Không học khối C, vẫn yêu môn Sử

GD&TĐ - Đã quyết định lựa chọn môn thi tốt nghiệp gần với khối thi ĐH, nhưng không ít học sinh vẫn dành sự quan tâm, tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức với môn Lịch sử. 

Coi trọng lịch sử không có nghĩa phải chạy theo dư luận xã hội
Coi trọng lịch sử không có nghĩa phải chạy theo dư luận xã hội

Bên cạnh lý do cần học toàn diện để có điểm tổng kết cao trong xét tốt nghiệp, học sinh còn nhận thức rõ cần hiểu biết lịch sử để bồi đắp tình yêu quê hương, tự hào về dân tộc.

Bùi Hải Yến - Lớp 12A1 Trường THPT chuyên Thái Bình, chọn thi ĐH khối A

Dù em học chuyên Hóa và dự định thi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với 3 môn chính là Toán - Lý - Hóa, nhưng trong suốt quá trình học, ngay từ hồi lớp 10, em rất thích học môn Lịch sử.

 Lớp 12 năm nay, mặc dù đã định hướng các môn thi rõ ràng để phục vụ cho thi tốt nghiệp và thi đại học, em vẫn không thể coi nhẹ môn Lịch sử vì em muốn có được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi khi ra trường với điểm tổng kết môn Lịch sử không dưới 6,5.

Xu hướng của giới trẻ hiện nay đều thích học và làm trong môi trường năng động, được trải nghiệm, được giao lưu nên đa số các bạn đều chọn thi khối A hoặc khối D nên hầu hết các bạn đã định hướng ngay từ đầu cấp. Nhất là ở các trường chuyên, đã có định hướng từ khi thí sinh đăng ký thi.

Nhưng không vì thế mà các lớp chuyên tự nhiên lơ là môn xã hội và đặc biệt là môn Sử. Chúng em luôn muốn hiểu về quá khứ để khơi lên lòng tự hào dân tộc hôm nay.

Đào Văn Khế - Lớp 12A7 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên), chọn thi ĐH khối A

Với em, môn Lịch sử quan trọng như bao môn học khác. Chính vì vậy, môn Sử vẫn nằm trong kế hoạch học tập của em trong giai đoạn này. Bởi điểm tổng kết môn Sử ảnh hưởng trực tiếp đến bảng điểm trung bình của em trong lớp 12 và quá trình xét kết quả tốt nghiệp.

Hiện hàng ngày em dành một khoảng thời gian nhất định để đọc sách giáo khoa, xem ti vi, truy cập Internet và tham khảo các tài liệu khác liên quan đến Lịch sử, nhằm bổ sung kiến thức cho môn học này.

Em được biết, ở lớp hầu hết các bạn đều thi đại học theo khối A, B và D nên rất ít bạn lựa chọn môn Sử để thi tốt nghiệp, nhưng em thấy các bạn vẫn rất ý thức trong việc học môn Lịch sử. Không ai có ý xem nhẹ hoặc là lơ là chủ quan.

Mới đây, thầy cô giới thiệu một quyển sách tham khảo về môn Lịch sử, cả lớp chúng em đã in sao lại để làm tài liệu tham khảo.

Hoàng Nữ Thanh Thảo - Lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu), chọn thi ĐH khối A

Em có thể tự hào khẳng định, giờ Lịch sử luôn là giờ học được em và các bạn trong lớp hào hứng đón đợi và ngược lại, chúng em cũng được thầy - cô giáo dạy Lịch sử yêu mến.

Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng chúng em cũng ý thức được rằng hiểu biết về quá khứ dân tộc quan trọng vô cùng. Có lẽ, điều đó cộng với cách dạy hấp dẫn của thầy, những câu chuyện lịch sử thầy kể trong mỗi giờ học khiến lớp chúng em rất yêu môn Sử, dù không chọn để thi tốt nghiệp.

Tại trường, mặc dù ít điều kiện nhưng trong mọi khả năng có thể, các thầy cô đã cho chúng em tham quan những di tích lịch sử của quê hương như địa đạo Kim Long, địa đạo Củ Chi, núi Minh Đạm, tượng đài chiến thắng Bình Giã, tượng đài chiến thắng Tầm Bó...

Bí quyết của HS đoạt giải Quốc gia môn Lịch sử năm 2013

Hoàng Văn Chung (Dân tộc Dao) - HS Trường PTDT Nội trú cấp 2, 3 Yên Minh (Hà Giang) - giải 3 môn Lịch sử kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2013

Kinh nghiệm của em là phải đọc lướt qua hết nội dung trong cuốn sách, sau đó đọc kĩ từng bài. Để nhớ lâu, không nên học một lúc quá nhiều mà cần có thời gian để ngấm dần.

Hoàng Thị Khương (Dân tộc Giáy) - HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn- (Lai Châu) – Giải khuyến khích môn Sử kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2013

Không chỉ học trong sách giáo khoa, em còn tìm hiểu các kiến thức lịch sử qua truyền hình, báo chí, phim ảnh. Em nghĩ rằng Lịch sử là một môn học rất thú vị và có liên hệ với rất nhiều với các môn học khác. Đây cũng là môn rất dễ kiếm điểm nếu làm bài đủ ý với cách viết mạch lạc.
Theo Nhóm PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử giúp tăng vị thế

GD&TĐ - Ở lần bầu cử Tổng thống Nga năm nay, cả trong lẫn ngoài nước Nga đều dự đoán và tin chắc rằng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ lại đắc cử.
Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.