đầy thân thiện của hai thí sinh nữ trước khi bước vào cuộc đấu robot sumo

Vừa qua, tại trường tiểu học An Bình (Q.2, TPHCM), Thành đoàn TPHCM phối hợp với công ty Robot Việt tổ chức cuộc thi Robotacon dành cho học sinh tiểu học và THCS.

Theo ban tổ chức, các thí sinh dự thi được chia làm các bảng thi: Bảng A1 (Học sinh lớp 1, 2, 3), Bảng A2 – Sumo 1 (Học sinh lớp 1, 2, 3) và Sumo 2 (Học sinh 4, 5), Bảng A3: Đá bóng, Bảng A4 – Bò cạp chích bóng (Học sinh THCS) Bảng A5: Lập trình, Bảng A6: Sáng tạo…

Nhiều thí sinh nữ rất sáng tạo và lập trình làm những sản phẩm tự động hóa, các con robot có khả năng di chuyển, “tác chiến” khi thi đấu đối kháng . Các em học sinh nữ đã phát huy những thế mạnh của mình như sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay để lập nên những mô hình sáng tạo khi tham dự các phần thi.

Phần thi lắp ráp robot rùa kéo dài 30 phút nhưng em Lương Nguyễn Hà Vy, học sinh lớp 2, trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q. Tân Bình) chỉ mất 13 phút để hoàn thiện chú robot rùa của mình. Cô học trò này trở thành người hoàn thành phần thi đầu tiên tại bảng thi đấu lắp robot rùa. Vy chia sẻ, đã có thời gian làm thử trước đó tại trường và ở nhà.

“Em rất thích lắp ráp những con robot và ngắm nhìn chúng mỗi khi làm xong. Em còn có thể lắp ráp robot hình con chó, bọ cạp nữa. Trước khi làm con vật nào, em đều suy nghĩ và hình dung hình dáng trước khi thực hiện để khi lắp ráp mình không bị bối rối”- Vy kể.

Vy nói thêm, sau này em sẽ tìm hiểu để có thể tự làm những sản phẩm robot có thể cử động, phát tiếng kêu được.

Một điều đặc biệt, cuộc thi này thu hút hơn 30 học sinh các trường tiểu học tại Thừa Thiên Huế tham gia tranh tài với các bạn học sinh tại TPHCM. Nhiều bạn học sinh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo ra những mô hình tự động hóa giải quyết các vấn đề về môi trường như: robot dọn rác tự động, nhà điều hòa thời tiết ngoài không gian, nhà máy xử lý rác thông minh…

Theo bà Trần Ngọc Hiền Thi, giám đốc Robot Việt, sân chơi mở ra nhằm mục tiêu lan tỏa phương pháp giáo dục STEM đang được mọi người quan tâm. Để thực hiện được mục tiêu này, đơn vị đã hợp tác với các trường học, sở ngành, các bậc phụ huynh,…để mô hình giáo dục sáng tạo đến với đông đảo học sinh hơn.

Hai bạn học sinh trường tiểu học Dạ Lê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, đang tỉ mỉ lắp ghép những chi tiết đầu tiên cho thiết kế “robot dọn rác tự động”.
  Hai bạn học sinh trường tiểu học Dạ Lê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, đang tỉ mỉ lắp ghép những chi tiết đầu tiên cho thiết kế “robot dọn rác tự động”.
Trong khi các bạn nam còn đang loay hoay lắp ráp, thì Trần Bảo Diệp, học sinh lớp 1 trường tiểu học An Bình, Q.2, TPHCM đã lắp ráp xong chú robot rùa của mình.
Trong khi các bạn nam còn đang loay hoay lắp ráp, thì Trần Bảo Diệp, học sinh lớp 1 trường tiểu học An Bình, Q.2, TPHCM đã lắp ráp xong chú robot rùa của mình. 
Các thí sinh đang chuẩn bị phần thi robot đá bóng.
Các thí sinh đang chuẩn bị phần thi robot đá bóng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ