Lính quân y 8X trên đảo Phan Vinh

GD&TĐ - Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa bốn bề dữ dội những con sóng, là một trong những đảo vừa có thời tiết khắc nghiệt, vừa khó neo đậu tàu tàu thuyền ra vào.

Lính quân y 8X trên đảo Phan Vinh

Những người lính quân y trẻ trên đảo không những vững tay nghề mà luôn tận tâm, vững vàng cùng đồng đội vượt qua khó khăn, xây dựng đảo ngày càng tươi đẹp.

Kíp quân y đảo Phan Vinh, huyện Trường Sa hiện nay có 4 anh em, là những y bác sĩ có tuổi đời rất trẻ, trong đó có 1 bác sĩ, các y sĩ nội, ngoại, gây mê có độ tuổi từ 34 - 37 tuổi đến từ Viện Quân y 7 - Quân khu 3.

Đại úy, thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Dũng sinh năm 1982, là bác sĩ trẻ được nhận nhiệm vụ bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh; Trung úy, y sĩ ngoại khoa Tô văn Hùng, sinh năm 1980, quê Hưng Yên; Trung úy, y sĩ nội khoa Phạm Đức Phú, sinh năm 1983, quê Hải Dương, Trung úy, y sĩ gây mê Chu Văn Thoan, sinh năm 1980, quê Hưng Yên.

Năm 2016 và đầu năm 2017, kíp quân y đã khám bệnh, cấp phát thuốc điều trị cho hơn 300 lượt bệnh nhân, trong đó có 31 lượt ngư dân đánh bắt hải sản trên quần đảo Trường Sa; đã cấp cứu 24 trường hợp, phẫu thuật 33 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp là ngư dân.

Những ca bệnh nhân cấp cứu và điều trị điển hình: Bệnh nhân Phạm Vinh Trọn sinh năm 1988 tại Bình Định trên tàu BĐ 96458TS được chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa, được mổ cấp cứu tại bệnh xá quân y đảo Phan Vinh, sau 10 ngày điều trị ổn định, bệnh nhân đã được chuyển vào đất liền;

Bệnh nhân Trần Quang Minh (sinh năm 1979 tại Bình Định, trên tàu BĐ 96815TS) được chẩn đoán chấn thương sọ não kín, vết thương phần mềm vùng trán trái, đuôi mắt trái do tai nạn lao động, được đưa vào trạm xá đảo trong tình trạng hoảng hốt, lo sợ, vết thương chảy nhiều máu, bệnh nhân đã được phẫu thuật cầm máu, khâu vết thương, hồi sức tích cực, sau 7 ngày đã được hồi phục, sức khỏe ổn định.

Bệnh nhân Trương Thanh Điệp, sinh năm 1973 tại Bình Định trên tàu 97886TS được chẩn đoán viêm tủy ngang cấp. Bệnh nhân được điều trị qua giai đoạn ổn định đe dọa shock, sau đó được chuyển vào đất liền để tiếp tục điều trị.

Kíp quân y luôn bảo đảm sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ trên đảo, đạt tỉ lệ quân số khỏe gần 100%, phòng chống dịch bệnh tốt, không để xảy ra dịch bệnh; Khám chữa bệnh kịp thời cho ngư dân đánh bắt xa bờ của các tỉnh tại ngư trường Trường Sa đến đảo.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy, thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Dũng, bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh tâm sự: Lần đầu tiên kíp quân y được nhận nhiệm vụ nơi đảo xa, lúc mới ra đảo anh em rất lo lắng. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, được chỉ huy đảo và đồng đội phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi, anh em đã vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Anh em kíp quân y hạnh phúc khi được chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ trên đảo và khám chữa bệnh, thực hiện thành công những ca phẫu thuật, giúp ngư dân được chữa trị kịp thời, sớm trở về ngư trường.

Thượng tá Ngô Đình Xuyên, chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh cho biết: Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đang ngày đêm chắc tay súng, vượt qua khó khăn bảo vệ hòn đảo mang tên người Anh hùng huyền thoại Nguyễn Phan Vinh.

Nói về trạm xá đảo, anh cho biết: Kíp quân y tuy có tuổi đời rất trẻ nhưng rất tận tâm trong công việc, chủ động phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, có tay nghề vững, đã xử lý tốt nhiều ca khó và không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, tay nghề.

Đồng thời với nhiệm vụ chuyên môn, các y bác sĩ đã tham gia huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ thường xuyên; tham mưu chỉ huy các biện pháp và tổ chức thực hiện bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp…

Đảo Phan Vinh trong cụm đảo khu vực 3, là hòn đảo mang tên người Anh hùng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh trên tàu “không số” đã hy sinh anh dũng tại Hòn Hèo, xã Ninh Vân, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng và tâm huyết với nghề, những chiến sĩ quân y trạm xá đảo Phan Vinh và mỗi cán bộ, chiến sĩ công tác nơi đây đều vinh dự và tự hào được đóng góp công sức xây dựng đảo Phan Vinh ngày càng tươi đẹp trên quần đảo Trường Sa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ