Chọn “nghề ngon” nhờ bám sát mục tiêu phát triển của Chính phủ

GD&TĐ - Người chọn trường, chọn nghề hiện nay thường quan tâm tới việc Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến cấu trúc nghề nghiệp xã hội? Sự chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ cần nhân lực ở những ngành nào?

Nhiều học sinh còn băn khoăn chọn nghề khi chuyển đổi số và dịch bệnh tác động tới thị trường lao động.
Nhiều học sinh còn băn khoăn chọn nghề khi chuyển đổi số và dịch bệnh tác động tới thị trường lao động.

Mục tiêu của Chính phủ là định hướng cho sinh viên

Nhiều học sinh quan tâm tới việc trong bối cảnh chuyển đổi số nên chọn ngành học nào phù hợp nhất. PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực xã hội. Bởi vậy, không chỉ làm việc ở các cơ sở chuyên về công nghệ thông tin mới cần thiết với mục tiêu chuyển đổi số. Mỗi ngành nghề đều cần kiến thức chuyên ngành với mục tiêu chuyển đổi số.

Từ khóa 4.0, chuyển đổi số được nhắc đến nhiều. Nếu như quan tâm đến vấn đề này, HS có thể tham gia học khối ngành toán tin, toán ứng dụng. Đây là những ngành cần cho việc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực. Đây cũng là những ngành được nhiều trường ĐH đào tạo. Riêng trong khối ngành công nghệ thông tin có những chuyên ngành như khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, an ninh mạng... rất cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số.

Theo TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, kỷ nguyên 4.0 đã và đang thay đổi toàn diện cuộc sống xã hội. Chưa bao giờ nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trong chuyển đổi và phát triển công nghệ mới lại lớn như hiện nay. Công nghệ đang hàng ngày thay đổi từng góc nhỏ của cuộc sống và không ai có thể đứng ngoài sự thay đổi này. 

Hàng loạt công việc mới được sinh ra bên cạnh những việc cũ mất đi. Nó khiến hàng triệu người lao động phải chuyển đổi việc làm hoặc chịu cảnh thất nghiệp.

Một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực lao động gây ra nhiều khủng hoảng và cũng tạo ra nhiều cơ hội mới. Trong đó, những tổ chức, cá nhân nào có khả năng thích ứng cao, có tốc độ nắm bắt cơ hội mới tốt là những người dành thắng lợi.

TS Đàm Quang Minh cho rằng, bức tranh hoạt động nghề nghiệp năm 2021 liên quan nhiều đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế biển... Những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là định hướng quan trọng cho học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề.

Chủ động thay đổi kế hoạch lập nghiệp

Nhiều HS bày tỏ băn khoăn chọn ngành nghề trước bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Cụ thể là với những ngành nghề liên quan đến quản trị khách sạn, kinh doanh lữ hành du lịch... gặp khó khăn khi dịch bệnh kéo dài.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ rằng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực quản trị du lịch, kinh doanh lữ hành ở một số quốc gia đã phải đóng cửa. Covid-19 đã khiến một số ngành nghề gặp khó khăn. Nhưng nó lại là yếu tố tác động đến việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế, phương thức kinh doanh. Trong khi đó, hoạt động kinh tế và kinh doanh luôn luôn là lĩnh vực thiết yếu.

Theo PGS Hiền, những chuyển dịch về cấu trúc ngành nghề thay đổi như thế nào lệ thuộc vào cách ta thích ứng với khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt là khả năng thích ứng với các tình huống tác động khách quan để có thể nhanh chóng chuyển đổi phương thức làm việc.

Mặc dù các ngành về công nghệ, kỹ thuật được lựa chọn nhiều nhưng cũng đừng quay lưng với quản trị khách sạn, du lịch. Bởi thời gian tới sẽ có chính sách để khuyến khích các ngành này phát triển, khắc phục thiệt hại từ dịch bệnh. Vì thế nhu cầu nhân lực có thể vẫn cần nhiều.

NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc - Bí thư, Chủ tịch hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng - Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịch Covid-19 khiến nhiều lao động bị mất việc làm. Số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên. Theo tính toán, nhóm đối tượng này sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp và nhà trường sẽ rộng mở cơ hội tuyển sinh. 

Thế nhưng, trên thực tế, thị trường lao động không có nhiều cơ hội việc làm, khiến người lao động không định hướng được nên học nghề gì cho phù hợp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của nhiều trường.
Hoạt động tuyển sinh đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu ở thời điểm sau khi học sinh cuối bậc THCS, THPT thi tốt nghiệp. Để có nguồn đầu vào chất lượng, tháng 3 và tháng 4 hằng năm là thời điểm “vàng” để các trường nghề tư vấn hướng nghiệp, tổ chức tuyển sinh.  

Trong hệ thống GDNN hiện nay, mặc dù nhu cầu của xã hội cao ở một số nhóm ngành nhưng vẫn rất khó tuyển sinh. Cụ thể như chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng ở các nghề thuộc nhóm ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, kĩ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc. Các nghề thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn, mỹ thuật ứng dụng, công nghệ kĩ thuật mỏ; kĩ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường; nông – lâm nghiệp và thủy sản…cũng “lao đao” vì Covid-19.

Hơn nữa, hình thức kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thí sinh chủ yếu thông qua ngày hội tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại các trường THCS, THPT hoặc hội nghị giáo dục nghề nghiệp do các sở, ngành, địa phương tổ chức. Thế nhưng, từ đầu năm 2020 đến nay hoạt động tư vấn, tuyển sinh trực tiếp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được thường xuyên. Mốc thời gian khai giảng các khóa đào tạo nghề mới tại các trường nghề cũng chưa thể xác định, khiến một số người có nhu cầu học nghề đã thay đổi kế hoạch lập nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ