IMSO 2019: Khẳng định vị thế nước chủ nhà

GD&TĐ - Kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học quốc tế IMSO lần thứ 16 (IMSO 2019) đã được tổ chức thành công tại Hà Nội. 

Lễ bế mạc và trao giải IMSO 2019.
Lễ bế mạc và trao giải IMSO 2019.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ thi này. Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27/11/2019 - 30/11/2019, kỳ thi thu hút thí sinh, quan sát viên đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Kỳ thi mang tầm quốc tế

Hà Nội những năm gần đây đã có những bước tiến mạnh mẽ trong công tác hội nhập quốc tế, mở rộng cánh cửa chào đón bạn bè bốn phương thông qua tổ chức các kỳ thi mang tính quốc tế như Kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng HOMC, đăng cai tổ chức Olympic Sinh học quốc tế.

Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, TP. Hà Nội đăng cai tổ chức Kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học cho học sinh tiểu học dưới 13 tuổi lần thứ 16 năm 2019.

IMSO (International Mathematics and Science Olympiad for Primary School) là Kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học quốc tế thường niên bằng tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học trên toàn thế giới, với mục tiêu giúp học sinh tiểu học phát triển khả năng cao nhất về Toán và Khoa học.

Kỳ thi IMSO đầu tiên được Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia tổ chức vào năm 2003 với 11 nước tham gia.

Đến năm 2011, kỳ thi bắt đầu được mở rộng với nhiều nước tham dự ngoài Indonesia. Từ đó đến nay, kỳ thi được Ủy ban IMSO tổ chức luân phiên tại các quốc gia đăng cai và trở thành một sân chơi quốc tế thường niên nhiều uy tín, thu hút hơn 500 thí sinh xuất sắc đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2019, Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam được trao quyền đăng cai tổ chức Kỳ thi IMSO. Kỳ thi năm nay hội tụ hơn 1.700 người tham dự, gồm 719 thí sinh, 293 chuyên gia, cán bộ, giáo viên, quan sát viên quốc tế đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.

Lễ khai mạc của cuộc thi được tổ chức trang trọng, quy mô tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; Đại diện Đại sứ quán các nước Campuchia, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Sri Lanka.

Với chủ đề “Tư duy - Sáng tạo - Kỹ năng vượt trội”, IMSO 2019 được chia làm 2 bảng: Bảng A (Quốc tế) có 352 thí sinh dự thi và 197 chuyên gia, cán bộ, giáo viên, quan sát viên quốc tế thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự như: Mỹ, Nam Phi, Bulgaria, Singapore, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Thái Lan...;

Bảng B (Thành phố) có 367 thí sinh dự thi và 96 cán bộ, giáo viên thuộc 22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tham gia.

Các thí sinh làm bài thi.
 Các thí sinh làm bài thi.

Những trải nghiệm văn hóa thú vị

Trong 5 ngày tại Hà Nội, các thí sinh của cuộc thi IMSO 2019 không chỉ thực hiện các bài thi Toán và Khoa học mà còn tham gia chương trình Gala văn hóa (chiều 29/11).

Các đội thi đem đến những tiết mục đặc sắc, độc đáo, mang bản sắc và ý nghĩa riêng, được thể hiện qua âm nhạc, trang phục, biểu diễn. Gala văn hoá cho thấy các em không chỉ giỏi toán học, mà còn dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá để có thể phát triển toàn diện cả trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất.

Đây cũng là dịp để các thí sinh giao lưu, tìm hiểu về văn hóa của các quốc gia khác nhau. Để động viên các thí sinh, Ban tổ chức đã chấm và trao giải Sáng tạo cho đội Indonesia 1 và Ấn Độ; giải Trang phục đẹp nhất cho đội Mông Cổ. Giải Nhất toàn cuộc của chương trình thuộc về đội Indonesia 1.

Thí sinh và các thành viên trong đoàn dự thi đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã được tham gia khám phá làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Tại những nơi đến, các em không chỉ quan sát, tìm hiểu mà còn tự tay nặn gốm, đồng thời chơi những trò chơi truyền thống của Việt Nam. Chuyến tham quan đã góp phần quảng bá, giới thiệu tới các đoàn quốc tế về nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Lễ tổng kết và trao giải của cuộc thi được tổ chức vào chiều ngày 30/11. Kết quả của cuộc thi ở bảng A (bảng Quốc tế), Ban tổ chức đã trao 127 huy chương cho các học sinh dự thi môn Toán, gồm 21 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc, 64 Huy chương Đồng. Giải Vô địch toàn cuộc thuộc về học sinh Atthaseth Kanokwutthithumrong (Thái Lan);

Giải Vô địch phần thi Lý thuyết thuộc về học sinh Christopher Bao (Hoa Kỳ) và giải Vô địch phần thi Khám phá thuộc về học sinh Nguyễn Đăng Dũng (Việt Nam).

Ở môn thi Khoa học, Ban tổ chức đã trao 106 huy chương, gồm 17 Huy chương Vàng, 34 Huy chương Bạc, 55 Huy chương Đồng. Giải Vô địch toàn cuộc môn thi Khoa học thuộc về học sinh Chu Bình Minh (Việt Nam); Giải Vô địch phần thực hành thuộc về học sinh Supawit Laksanawilat (Thái Lan) và giải Vô địch Lý thuyết thuộc về học sinh Chin Hao Ching Dylan (Singapore).

Tổng kết cả hai môn Toán và Khoa học của bảng A, học sinh Việt Nam giành tổng số 15 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng trong cuộc thi IMSO lần thứ 16 năm 2019.

Ngoài 352 thí sinh tham gia ở bảng A (bảng Quốc tế), IMSO năm 2019 còn mở rộng thêm bảng B (bảng trong nước) với 367 thí sinh đến từ các quận, huyện của TP Hà Nội dự thi nhằm tạo điều kiện cho các em cọ xát với đề bài thi chuẩn quốc tế.

Một số trường có nhiều học sinh giành kết quả cao là: THPT chuyên Hà Nội – Asmterdam; THCS& THPT Newton; THCS Thanh Xuân; THCS&THPT Nguyễn Siêu; THCS&THPT Archimedes; THCS Trưng Vương…

Phát biểu tổng kết cuộc thi, TS Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của từng thí sinh dự thi, đồng thời khẳng định: Ban tổ chức đã tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sự kiện quan trọng này. Việc tổ chức Kỳ thi IMSO 2019 ngoài việc thúc đẩy phong trào học tập, còn là cơ hội tốt nhất để chia sẻ và làm phong phú thêm kiến thức của chúng ta về toán học, khoa học và văn hoá.

Sau 5 ngày được trải nghiệm, giao lưu học hỏi trong khuôn khổ của chương trình IMSO 2019, tôi tin rằng, đây không chỉ là một kỷ niệm đẹp, mà còn là sự thể hiện niềm đam mê toán học và khoa học trong một kỳ thi hội nhập với tầm vóc quốc tế; là dịp để các bạn trẻ thuộc nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa có cơ hội tìm hiểu, học hỏi, giao lưu nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, vì lợi ích và thịnh vượng của mỗi người dân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ