Chàng kỹ sư trẻ thuần phục ngư lôi

Chàng kỹ sư trẻ thuần phục ngư lôi

(GD&TĐ) - Từ khi đang ở Học viện Hải quân, An đã say mê nghiên cứu khoa học. Công việc hiện nay của An là nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới để cải tiến vũ khí, khí tài do Liên Xô viện trợ từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Công tác bảo dưỡng tại các kho trạm và đơn vị trong toàn Quân chủng Hải quân hết sức khó khăn vì phụ tùng thay thế không còn. Làm sao để sản xuất phụ tùng thay thế? Câu hỏi tuy hóc búa nhưng Nguyễn Danh An tự nhủ mình phải trả lời bằng việc làm cụ thể.

An đã tham khảo hàng chục tài liệu của nước ngoài, đến các đơn vị, vào tận kho để nghiên cứu. May mắn cho anh, là được các thầy khoa Vũ khí dưới nước Học viện Hải quân nhiệt tình giúp đỡ, động viên. Năm 2008, An mạnh dạn đề xuất thực hiện đề tài cấp cơ sở: “Ứng dụng vi điều khiển cải tiến mạch điện ngòi nổ không tiếp xúc điện từ Ngư lôi 53VA”. Đề tài sử dụng ngôn ngữ lập trình bậc cao kết hợp với vi điều khiển và các linh kiện bán dẫn thế hệ mới phổ biến trên thị trường hiện nay, nhằm tạo ra mạch điện có tính năng tương đương mạch điện ngòi nổ không tiếp xúc của ngư lôi 53VA cũ của Liên Xô.

Bằng giọng Nghệ An trầm ấm, hơi nặng, anh kể cho chúng tôi nghe công việc đã và đang làm. Đó là nghiên cứu sâu về ngư lôi. Thực ra, tài liệu chuyên ngành ít ỏi, An phải học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước. Nhưng khi có, nhiều người lắc đầu vì có những trang bị chưa từng nhìn thấy bao giờ. Tuy vậy, không nản chí, bỏ cuộc, anh tìm đến Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh - một trung tâm lớn về nghiên cứu khoa học kỹ thuật - để tham khảo thêm tài liệu.

Kỳ nghỉ hè, An dùng đồng tiết kiệm phụ cấp ít ỏi hàng tháng và tiền của bố mẹ gửi bắt xe đò từ Nha Trang vào TP Hồ Chí Minh học thêm vi điều khiển và sưu tầm tài liệu. Sài Gòn trưa tháng 7 nắng chói chang, nhiều sinh viên vẫn thấy anh học viên Hải quân say mê đọc và nghiên cứu tài liệu. Điều này khiến các thầy cô giáo Trường Đại học Bách khoa quý trọng và tạo mọi điều kiện giúp đỡ. A

n tâm sự, nhiều buổi trưa anh ngủ luôn ở thư viện chỉ ăn một chiếc bánh mỳ thay cho ăn cơm vì phải chạy đua với thời gian ít ỏi của kỳ nghỉ phép hè có một tháng. An càng nghiên cứu càng thấy tri thức như mở ra và càng ngày càng sáng tỏ. Nhưng chính công sức của anh chàng người lính biển tràn đầy đam mê với tình yêu khoa học đã được đền đáp xứng đáng. Trở về trường sau một tháng hè An tiếp tục bắt tay vào thực hiện đề tài bấy lâu ấp ủ.

Bao nhiêu đêm trăn trở đánh vật với con số, mạch điện đã chiếm hết thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ của cậu học viên. Đề tài được hoàn thành đúng kế hoạch và được hội đồng khoa học cấp cơ sở nghiệm thu đánh giá cao và đoạt giải C giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh năm 2009.

Đến Vùng 2 Hải quân đặt vấn đề với Đại tá Nguyễn Túy, Chủ nhiệm Chính trị của Vùng 2 về nét nổi bật điểm sáng văn hóa của đơn vị. Anh đã rất tâm đắc kể về phong trào sáng kiến, cải tiến vũ khí trang bị của đơn vị Trạm 63, Căn cứ 696. Cũng từng học chuyên ngành vũ khí dưới nước, do vậy anh luôn đồng cảm, chia sẻ khó khăn và có cả sự đau đáu niềm đam mê nghiên cứu khoa học những chiều sâu tâm tư mà anh em đơn vị ngày đêm trăn trở. Anh vui vẻ kể nhiều đề tài của các đồng chí Nguyễn Văn Ninh, Bùi Chính Trực, Trần Văn Bé, Nguyễn Đức Tiến… được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao và áp dụng tại thực tiễn đơn vị mang hiệu quả rõ rệt.

“Phần lớn vũ khí trang bị kỹ thuật trong quân chủng Hải quân được sử dụng và bảo quản trong điều kiện tốt nhất, nhưng thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, cộng với vũ khí trang bị kỹ thuật tuổi thọ đã cao, nên xuống cấp, xuất hiện hỏng hóc cần phải sửa chữa, khôi phục, nhưng lại khan hiếm về phụ tùng vật tư, linh kiện và thiết bị thay thế, sữa chữa. Vì thế nhiều kỹ sư trẻ say mê nghiên cứu khoa học ngày đêm tìm tòi sáng tạo là một nét đẹp của tuổi trẻ Vùng 2” - đại tá Túy nói.

Sự say mê nghiên cứu và môi trường trong phong trào thi đua nghiên cứu cải tiến vũ khí của đội ngũ kỹ sư hiện nay đã khích lệ Thượng úy, kỹ sư Nguyễn Danh An, Phó Trạm trưởng, Trạm 93, Căn cứ 696 Vùng 2, đã nhận thấy tại Trạm ngư lôi 93, mỗi loại đạn chỉ có 1 dây chuyền kiểm tra nâng cấp vừa dùng để kiểm tra đạn ngư lôi vừa dùng để huấn luyện hàng năm.

Các dây chuyền cũ có tuổi thọ cao, nếu đem ra sử dụng thường xuyên sẽ giảm tuổi thọ máy, làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của dây chuyền kiểm tra. An đem ý tưởng trao đổi với ban chỉ huy Trạm và được các anh ủng hộ. Đầu năm 2012, anh bắt tay xây dựng “Phần mềm mô phỏng quy trình kiểm tra tự dẫn Ngư lôi 53VA”. Bản thân Nguyễn Danh An thấy rằng đối với dây chuyền kiểm tra đạn Ngư lôi SET - 53M còn thiếu đồng bộ trang bị máy “Kiểm tra máy điều khiển độ sâu và máy lái hướng Ngư lôi SET-53M”.

Vì thế, hàng năm khi kiểm tra chưa đánh giá cụ thể được tình trạng kỹ thuật, chất lượng của quả đạn, nhất là sự làm việc của các máy điều khiển, máy lái trên ngư lôi. Dây chuyền kiểm tra đạn ngư lôi hiện nay thuộc chương trình VT-79 và được điều chuyển từ các đơn vị trong Quân chủng về Trạm 93 nên trang bị và tài liệu đi kèm còn thiếu nhiều. Tài liệu, sơ đồ bản vẽ máy đi kèm không có nên rất khó khăn cho công tác thiết kế, chế tạo.

Thực tiễn đơn vị làm An rất trăn trở phải làm thế nào để kiểm tra đánh giá được chi tiết, cụ thể các thông số quả đạn giúp cho quá trình nâng cấp, kiểm tra và niêm cất được tốt hơn. Nghiên cứu thực tế trên quả đạn ngư lôi SET-53M và tổng hợp quy trình chuẩn bị đạn, thuyết minh kỹ thuật quả đạn. Theo các số liệu bản thân thu thập được, An đã trình bày ý tưởng lên cơ quan kỹ thuật Căn cứ và được các đồng chí trong ban chỉ huy Căn cứ hết sức ủng hộ. Năm 2012 An đã mạnh dạn đề xuất lên Quân chủng Hải quân cho phép nghiên cứu, thiết kế, chế tạo “Máy 238.07.060 Np, phục vụ kiểm tra chuẩn bị ngư lôi SET-53M”. Đề tài đã được Quân chủng nhất trí cho triển khai thực hiện để áp dụng tại đơn vị.

Phải nói thêm, An may mắn có được người vợ biết chia sẻ công việc chồng đang làm. Chính điều đó là điểm tựa cho mỗi cán bộ chúng ta hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng cao cả. Vâng, hạnh phúc của một đời người là vô cùng, nhưng có người vợ, một gia đình như gia đình người sỹ quan này đâu phải dễ.

Nguyễn Mạnh Cương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ