Những ý tưởng sáng tạo của học trò vùng cao

Những ý tưởng sáng tạo của học trò vùng cao

Biến rác thải nhựa thành mô hình

Cùng chung tay phòng, chống rác thải nhựa, Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) đã phát động học sinh toàn trường thi ý tưởng sáng tạo với chủ đề “Chống rác thải nhựa, gắn liền với giáo dục STEM” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trường THPT số 3 Bảo Yên đóng tại bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), là nơi học tập của trên 90% học sinh dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Dao.

Nội dung phát động khá sinh động và hấp dẫn với việc tổ chức cuộc thi chế tạo đồ dùng dạy - học; sản phẩm trang trí trường, lớp từ việc tận dụng chai nhựa và vỏ lon tới tất cả các lớp. Với những ý tưởng sáng tạo, học sinh các lớp đã tạo ra nhiều sản phẩm đồ dùng trang trí lớp học đẹp như lọ hoa, giỏ hoa, hộp bút; các sản phẩm phục vụ đời sống, đồ chơi tái chế như cốc uống nước, đèn học, lợn nhựa, máy gieo hạt… Đặc biệt, học sinh biết sử dụng kiến thức chế tạo ra sản phẩm, đồ dùng dạy học như vật cân bằng, thuyền nhựa chạy bằng động cơ, đồng hồ cát... Đoàn Thanh niên nhà trường đã trao giải cho các chi đoàn có sản phẩm đẹp, độc đáo, sáng tạo.

Em học sinh Hoàng Văn Miền (dân tộc Tày, cầm mic) thuyết trình về sản phẩm chế tác từ rác thải nhựa của lớp 11A1. Ảnh: T.G
Em học sinh Hoàng Văn Miền (dân tộc Tày, cầm mic) thuyết trình về sản phẩm chế tác từ rác thải nhựa của lớp 11A1. Ảnh: T.G 

Thầy giáo Bùi Văn Hiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Song song với việc thiết kế các sản phẩm từ rác thải nhựa, nhà trường còn tổ chức “Tuyên truyền tác hại rác thải nhựa” tới cán bộ giáo viên và các em học sinh về tác hại của ô nhiễm môi trường và đặc biệt là ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra”.

Thông qua những ý tưởng sáng tạo, nhà trường kêu gọi toàn thể học sinh và giáo viên trong trường hãy cùng nhau tự giác vệ sinh môi trường và chống rác thải nhựa để từng bước tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilong, sản phẩm nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Các mô hình sáng tạo từ rác thải được học sinh các lớp trưng bày dự thi.
 Các mô hình sáng tạo từ rác thải được học sinh các lớp trưng bày dự thi.

Cùng với những mô hình dự thi, Đoàn Thanh niên nhà trường còn tổ chức “Ra quân dọn vệ sinh” tuyến đường từ Trường THPT số 3 Bảo Yên đến hết khu vực chợ Nghĩa Đô và khu vực trong chợ trung tâm xã Nghĩa Đô. Buổi ra quân đã thu gom và xử lý được khoảng 1 tấn rác thải nhựa. Thầy giáo Đặng Văn Hùng - Bí thư Đoàn trường chia sẻ: “Hoạt động thiết thực, ý nghĩa này góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống”.

Trồng rau trong bầu

Ý tưởng trồng rau trong bầu được thầy và trò Trường PTDTNT THCS&THPT Si Ma Cai (Lào Cai) thực hiện trong hai năm gần đây và mang lại hiệu quả trong nhà trường nội trú. Trường PTDTNT THCS&THPT Si Ma Cai (Lào Cai) có địa chỉ tại thôn Phố Mới, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, nơi đây từ lâu được xem là vùng đất xa xôi, khí hậu khắc nghiệt và khan hiếm nước sạch vào mùa khô. Vì thế, Si Ma Cai được gọi là vùng “đất khát”. Trường PTDTNT THCS&THPT Si Ma Cai là nơi học tập, rèn luyện của con em đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày... Hiện nay trường có 490 học sinh ở nội trú.

Xuất phát từ điều kiện thực tế, nhằm đưa học sinh vào các hoạt động trải nghiệm phù hợp với đặc thù gắn với các mô hình “trường học nông trại”, “trường học gắn với thực tiễn”, trong hai năm học gần đây, Trường PTDTNT THCS&THPT Si Ma Cai đã tổ chức cho học sinh trồng rau xanh trong bầu. Thầy giáo Cao Xuân Lâm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trồng rau xanh là mô hình khá phổ biến ở các trường dân tộc nội trú, bán trú nhưng ở Trường PTDTNT THCS&THPT Si Ma Cai do đặc thù diện tích đất trải bê tông nhiều nên không có đất để trồng rau.

Nhiều sản phẩm hữu ích được chế tác từ rác thải nhựa .Ảnh: T.G
Nhiều sản phẩm hữu ích được chế tác từ rác thải nhựa .Ảnh: T.G

Ý tưởng này được triển khai trong toàn trường, được giáo viên, học sinh hưởng ứng tham gia. Mỗi em sẽ được giao trồng, chăm sóc từ 5 - 10 bầu rau. Các bầu rau được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong khuôn viên trường. Có thể đặt ở các hành lang, rìa sân, sau dãy lớp học, hai bên lối đi để tận dụng tối đa diện tích không gian.

Hằng ngày, sau giờ học trên lớp, giờ tự học, học sinh các lớp thi đua trồng, chăm sóc các loại rau như bắp cải, su hào, cà chua, súp lơ, hành... Bầu rau của em nào, em đó tự trồng và chăm sóc. Sản phẩm của các bầu rau được tập hợp để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của học sinh nhà trường. Đây là nguồn rau xanh bảo đảm chất lượng để cải thiện bữa ăn. Hiện nay, học sinh toàn trường trồng được gần 2.000 bầu rau. Các bầu rau được xếp theo hàng rất đẹp mắt, tạo cho khuôn viên trường không gian thoáng mát, xanh - sạch - đẹp và thân thiện.

“Mô hình trồng rau trong bầu ở Trường PTDTNT THCS&THPT Si Ma Cai đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục trải nghiệm gắn với đặc thù vùng miền. Ngoài nguồn rau xanh phục vụ cho các bữa ăn, học sinh nhà trường có điều kiện để trải nghiệm về công việc gắn với đời sống nông nghiệp”, thầy giáo Cao Xuân Lâm chia sẻ. Qua mô hình trồng rau trong bầu, thầy cô giáo nhà trường khuyến khích học sinh luôn có ý thức tìm tòi, sáng tạo trong học tập cũng như trong thực tiễn cuộc sống để có được những thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.